img
Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử  - Ảnh 1.

Một ngày giữa tháng 5.2023, ông Jere Longman, ký giả của nhật báo nổi tiếng The New York Times có mặt tại Hà Nội. Từng tác nghiệp ở 5 kỳ World Cup nữ, có 30 năm kinh nghiệm làm việc tại các giải thể thao hàng đầu, ông Longman vẫn bay nửa vòng trái đất đến Việt Nam để tìm hiểu về một "hiện tượng" mà dư luận Mỹ đang quan tâm.

"Sự hiện diện của đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup 2023 khiến nhiều người chú ý", ông Longman khẳng định. Trong mắt giới chuyên môn quốc tế, bóng đá Việt Nam dù đã tiến bộ, nhưng việc đội tuyển nữ Việt Nam góp mặt ở World Cup vẫn là bất ngờ lớn.

Càng bất ngờ hơn khi trong những ngày ở Việt Nam, ký giả của The New York Times đã được nghe câu chuyện về những cầu thủ nữ với đôi chân trần, cùng dạ dày đôi lúc chẳng có gì nhiều ngoài… mì tôm và trà đá, nhưng vẫn kiên cường vượt qua giới hạn để trở thành nhà vô địch Đông Nam Á, vươn ra châu Á rồi bây giờ có mặt ở World Cup.

Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử  - Ảnh 2.

Lịch sử bóng đá nữ Việt Nam dường như chỉ bắt đầu từ những năm 1984, với công lao của hai nhân vật, đó là ông Trần Thanh Ngữ, nguyên Trưởng phòng TDTT quận 1 (TP.HCM) và ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Dù cách đây hơn 30 năm, bóng đá nữ không được khuyến khích, nhưng với quyết tâm của lãnh đạo cùng các cầu thủ, ngọn lửa đam mê vẫn được nhen nhóm, và bão giông thổi qua cũng không bị dập tắt.

Ông Bùi Công Phú, người có gần 20 năm làm "lính" bên cạnh ông Tư Ngữ (tên thân mật của ông Trần Thanh Ngữ) kể lại:

Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử  - Ảnh 3.

Kỷ niệm mà ông Phú nhớ nhất là chuyến ông Tư Ngữ đưa đội nữ Quận 1 đi Tiền Giang thi đấu với đội lão tướng còn dẫn theo đội aerobic biểu diễn để thu hút người hâm mộ. "Lãnh đạo Sở TDTT TP.HCM khi đó biết được liền cử người theo chặn xe không cho đội nữ đi Tiền Giang thi đấu. Anh Tư Ngữ hay tin nên cho xe chạy sớm và ngụy trang để không bị phát hiện", ông Phú kể.

Ngoài đội Quận 1 của TP.HCM thì ngoài Bắc có thêm đội Hoa Học Trò do ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, gây dựng. "Để phong trào bóng đá nữ lan tỏa, năm 1994, ông Tư Ngữ và ông Hoàng Vĩnh Giang bàn nhau đưa đội Quận 1 và đội Hoa Học Trò theo đoàn đua xe đạp về Điện Biên Phủ. Tôi còn nhớ lúc đó sáng thì đua xe đạp, chiều 2 đội bóng đá nữ đá giao hữu, tối thì biểu diễn thời trang kết hợp aerobic. Hôm đá bóng giao hữu ở Hòa Bình, sân bóng nằm dưới chân đồi còn khán giả kéo nhau lên trên đồi ngồi xem chật kín", ông Bùi Công Phú kể.

