Với nhiều cách làm, nhiều trường đang dốc sức chạy đua cùng thời gian để mong có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT cao nhất có thể.
Học từ sáng sớm đến tối
Theo ghi nhận của Thanh Niên, nhiều trường THPT tư thục tại TP.HCM thực hiện lịch ôn kín mít, học sinh (HS) phải học khoảng 12 giờ mỗi ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
|
Tại Trường THPT tư thục Nhân Việt (Q.Tân Phú), 75 HS nội trú của 3 lớp 12 bắt đầu dậy từ lúc 5 giờ 30 để chuẩn bị cho ngày học mới. Khoảng 6 giờ 30, HS có mặt ở lớp để trả bài trong vòng 15 phút. Đến 6 giờ 45, vào tiết học đầu tiên. Đến 11 giờ trưa, buổi học sáng kết thúc. HS nghỉ đến 13 giờ 30 lại bắt đầu với buổi học tiếp theo. 16 giờ 30 kết thúc một ngày học chính khóa. Đến 19 giờ, HS bắt đầu ôn tập đến tận 23 hoặc 23 giờ 30 mới được nghỉ.
|
Còn tại Trường phổ thông dân lập Thanh Bình, 6 giờ sáng HS phải có mặt tại trường để dò bài. Đến 7 giờ 15 bắt đầu ngày học mới. Trưa 11 giờ 15 nghỉ đến 13 giờ 30 học lại, 16 giờ 50 ra về, 19 giờ học tiếp đến khoảng 22 giờ.
Một phụ huynh có con học tại Trường Thanh Bình cho biết: “Cứ 5 giờ sáng là mẹ con tôi dậy chuẩn bị đến trường. Khoảng 22 giờ 30 thì đón con về tới nhà. Phải gần 12 giờ khuya mới được nghỉ ngơi. Nhưng vì con, mình phải cố gắng. Kể từ chủ nhật tuần sau tôi sẽ đóng tiền cho con học luôn ngày chủ nhật, vì sắp tới thi rồi”. Tường Vy, HS lớp 12C13 Trường Thanh Bình, cho biết: “Học cả ngày, về đến nhà là em ngủ ngay vì quá... đuối”.
Tuy nhiên theo ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường Thanh Bình, các trường tư thục hiện nay không còn ôn quá khuya như trước nhằm đảm bảo sức khỏe cho HS. “Khoảng 10 năm trước, chúng tôi cũng ôn rất khuya nhưng thấy không hiệu quả vì sáng hôm sau các em quá mệt mỏi và không thể tiếp thu ở 4 tiết đầu”, ông Linh giải thích.
Thi thử hằng tuần
Dạo quanh các trường tư thục vào mỗi đêm mới thấy được sự vất vả của phụ huynh, HS và cả giáo viên cho chuyện học và thi cử. Hiệu trưởng một trường tư thục ở Q.Tân Phú cho biết: “Tại TP.HCM thi cử rất nghiêm túc. Và để đảm bảo thành tích, các trường tư thục buộc phải rèn HS nhằm có được kết quả tốt trong kỳ thi. Hơn nữa, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của HS còn liên quan đến chuyện “sinh tồn” của trường tư thục. Phụ huynh chắc chắn sẽ không hài lòng với chuyện bỏ từ 5-7 triệu đồng/tháng cho con học trường tư thục mà lại rớt tốt nghiệp. Nếu trường có nhiều HS thi rớt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển sinh trong năm sau”.
Cùng suy nghĩ này, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết: “Trường tư thục còn có cái khó là phải tạo niềm tin cho phụ huynh bằng kết quả học tập của HS. Do vậy, trường thường tìm nhiều phương pháp ôn tập để đạt hiểu quả”. Từ đầu năm đến nay, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, Trường Nhân Việt đều cho HS thi thử các môn tốt nghiệp, rà soát lại học lực, xem HS còn yếu chỗ nào để giáo viên ôn luyện và bổ sung.
Những trường có chất lượng tốt ở Hà Nội cũng không xem nhẹ việc ôn thi tốt nghiệp. Theo lãnh đạo nhiều trường, nỗi lo lớn nhất là HS quá chú trọng đến thi ĐH mà coi nhẹ kỳ thi tốt nghiệp. Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Q.Hà Đông) đã có kế hoạch phân công những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy ở khối 12. Trường THPT Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm) tổ chức cho HS thi thử. Mỗi đợt kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trường đều tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT để HS làm quen với tâm lý và cách thức thi cử của một kỳ thi quốc gia.
Lớp đặc biệt do hiệu trưởng làm chủ nhiệm
Đối với những trường có chất lượng đầu vào không cao thì việc ôn thi tốt nghiệp là mục tiêu hàng đầu ở thời điểm này. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết: “Trường đã hoàn thành chương trình lớp 12 từ cuối tháng 3 và tăng tốc ôn thi tốt nghiệp ngay tháng 4. Ngoài toán, văn, ngoại ngữ trong quá trình dạy đến đâu ôn tập chắc kiến thức đến đấy thì 3 môn hóa, địa, sinh tăng mỗi môn từ 2 lên 5 tiết”. Ngoài 5 buổi sáng trong tuần học kín, trường dành 4 tiết buổi chiều các ngày thứ hai, tư, sáu ôn các môn thi tốt nghiệp. Thầy cô dành hẳn tiết thứ 5 kèm riêng những HS yếu.
Trường Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội) lập một lớp học đặc biệt do chính hiệu trưởng làm chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy là tổ trưởng các bộ môn. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng, giáo viên dạy lớp này đều nhiệt tình, có kinh nghiệm trong việc bù đắp lỗ hổng kiến thức cho HS. “Thậm chí, có phụ huynh dù con không phải trong diện yếu, kém cũng chủ động xin vào lớp học đặc biệt này để có thể yên tâm hơn” - bà Nhiếp cho hay.
Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Thanh Xuân cũng tổ chức một lớp học riêng cho những HS đặc biệt yếu kém từ cuối tháng 3 và giao cho một cô giáo phụ trách riêng lớp đặc biệt này. Với những lớp học này, nhà trường giao cho các tổ bộ môn soạn đề cương, giáo trình dành riêng để việc ôn tập thật sát với đối tượng HS.
Tránh học tủ, học vẹt Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay: “Tránh học tủ, học vẹt là chỉ đạo của Sở đối với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc tổ chức dạy học, ôn tập cho HS ngay từ đầu năm học”. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho biết: “Kỳ thi năm nay không có thay đổi gì đáng kể so với năm trước, từ cách thức tổ chức thi cho đến cách ra đề. Sách giáo khoa và vở ghi của HS là tài liệu ôn tập tốt nhất. Bộ không khuyến khích các địa phương tập trung tổ chức ôn tập quá căng thẳng để ảnh hưởng tới sức khỏe và việc tiếp nhận kiến thức của HS”. Tuệ Nguyễn |
Tuệ Nguyễn - Minh Luân
>> Tốt nghiệp đại học từ xa vẫn được học lên cao học
>> Phương pháp ôn thi tốt nghiệp phổ thông và đại học hiệu quả
>> Những lưu ý quan trọng về thi tốt nghiệp THPT
>> Thi tốt nghiệp THPT cần lưu ý điều gì?
>> Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả
>> Tuyệt đối không cắt xén chương trình vì ôn thi tốt nghiệp THPT
Bình luận (0)