(TNO) Hai trận đấu, tuyển Việt Nam thể hiện 2 hình ảnh và ra sân với 2 đội hình khác nhau. Cũng vì thế, các đối thủ khó lòng biết được đâu là những cầu thủ quan trọng nhất của HLV Toshiya Miura.
>> Hai mặt của đội tuyển Việt Nam
>> Tuyển Việt Nam chưa gây hứng khởi cho người hâm mộ
>> Đội tuyển Việt Nam thắng dễ Lào 3-0
|
Hai trận đã đấu, ghi cả thảy 8 bàn, giành tối đa 6 điểm, trở thành đội bóng đầu tiên của bảng A hiên ngang vào bán kết, Philippines đã mở ra mọi quân bài mình có.
Cái bài đến từ một đội bóng được thành hình bởi 20 cầu thủ “ngoại”, được tổ chức trong một lối chơi tấn công biên tạt bóng đơn giản mà hiệu quả. Cái bài mà ở đấy “chủ bài” Younghusband dù đã già hơn 4 tuổi so với khi trình diện làng túc cầu khu vực (AFF Cup 2010) nhưng vẫn là linh hồn sống trong mỗi đợt tấn công.
Bây giờ thì ai cũng bảo chính người Phi, chứ không phải người Thái, càng chẳng phải người Singapore mới là ứng viên số 1 cho ngôi vô địch AFF Cup năm nay. Và có nhắm mắt lại các nhà cầm quân Đông Nam Á bây giờ cũng biết Phi đá, Phi đấm, Phi đấu với bao nhiêu chiêu bài.
Cùng chung bảng với Phi nhưng tuyển Việt Nam lại đá hai trận đấu với hai bộ mặt khác nhau (ít nhất là khác về mặt cảm xúc): một đội bóng tràn trề nhựa sống trong trận ra quân thắng hụt Indo và một đội thắng thật, thắng tới 3 bàn, nhưng lại có tới 2/3 thời gian thi đấu bế tắc trước “khối bê tông” Lào.
|
Nếu sau trận Indonesia, báo chí Đông Nam Á dùng rất nhiều mĩ từ ca ngợi tuyển Việt Nam và một bình luận viên của ESPN dùng hình ảnh các cầu thủ Indonesia quỳ sụp xuống sân cảm tạ trời đất thánh thần sau bàn gỡ 2-2 may mắn để tô đậm cho sự ấn tượng của Việt Nam thì sau trận với Lào, báo Ta, báo Tây, và cả báo “trong nhà” đã tức thì dịu giọng.
Sự dịu giọng ấy có khi lại là liều thuốc tốt, vì một mặt nó khiến tự thân các tuyển thù và ông Miura hiểu rõ những điểm giới hạn của mình, và mặt khác lại khiến các đối thủ sắp tới không quá đề cao mình, điều mà Philippines bây giờ đang gặp.
Hai trận đấu, tuyển Việt Nam thể hiện 2 hình ảnh và ra sân với 2 đội hình được xới tung lên. Xới từ hàng hậu vệ với Văn Biển thay Xuân Thành, xới lên khu trung tuyến với Tấn Tài thay Hoàng Thịnh, xới lên cả tuyến đầu hàng công với cặp Anh Đức - Công Vinh thay cặp bài Hải Anh - Văn Quyết, và sau 45 phút đầu tiên trận gặp Lào thì xới luôn cả “kẻ gác đền” với Thanh Bình thay Nguyên Mạnh.
Kiểu xới người của Miura chắc chắn nhắm đến việc giúp tuyển Việt Nam có thể chơi tốt hơn, tạo ra nhiều tính bất ngờ hơn, từ đó có thể giành chiến thắng một cách gọn ghẽ hơn. Hiệu quả chuyên môn của kiểu “xới bài” này đến đâu thì còn hậu xét nhưng hiệu quả “tâm lý chiến” của nó thì chắc chắn rất cao.
|
Rốt cuộc thì đội hình nào là đội hình cứng cựa của Miura? Rốt cuộc thì cầu thủ nào mới là át chủ bài mà Miura tin dùng trong những tình huống quyết định? Đấy là câu hỏi mà các đối thủ của tuyển Việt Nam tới đây sẽ hỏi, và càng hỏi sẽ càng bất lực với một đội bóng chủ động “xới bài” và luôn tạo cho người ta một cảm giác “rối bài”.
Xét về thực lực, Philippines có con người nhỉnh hơn Việt Nam, và cũng có lối chơi thuyết phục sắc sảo hơn Việt Nam. Nhưng rõ ràng đến lúc này thì Philippines lại dễ bị nhận diện hơn Việt Nam, và từ đó cũng dễ bị “bắt bài” hơn Việt Nam rất nhiều.
Mà trong những cuộc trường chinh đường dài ở cái “ao” Đông Nam Á, nơi mà mấy đội ứng viên vô địch cũng chỉ hơn, kém nhau chút chút thì có lẽ việc “mở bài” sớm quá và lộ mình nhiều quá lại là điểm rất gở của người Phi?
Chắc chắn ông Miura không chủ động tạo nên sự rối bài, rối luôn cả các đường binh trong 90 phút giành chiến thắng mướt mồ hôi trước Lào. Nhưng vô tình thì cái thắng rất rối ấy lại giúp chúng ta có nhiều cái được.
Vào thời điểm này có lẽ nên nhìn nhận như thế, thay vì trút cả một “cơn bão” lên một đội tuyển mà đội hình chính trong trận ra quân chỉ có tuổi đời bình quân 24,1.
Phan Đăng
Bình luận (0)