Bàn thắng của Thanh Nhã thắp sáng hy vọng cho đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup

Thuở bình minh của bóng đá nữ, các cầu thủ chịu khổ trăm bề. Thế hệ của các cựu tuyển thủ Lưu Ngọc Mai, Bùi Thị Hiền Lương,... phải "bơi" trong những bộ quần áo bóng đá nam, có lúc không có giày, phải tập bóng bằng chân trần trên mặt cỏ khô khốc, lồi lõm. Để duy trì tập luyện, các cầu thủ nữ ở TP.HCM phải di chuyển gần 2 tiếng từ chỗ ở đến sân. Đá bóng xong, các cầu thủ cùng nhau… uống trà đá, tề tựu vài phút, rồi trở về với cuộc sống thường nhật. Người ra chợ bán rau, người đẩy xe bán bánh mì để nuôi sống một giấc mộng mông lung.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với bóng đá nữ vẫn là định kiến. Theo ông Bùi Công Phú, đầu những năm 1990, bóng đá nữ được "thả lỏng" hơn ở khâu quản lý nhưng rào cản từ suy nghĩ con gái mà theo nghiệp quần đùi áo số, bóng đá không dành cho phái yếu,... khiến phong trào chưa phát triển. Đến nay, tư duy có cởi mở hơn, nhưng còn lắm rào cản.

Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử  - Ảnh 5.

Trong buổi phỏng vấn một số cầu thủ nữ, phóng viên Mỹ Jere Longman lặp lại câu hỏi "gia đình có ủng hộ bạn theo nghiệp cầu thủ không?". Phần lớn trong số này khẳng định, đã phải thuyết phục gia đình rất nhiều. Trần Thị Kim Thanh, Nguyễn Thị Bích Thùy lên đường vào TP.HCM tập luyện trong giọt nước mắt nhớ con của các bậc sinh thành. Đào Thị Kiều Oanh thậm chí viết cam kết sẽ học tốt để bố mẹ cho tập luyện bóng đá.

Những cô gái ấy cùng nhau mang đôi giày cũ, mặc chiếc áo giặt đến sờn vải, có chẳng ít ngày ăn chưa no, nhưng đã bước ra sân là trở thành con người khác. Đôi mắt sáng lên, đôi chân gắn chặt lấy trái bóng và bầu nhiệt huyết được "tháo cạn" để hết mình với đam mê. 

Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử  - Ảnh 4.

Bóng đá nữ Việt Nam hôm nay không còn "khổ" như cái thời của các lãnh đạo như ông Tư Ngữ hay Hoàng Vĩnh Giang. Các cầu thủ, đặc biệt ở cấp đội tuyển quốc gia, được chăm sóc tốt hơn, quan tâm đặc biệt hơn. Thu nhập chưa thể sánh với cầu thủ nam, nhưng các cầu thủ nữ được đầu tư tập huấn, dinh dưỡng, nâng cao trình độ và thể lực tương đối tốt. Tấm vé dự World Cup 2023 là thành quả của quá trình đầu tư bền bỉ, mà tất cả đã cùng nhau gieo hạt giống, kiên nhẫn chờ đợi và hưởng trái ngọt.

Hành trình vươn lên của đội tuyển nữ Việt Nam diễn ra tịnh tiến và bài bản. Đầu tiên là vượt qua Thái Lan để thống trị Đông Nam Á, với 4 tấm HCV SEA Games liên tục. Sau đó là vươn ra châu Á khi chơi tốt tại ASIAD (bán kết năm 2014, tứ kết năm 2018), thu hẹp cách biệt trình độ với nhóm "chị đại" châu lục.

Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử  - Ảnh 7.

Đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023 với tư cách đội hạng 5 châu Á trên bảng xếp hạng FIFA, chỉ xếp sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc. Việc được dự World Cup được xem là thành tích lịch sử với bóng đá nữ Việt Nam bởi đây là lần đầu thầy trò HLV Mai Đức Chung góp mặt. 

Đó là hành trình vượt gian khổ của một đội tuyển, của cả một nền bóng đá. Tất cả đã gai góc chống lại nghịch cảnh để bước đi trên con đường của mình, với một niềm tin kiên định rằng đã đi thì nhất định sẽ đến.

Đội hình tối ưu của đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023

Khi Nguyễn Thị Thanh Nhã bứt tốc, đẩy bóng rồi dứt điểm quyết đoán tung lưới đội tuyển nữ Đức, dưới chân cầu thủ sinh năm 2001 là một đôi giày "xịn", đang lướt như bay trên mặt cỏ mềm như nhung, tại sân bóng của một trong những nền bóng đá hùng mạnh nhất thế giới.

