Ông Nguyễn Văn Đức (ngõ 31 Nguyễn Phong Sắc kéo dài), đã từng là chủ một ki-ốt bán báo trên phố Cầu Giấy chia sẻ, nếu nói vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, thì chuyện những cửa hàng mặt đường tranh thủ lấn chiếm vỉa hè làm nơi gửi xe cho khách, thậm chí đậu xe, mở quán nước ngay trên vỉa hè sẽ phải giải thích như thế nào.
“Chúng tôi không kinh doanh báo nữa, cũng được thôi, nhưng mà sau đó chỉ khổ cho những người có nhu cầu cập nhật thông tin hằng ngày mà không tìm mua được tờ báo tại nơi ở của mình”, ông Đức phân tích.
Theo ông, giá như quy định siết chặt tiến hành đều và công bằng, theo đúng nghĩa, thì người dân như ông đã không bức xúc. Nhưng đằng này, hầu hết các cửa hàng bán quần áo, đồ điện gia dụng... trên tuyến phố này đều sử dụng vỉa hè làm chỗ để xe cho khách. Trong khi đó, chỗ dành cho một sạp báo để phục vụ nhu cầu thông tin của người dân thì không có.
Đối với những người có nhu cầu đọc báo hằng ngày mà không kiếm nổi một tờ báo để xem, việc những sạp báo, quầy báo không còn tồn tại hoặc ít xuất hiện là một mất mát lớn.
Nguyễn Thành Chung, sinh viên năm cuối khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn bức xúc cho biết, không thể tưởng tượng nổi ngay giữa thủ đô văn minh, hiện đại mà muốn tìm mua một tờ báo chẳng khác gì tìm kim đáy bể.
Chung cho hay, hiện đang cộng tác với một số tờ báo, nên sáng nào cũng phải tìm mua báo đọc để xem bài viết có được đăng hay không. Dù thế, quanh khu vực mặt phố Nguyễn Trãi hầu như không có sạp báo nào, muốn mua, cậu phải tìm đến những sạp báo nhỏ nằm sâu trong các tuyến Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh… khá mất thời gian.
“Đặt báo ở bưu điện thì phải đặt theo quý, theo năm, không thể đặt giữa chừng. Trước cạnh trường mình cũng có mấy sạp báo, nhưng bị quy kết là lấn chiếm vỉa hè nên đã dọn rồi”, Chung kể.
Theo cậu sinh viên này, việc các sạp báo tại vỉa hè, lòng đường bị quy “tội” lấn chiếm hoàn toàn không xác đáng vì như thế đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ “đói” thông tin chỉ vì… cái vỉa hè.
Nếu nói lấn chiếm vỉa hè là sai, thì rõ ràng hiện nay, đâu chỉ mỗi mình sạp báo mới lấn chiếm vỉa hè. Nhiều người cũng tận dụng vỉa hè làm chỗ đậu ô tô, làm chỗ trông giữ xe máy, làm nơi bán hàng ăn… Còn nếu nhìn nhận ở góc độ mỹ quan đô thị, thì việc sạp báo hay bất cứ sạp gì mà căng chình ình giữa vỉa hè, thì cũng không đúng và không được mỹ quan cho lắm.
Tuy nhiên, một sản phẩm văn hóa, sản phẩm đọc như những tờ báo, tạp chí, ra đời để phục vụ công chúng, thì không thể, không nên mất chỗ đứng hay chết đi một cách lãng xẹt hay để bạn đọc “đói” thông tin chỉ vì… cái vỉa hè. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đức Hùng, một thành viên trong Câu lạc bộ Thơ Hà Nội, độc giả trung thành của một số tờ báo chính trị, xã hội hiện nay.
“Với người trẻ, có thể truy cập mạng để cập nhật thông tin còn đỡ, nhưng với các thế hệ người trung tuổi, cao tuổi không nắm được công nghệ như chúng tôi, thì không được cầm tờ báo giấy trên tay hằng sáng cũng chẳng khác gì “chết đói” thông tin”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, thành phố nên áp dụng những biện pháp tích cực để vừa duy trì được văn hóa đọc báo hằng sáng của người dân mà vẫn đảm bảo đúng quy định về sử dụng và quản lý vỉa hè, lòng đường.
Ông cho hay, nên mở những ki-ốt bán báo trên vỉa hè, có thể di chuyển lưu động và tiến hành thu phí hằng tháng với mức phí hợp lý, phù hợp với doanh thu từ việc bán báo của chủ sạp giống như việc thu phí vỉa hè làm nơi trông giữ xe.
Ngoài ra, có thể tiến hành quy hoạch một không gian riêng cho các sạp báo vỉa hè, có quy định riêng đối với những người bán báo dạo trên phố. Đó có thể là quy định về giờ giấc rao báo, âm lượng loa, nội dung bài rao… để tránh tình trạng cái gì cũng rao, giờ nào cũng rao và nội dung giật gân, câu khách của một số người bán báo dạo hiện tại.
Trần Đan
Bình luận (0)