Ca khó của đội tuyển Việt Nam
AFF Cup không phải sân chơi "khan" bàn thắng với đội tuyển Việt Nam. Năm 2018, đội bóng của HLV Park Hang-seo đăng quang với 15 bàn thắng sau 8 trận (trung bình 1,87 bàn/trận). Năm 2021, dù bị loại ở bán kết, nhưng Tiến Linh cùng đồng đội vẫn ghi 9 bàn sau 6 trận, hiệu suất 1,5 bàn/trận.
Đến năm 2022, con số bàn thắng là 16 bàn sau 8 trận. Trong đó ở vòng bảng, toàn đội ghi 12 bàn và không để lọt lưới. Đó là sự thống trị tuyệt đối.
Tuy nhiên, trong trận đấu với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại AFF Cup 2024 như Thái Lan hay Indonesia, hiệu suất ghi bàn của đội tuyển Việt Nam mang lại nỗi lo lớn.
3 trận gần nhất gặp Indonesia, đội bóng được huấn luyện bởi ông Philippe Troussier toàn thua và không ghi được bàn thắng nào. Còn 7 trận gần nhất gặp Thái Lan trên mọi đấu trường, đội tuyển Việt Nam chỉ ghi 3 bàn, trong đó có tới 5 trận không tìm được mành lưới đối thủ.
Thống kê nói trên cho thấy, đội tuyển Việt Nam chỉ ghi bàn hiệu quả trước những đội không mạnh về phòng ngự, yếu tranh chấp và lối chơi lỏng lẻo như Myanmar, Philippines, Malaysia.
Còn trước những đội có thể hình, tranh chấp và tổ chức phòng ngự tốt (Indonesia) hay kiểm soát bóng hiệu quả (Thái Lan), đường đến cầu môn trở nên gian nan hơn.
Cuối thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam gặp vấn đề thiếu tiền đạo giỏi. Khâu tổ chức tấn công cũng không còn dồi dào ý tưởng, chủ yếu tập trung khai thác sai lầm đối thủ để tổ chức lên bóng nhanh, hoặc chờ đợi duyên săn bàn của Nguyễn Tiến Linh.
Còn khi HLV Troussier nắm quyền, đội tuyển Việt Nam cầm bóng nhiều, đẩy đội hình lên cao hơn, song lại gặp khó ở "đầu ra": đến phần sân đối phương, các cầu thủ không có mảng miếng phối hợp, không mở được khoảng trống ghi bàn.
Khi HLV Kim Sang-sik nắm quyền, đấu pháp tấn công đã thay đổi. Đội tuyển Việt Nam đá nhanh và trực diện hơn. Không kiểm soát bóng nhiều, mà tập trung vào chất lượng đường chuyền.
Bóng có thể được luân chuyển chớp nhoáng từ hàng hậu vệ lên tiền đạo (như cách Quế Ngọc Hải kiến tạo cho Tiến Linh ghi bàn trước Thái Lan), mảng miếng tấn công tập trung vào tính chớp nhoáng: tiếp cận vòng cấm càng nhanh càng tốt, các vị trí trên sân đều có cơ hội dâng cao, xoay đội hình liên tục.
Tuy nhiên, trái với khởi đầu tốt (3 bàn thắng vào lưới Philippines và Iraq), đội tuyển Việt Nam chỉ ghi 2 bàn trong 3 trận gần nhất, trong đó không trận nào ghi quá 1 bàn. Những thay đổi của ông Kim chưa đủ để vực dậy hoàn toàn một tập thể đang bị trói buộc bởi sức ì.
HLV Kim Sang-sik cần thêm 'họng pháo'
5 bàn thắng dưới thời HLV Kim Sang-sik được chia cho Tiến Linh (3 bàn), Tuấn Hải (1 bàn) và Vĩ Hào (1 bàn).
Dễ thấy, ông Kim vẫn đặt niềm tin vào Tiến Linh. Cầu thủ sinh năm 1997 là trung phong thuần túy, có khả năng làm tường, chạy chỗ hút người hiếm hoi của đội tuyển Việt Nam lúc này. Kỹ năng dứt điểm của Tiến Linh đã tiến bộ, minh chứng là 4 bàn thắng sau 4 vòng đầu ở V-League 2024 - 2025. Nếu được "bơm bóng" đều đặn, tiền đạo 27 tuổi có thể đảm bảo số lượng bàn thắng.
Dù vậy, không thể chỉ trông đợi ở Tiến Linh. Ở AFF Cup 2024, tiền đạo mang áo số 22 ghi 6 bàn khi trở thành chủ lực trong những pha tấn công. Song, khi Tiến Linh bị khóa chặt, đội tuyển Việt Nam thua bởi không có nguồn ghi bàn dự trữ.
Phát kiến mang tên Bùi Vĩ Hào của ông Kim đã mang đến luồng gió mới ở những trận vừa qua. Tiền đạo 21 tuổi lập cú đúp trong trận đấu nội bộ với CLB Nam Định, đồng thời ghi thêm 1 bàn vào lưới Ấn Độ. Nếu tiếp tục thể hiện tốt ở V-League và chuyến tập huấn Hàn Quốc, Vĩ Hào có thể đi từ "kép phụ" lên "kép chính".
Nhưng, đặt trọng trách ghi bàn lên vai 1, 2 cầu thủ cụ thể là lựa chọn mạo hiểm. HLV Kim Sang-sik cần bàn thắng từ những vị trí khác, như hàng thủ hay hàng tiền vệ.
Đội tuyển Việt Nam đang có những cầu thủ "son" bàn thắng như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung để khai thác triệt để tình huống cố định. Hay ở hàng tiền vệ, Nguyễn Quang Hải hay Châu Ngọc Quang đã có những pha xâm nhập vòng cấm để dứt điểm nguy hiểm trong trận gặp Ấn Độ.
Riêng với Quang Hải, dù không thể ghi bàn sau 3 lần dứt điểm, nhưng việc tiền vệ của đội Công an Hà Nội được tạo điều kiện trở thành "đầu ra" trong khâu tấn công là gợi ý để đội tuyển Việt Nam xây đấu pháp cho AFF Cup.
Bình luận (0)