Đặt cạnh đôi chân trần của Lưu Ngọc Mai, Bùi Thị Hiền Lương cách đây 3 thập kỷ để thấy bóng đá nữ Việt Nam đã tiến những bước rất, rất dài. Nhưng dù là đôi chân trần đã chai sần bởi mặt cỏ khô nóng của thế hệ trước hay đôi chân được bao bọc cẩn thận và chăm sóc kỹ lưỡng của thế hệ này, các cầu thủ nữ Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ thay đổi. Đó vẫn là những cô gái kiên cường lao ngược chiều gió, chiến đấu cho đam mê rực cháy, dù đứng trước khó khăn vẫn có thể nở nụ cười và coi mọi rào cản chỉ là chuyện nhỏ.

Phẩm chất quý giá ấy được bóng đá nữ Việt Nam truyền nhau từ lứa này sang lứa khác. Đó là hành trình "truyền lửa" đáng tự hào, với nền tảng được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt của thế hệ tiên phong, rồi được bồi đắp bền bỉ qua năm tháng để đến hôm nay, đội tuyển nữ Việt Nam hiên ngang bước ra sân chơi thế giới.

Tấm vé dự World Cup đã mang lại cho bóng đá nữ Việt Nam vận mệnh lịch sử. Các cầu thủ tập luyện với trái bóng World Cup, khám sức khỏe theo tiêu chuẩn FIFA, rảo bước trên những sân bóng hàng đầu. Và hơn hết, đó là cơ hội được so tài với đối thủ mạnh, mà HLV Mai Đức Chung thừa nhận có bỏ tiền ra mời cũng chưa chắc họ nhận lời đá giao hữu.

1 năm qua, đội tuyển nữ Việt Nam đã đối đầu với 3 trong 6 đội tuyển nữ hàng đầu thế giới, đó là Đức (hạng 2), Pháp (hạng 5) và Tây Ban Nha (hạng 6). Cửa ải đầu tiên mà Huỳnh Như cùng đồng đội gặp ở World Cup 2023 là Mỹ (hạng 1) - đương kim vô địch giải đấu. Đó là những thử thách cực đại mà ngay cả những cường quốc bóng đá nữ cũng chưa chắc va đập chỉ trong khoảng thời gian ngắn.

Đội tuyển nữ Việt Nam đã vượt lên khó khăn chỉ để "được" đối mặt với những khó khăn ở cấp độ cao hơn nữa. Tuy nhiên, với những đôi chân đã vượt qua những ngày nắng nóng và bệnh dịch để mở toang cánh cửa đến Asian Cup, có lẽ việc gặp những đỉnh núi cao không còn khiến HLV Mai Đức Chung cùng các cầu thủ nản lòng. Đó chỉ thuần túy là bài kiểm tra sức bền ý chí, mang lại cho đội tuyển nữ Việt Nam bài học vô giá, cùng những trải nghiệm mà các cầu thủ sẽ nhớ mãi.

Sau cùng, các học trò của HLV Mai Đức Chung chỉ là những con người bình thường, nhưng làm việc với sự cần mẫn, chuyên nghiệp và nỗ lực phi thường. Đội nữ được yêu mến, vì đó là những người hùng bình dị, có những giấc mơ bình dị. Và họ được yêu mến bởi dám nỗ lực và tận hiến để biến giấc mơ ấy thành hiện thực.

Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử  - Ảnh 10.

Dưới ánh đèn trên sân Eden Park vào ngày 22.7 tới, các cầu thủ nữ Việt Nam sẽ trút bỏ những lời khen mỹ miều cùng sự lo lắng, để bước vào trận đấu với quyết tâm thuần khiết như những ngày đầu đến với bóng đá, khi chơi bóng trên những mặt sân mấp mô mà chẳng bận lòng.

Sân khấu World Cup cũng như bất kỳ sân khấu nào khác, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ tận hưởng khoảnh khắc của riêng mình và kiên định chiến đấu để chạm tới giấc mơ.  

Đội tuyển nữ Việt Nam: Đôi chân trần sải bước đến vũ đài lịch sử - Ảnh 11.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.