Nặng tình với chữ "đức"
Vợ chồng ông bà Bùi Văn Thu - Trần Thị Tươi đã tự nguyện làm "công quả" để chăm sóc cho 56 con người từ 18 - 50 tuổi (37 nam và 19 nữ) bị bệnh tâm thần từ nhiều năm nay. "Thấy mấy em bị tâm thần đi lang thang đầu đường xó chợ, rồi nhiều lúc trông thấy họ bị xích, nhốt; thậm chí nhiều khi áo quần cũng chẳng có, tự nhiên tôi thấy thương họ nên về bàn với vợ con nhận chăm sóc nuôi dưỡng vài người để có thể giúp họ trở lại với cuộc sống" - việc chăm sóc nuôi dưỡng người tâm thần của vợ chồng ông Thu được bắt đầu như thế. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có đông anh chị em, ông Thu cũng không thoát được mảnh ruộng, cái cuốc, cái cày. Làm nông vất vả, mùa màng lúc được lúc mất, giá cả nông sản luôn bấp bênh khiến cuộc sống của những người nông dân như vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn. Ngày qua ngày, cuộc sống cứ thế trôi đi. Đến năm 2000 khi hai cô con gái của vợ chồng ông xây dựng gia đình thì ông thấy rảnh rỗi và tình nguyện theo các đoàn bác sĩ đi làm từ thiện. Cũng từ làm từ thiện mà ông được đi nhiều, thấy nhiều và động lòng trắc ẩn với những người bị bệnh tâm thần và có ý nguyện được nuôi dưỡng, chăm sóc. Năm 2006 ông bắt đầu thực hiện ý nguyện của mình và người đầu tiên ông xin nhận chăm sóc, nuôi dưỡng là K'Ru (22 tuổi, ở huyện Đam Rông).
Chăm sóc người tâm thần hết sức khó khăn bởi mọi hoạt động cũng như sinh hoạt của họ đều vô thức. Ban đầu thấy khó, nhưng dần dần cũng quen. Ý nguyện ban đầu chỉ muốn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc vài người, thế nhưng dần dần con số ấy tăng lên, và họ đến từ khắp tỉnh thành trong cả nước: Đắk Lắk, Đồng Nai, TP.HCM... Kinh tế gia đình khó khăn, dù có lúc phải đi vay mượn khắp nơi thế mà vợ chồng ông không đòi hỏi gì từ gia đình của những bệnh nhân. Ai có thì đóng góp, ít nhiều gì cũng được, có tiền góp tiền, có gạo góp gạo, rau muối gì cũng được còn không có cũng không sao. Tháng 10.2006, chính quyền huyện Đức Trọng đã có quyết định đồng ý cho ông thành lập cơ sở bảo trợ xã hội mang tên Trọng Đức. "Vì mình trọng chữ đức, lấy cái đức làm đầu nên mới đặt tên cơ sở là Trọng Đức vậy thôi" - ông Thu cho biết.
Bệnh nhân Đinh Duy Hải đang phụ giúp chuẩn bị bữa tối |
"Cổ tích" chốn miền quê
Căn nhà của gia đình không đủ sức chứa, được sự giúp đỡ của bà con, bạn bè, những người có con gửi, vợ chồng ông phá cà phê xây dựng thêm trong vườn nhà một căn phòng 500m2 để tăng chỗ ở. Rồi thấy nam, nữ ở chung bất tiện, cũng nhờ sự giúp đỡ của mọi người, đặc biệt là người chị vợ (ở ngay bên cạnh) đã tình nguyện cho ông Thu đất để xây dựng thêm một phòng tương tự. Và ông Thu huy động cả người thân trong gia đình ra giúp đỡ chăm sóc bệnh nhân.
Điều đáng nói, những bệnh nhân được sự chăm sóc của vợ chồng ông dần dần hiền tính và thậm chí đã có hơn 20 người khỏe mạnh, được hồi gia. Ông Nguyễn Văn Thuận (70 tuổi, ở Bảo Lộc) là bố của anh Nguyễn Trọng Hòa (41 tuổi) đang được chăm sóc tại đây cho biết: Hòa bị bệnh tâm thần cách đây cả 20 năm, gia đình chạy chữa khắp nơi, cả đến Biên Hòa (Đồng Nai) và các bệnh viện ở TP.HCM. Thậm chí nghe ai giới thiệu ở đâu là đến đó kể cả thầy cúng nhưng Hòa vẫn không khỏi, ngược lại còn bị nặng hơn. Thế rồi nghe tin chỗ vợ chồng ông Thu chăm sóc người bệnh tâm thần, nên gia đình đưa Hòa lên. Bất ngờ, chỉ mới hơn 5 tháng mà Hòa đã thay đổi đến 70 - 80%, vừa về thăm nhà và biết nhiều lắm, biết nói chuyện, biết ăn uống, biết mặc áo quần... "Vậy mà, vợ chồng ông Thu không đòi hỏi gì từ chúng tôi" - ông Thuận nói. Xuống nhà bếp, chúng tôi gặp bệnh nhân Đinh Duy Hải đang gọt bí đỏ chuẩn bị cho bữa tối. Và khi được trò chuyện Hải vui vẻ: "Em năm nay 26 tuổi, ở Ban Mê Thuột, em đến đây được 7 tháng rồi. Ở đây vui vẻ lắm, em cũng khỏe mạnh hơn, thích ở đây chứ chưa muốn về đâu".
"Dù vất vả, cực khổ nhưng vợ chồng mình cảm thấy vui lắm. Mình sẽ làm hết khả năng để giúp đỡ họ đến khi nào không còn đủ sức mới hay..." - vợ chồng ông Thu tâm tình.
Hồ Bình
Bình luận (0)