>> NGUYỄN THẾ THỊNH

Luồng ý kiến thứ nhất là, có thể, rất có thể, khi FIFA quyết định thay vì 32 đội như World Cup 2018 thì năm 2022 có thể tăng thành 48 đội. Cơ sở để có lòng tin đó là do tuyển Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây khi U23 đoạt ngôi Á quân U.23 châu Á một cách “có cơ” như thể nhà vô địch, và mới rồi, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup bằng cách hạ gục lần lượt từng đối thủ. Không chỉ còn ở “phong độ nhất thời” mà “đẳng cấp” cũng đã được tăng lên.

Luồng ý kiến thứ hai có vẻ không mấy lạc quan, thậm chí còn có vẻ bi quan khi cho rằng giải Đông Nam Á chỉ là giải “ao làng”. Mới bơi trong ao thì không thể có chuyện ra bơi biển lớn.

Luồng ý kiến thứ ba cho rằng, mơ thì cứ mơ, “không ai đánh thuế giấc mơ”. Nghe qua có vẻ trung dung nhưng xét kỹ thì cũng không không mấy tin tưởng.

Bây giờ thử “loạn đàm” chút coi sao?

Đầu tiên ta thử đặt câu hỏi: Vì sao đội tuyển Việt Nam không thể lọt vào vòng chung kết World Cup 2022?

Nếu muốn lọt vào, tuyển Việt Nam phải nằm trong top ten châu Á. Vậy tại sao ta không thể lọt vào?

Lâu nay, trong khu vực Đông Nam Á thôi, ta thường so kè với người Thái. Thực ra thì tuyển Việt Nam có thua nhưng cũng có thắng. Mà thua thì hầu như là thua rất đáng tiếc. Mới rồi, tuyển Thái thua Malaysia, tuyển Việt Nam thắng Malaysia để giành ngôi vô địch, nhưng xem ra, trong lòng người hâm mộ vẫn còn chút lăn tăn, cứ muốn trực tiếp hạ tuyển Thái mới đã. Xét cho cùng, đó vẫn là tâm lý thấy mình “dưới cơ” Thái Lan. Đó là một tâm lý không tạo ra năng lượng tích cực không chỉ với người hâm mộ mà cả giới chuyên môn, cụ thể là các cầu thủ và HLV.

Bằng thành tích như đã kể ở phần đầu, không mắc gì ta cứ mãi lăn tăn với tuyển Thái, vì chúng ta đã làm được những điều Thái Lan không làm được. Vậy đi.

Lại so, cả đất nước Trung Quốc đông như thế mà mãi đến năm 2002 mới lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay lọt vào vòng chung kết World Cup rồi đá 3 trận thua cả ba, không ghi nỗi bàn nào thì Việt Nam có mà mơ?

Vẫn biết thế, nhưng nhiều đội bóng hay đâu xuất phát từ quốc gia đông dân?

Iceland, Uruguay, Panama, Croatia, Costa Rica là 5 nước có dân số dưới 5 triệu dân, thậm chí Iceland chỉ có khoảng 335.000 người cũng đã lọt vào vòng chung kết World Cup, và có Croatia từng đoạt ngôi á quân. Và bây giờ, các nước đó vẫn là các thế lực bóng đá.

Chúng ta cũng hay lo ngại về hình thể và thể lực của cầu thủ, đúng, nhưng nếu nhìn sang Hàn Quốc, nước 9 lần liên tiếp lọt vào vòng chung kết World Cup, họ đá đến phút cuối vẫn cứ như tra tấn thể lực đối phương thì rõ ràng họ đã có cách.

Những năm gần đây, khi các học viện bóng đá mở ra, chúng ta đã có một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản. Tuy vậy, qua cọ xát nhiều giải, vẫn cứ loay hoay. Phong độ cũng thất thường nói gì đẳng cấp.

Mãi cho đến gần đây, dưới thời HLV Park Hang - seo, mọi chuyện có vẻ rõ ràng hơn.

Giống như luyện học sinh giỏi cũng cần phải có thầy giỏi. Chúng ta cũng đã mời nhiều HLV có tiếng nhưng có vẻ họ chưa hiểu hết cầu thủ Việt Nam. Thầy Park, có thể nói là một nhà tâm lý tài ba.

Cũng dưới thời HLV Park Hang - seo, chúng ta mới thấy cầu thủ đá “sung” như thế. Thậm chí, các bình luận viên đã dùng đến từ “tra tấn thể lực đội bạn” để chỉ tuyển Việt Nam. Đó là điều xưa nay chưa từng có.

Như đã nói, đường đi đã rõ, chúng ta lại có một lứa cầu thủ tài năng.

Nếu World Cup 2022 có 48 đội thì cơ hội cho tuyển Việt Nam, theo tôi, là có, vì đang sở hữu những lứa cầu thủ rất tốt. Lứa U.23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân U.23 châu Á, sau 4 năm nữa, họ tầm 26 - 27 tuổi, ở độ tuổi sung sức nhất. Đó là một hy vọng.

Chưa kể, như đã nói, các “lò” đào tạo bài bản vẫn đang có những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng. Vấn đề còn lại là định hình, xác định rõ hướng đi về kỹ thuật, chiến thuật và phương pháp huấn luyện thể lực.

Điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chỗ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Khi có một tập thể đoàn kết, có tầm nhìn, trong sáng, có tâm cống hiến để định ra một kế hoạch hành động cụ thể, Chính phủ quan tâm đầu tư thích đáng (ngoài vấn đề xã hội hóa), các mạnh thường quân thay vì thưởng nóng vì thành tích sau mỗi trận đấu thì nên góp tay đầu tư chiều sâu để cầu thủ yên tâm cống hiến. Bóng đá, cũng như nhiều lĩnh vực khác, phải cống hiến mới đẹp được chứ loanh quanh cơm áo gạo tiền thì thế nào cũng sinh tiêu cực, khó vô cùng.

Trong quyển “Nghĩ lớn để thành công”, Donald J.Trump đã viết: “Dù làm việc gì bạn cũng nên suy nghĩ lớn. Đó là động lực đã làm nên tất cả những thành tựu vĩ đại nhất của cuộc sống...”. Và ông khuyên, khi làm chuyện gì cũng đừng nên suy nghĩ, rằng chuyện này khó thế này, điều kiện thế kia... mà hãy bắt tay vào hành động, đối mặt và giải quyết từng vấn đề khó khăn, tin tưởng vào khả năng và trí tuệ của mình nhất định sẽ đạt mục tiêu.

Vì sao ta không nghĩ lớn và không bắt tay vào hành động?

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Độc Lập

Báo Thanh Niên
18.12.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top