'Đối tượng mua bán người có thể là người lạ, bạn bè, hàng xóm và cả người thân'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
21/10/2022 17:39 GMT+7

Lãnh đạo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho biết tội phạm mua bán người thường chọn TP.HCM làm nơi tập kết, trung chuyển đưa người ra nước ngoài. Đồng thời cảnh báo 'Đối tượng mua bán người có thể là người lạ, bạn bè, hàng xóm, thậm chí là người thân'.

Ngày 21.10, tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, có báo cáo kết quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong 9 tháng đầu năm 2022. Đơn vị nhận định, TP.HCM là nơi tiềm ẩn rất lớn của tội phạm mua bán người, do mật độ dân cư đông cũng như là đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế với nhiều bến xe, bến tàu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tội phạm mua bán người thường chọn TP.HCM là nơi tập kết, trung chuyển đưa người ra nước ngoài.

Thông tin với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM (đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người ngày càng gia tăng là vì dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lâm cảnh khó khăn, mất việc.

Nhóm người đứng ra làm 'cò' chuộc lao động bị bán qua Campuchia muốn quay về Việt Nam (hình ảnh ghi nhận của PV Thanh Niên hồi tháng 6.2022)

THANH NIÊN

Xu hướng hoạt động của tội phạm mua bán người hiện rất tinh vi, thay vì hình thức "truyền thống" là gặp trực tiếp nạn nhân, các nghi can sẽ giao tiếp thông qua mạng xã hội để tuyển mộ việc làm với mức thu nhập cao ở các nước như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Singapore… Sau đó, các nghi can sẽ đưa nạn nhân xuất cảnh hợp pháp thông qua các đường tiểu ngạch hoặc xuất cảnh trái phép.

Nhưng thực chất, đây là hoạt động tuyển mộ, vận chuyển, lừa bán người lao động vào các công ty để bóc lột sức lao động. Đến khi nạn nhân không chịu được nữa thì buộc gia đình phải trả tiền chuộc nếu muốn về Việt Nam.

Một số hình thức khác có thể kể đến như: rủ nạn nhân đi làm ăn xa, buôn bán gần khu vực biên giới; môi giới hôn nhân với người nước ngoài; xuất khẩu lao động, nhận con nuôi hoặc thực hiện sinh sản có giao kèo...

Trong quá trình di chuyển hoặc khi đã đến nước ngoài, các nghi can giữ hết giấy tờ, tiền bạc... để nạn nhân hoàn toàn bị lệ thuộc. Đồng thời, các nghi can cho nạn nhân đi bằng nhiều phương tiện, qua nhiều nơi khác nhau để nạn nhân không nhớ được đường.

“Chúng tôi cảnh báo đối tượng mua bán người có thể là người lạ, bạn bè, hàng xóm hay thậm chí người thân. Do đó, người lao động phải biết cách tự bảo vệ mình, tìm hiểu kỹ tất cả các thông tin liên quan khi có ý định ra nước ngoài làm việc”, vị lãnh đạo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM nhấn mạnh.

Theo đơn vị, một số địa chỉ tin cậy có thể giúp người dân khi cần thiết như: số điện thoại của gia đình, người thân, bạn bè, người quen; đầu số 113 của cơ quan công an; đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân 111; chính quyền địa phương; Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại, người quen hoặc công an nước sở tại…

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh khám phá 1 nhóm, bắt 6 nghi can (giải cứu 6 nạn nhân) về hành vi “mua bán người” và “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Đồng thời, Công an TP.HCM đã tiếp nhận thông tin, xác minh các tin trình báo với tổng số 39 người Việt Nam nghi bị lừa bán sang Campuchia, trong đó có 12 nạn nhân đã tự trở về và hiện đơn vị đang tiếp tục xác minh, thụ lý các tin trình báo còn lại.

Sở Ngoại vụ TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết 32 trường hợp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; trong đó có 7 trường hợp liên quan đến nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, Sở Ngoại vụ cũng nhận được 48 đơn, thư trực tiếp đề nghị đơn vị hỗ trợ bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài, chủ yếu nhập cảnh trái phép và lao động bất hợp pháp; trong đó phần lớn xảy ra tại Campuchia (20 đơn, thư), Myanmar, Malaysia, Indonesia. Tất cả các trường hợp trên đều được Sở Ngoại vụ chuyển ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước có liên quan để phối hợp xử lý.

Riêng Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã phối hợp Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang tiếp nhận 1 trường hợp là nạn nhân bị mua bán trở về từ Campuchia và đã hỗ trợ, giúp đỡ người này theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.