Đón năm mới trên vũ trụ

26/12/2009 22:31 GMT+7

Năm mới, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, hay thậm chí từng người một ngoài ăn mừng chung còn có cách đón chào riêng. Các phi hành gia vũ trụ cũng vậy. Ở trên quỹ đạo, họ đón năm mới mỗi người một kiểu.

Du hành vũ trụ là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Chính vì thế, nghề này cũng có chuyện kiêng cữ mang đậm màu sắc tâm linh. Chẳng hạn, nếu muốn đi vòng quanh con tàu vũ trụ bao giờ cũng bắt đầu từ mạn tàu phía bên trái. Còn lần đầu tiên muốn vào trong khoang tàu thì bắt buộc phải đi đôi giày mới. Và một tục lệ lâu nay mà mọi người ai cũng biết: Trên đường đến bãi phóng, đội bay bao giờ cũng phải dừng xe hơi lại để “sửa và gia cố” bánh xe. Người đầu tiên thực hiện tục lệ này chính là nhà du hành vũ trụ Xô Viết Yury Gagarin. Còn đón năm mới trên vũ trụ lại là chuyện khác: Tùy theo điều kiện và khả năng của từng người.

Từ cognac đến sushi

Dù có thế nào thì trên trạm không gian rượu vẫn là món không thể thiếu để đón năm mới.

Những nhà du hành vũ trụ đầu tiên đón năm mới trên quỹ đạo là người Mỹ. Đội bay của Trạm không gian Skylab gồm 3 nhà du hành là Gerald Carr, Edward Gibson và William Pogue. Họ bay trong vũ trụ vào đêm 1.1.1974. Không có thông tin gì đáng chú ý về thời khắc năm mới đến với ba người này. Nói chung, người Mỹ thích và coi trọng Giáng sinh hơn là năm mới.

Hai phi hành gia Liên Xô là Georgiy Grechko và Yuri Romanenko cũng đã đón năm mới ngoài không gian vào năm 1978. Họ không làm điều gì đặc biệt ngoài việc trạm chỉ huy trên trái đất chính thức cho phép họ mở vodka để uống mừng. Lý ra họ có thể mở nút chai champangne, nhưng điều này lại bị cấm. Đơn giản vì người ta lo sợ khi rượu champangne trào ra, các bọt của nó sẽ bay tứ tung trong khoang tàu.

Đó là chuyện trước kia, còn hiện nay, rượu bị cấm mang lên trạm không gian. Nhưng dù bị cấm thì vẫn có một chai cognac trên khoang tàu để phòng trường hợp “hỏa hoạn”. Chẳng hạn, du hành gia Georgiy Grechko kể lại, ông từng uống cognac vào ngày sinh nhật của mình trên tàu vũ trụ. Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng, vào đêm khi nhân loại bước sang thiên niên kỷ thứ ba, nhóm người trên trạm không gian cũng uống chút ít cognac để mừng sự kiện này.

Đón năm mới không thể thiếu bàn tiệc. Tất nhiên trong vũ trụ không thể làm salat và các phi hành gia không phải lúc nào cũng chuẩn bị được món ăn đặc biệt nào đó. Chẳng hạn đón thiên niên kỷ thứ ba, ê-kíp bay chuẩn bị bàn tiệc khá khiêm tốn: Các nhà du hành đưa ra các món ngon nhất trong khẩu phần của mình để làm bữa tiệc “thịnh soạn”.

Nhưng cũng có ngoại lệ. Đó là dịp đón năm mới 2004, trên Trạm không gian quốc tế (ISS), nhà du hành người Nhật Bản là Soichi Noguchi đãi cả đội món sushi. Theo lời Noguchi, tất cả các nguyên liệu để làm món ăn này anh đều chuẩn bị từ trái đất để mang lên vũ trụ.

Tổng cộng có 58 nhà du hành đón năm mới trong vũ trụ. Có 2 người đón năm mới 3 lần (S.Avdeev và S.Krikalyov); 8 người đón 2 lần, số còn lại 1 lần. Có 3 nữ phi hành gia đón năm mới: Elena Kondakova (1995), Sunita Williams (2007) và Sandra Magnus (2009). Yury Gidzenko, Sergey Krikalyov (Nga) và William Sheppard (Mỹ) là 3 người đón năm mới thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba.

Elena Kondakova - nữ du hành đầu tiên của trái đất đón năm mới trên quỹ đạo (Ảnh: Wikimedia)

Sergey Krikalyov - kỷ lục gia đón năm mới trên vũ trụ (Ảnh: Wikimedia)

Những người hạnh phúc nhất

Trong lịch sử ngắn ngủi của ngành hàng không vũ trụ, các phi hành gia liên tục đón năm mới trên vũ trụ và không ít lần lập kỷ lục. Hai phi hành gia người Nga là Sergey Avdeev và Sergey Krikalyov từng đón năm mới ba lần trên vũ trụ. Sergey Krikalyov kể: “Khi còn 9 giờ nữa sẽ đến năm mới, chúng tôi đã chúc mừng vùng Petropavlovsk - Kamchatsky và các vùng có múi giờ liền kề vùng này. Trên trạm không gian chỉ có cây thông nhân tạo có treo các đồ trang trí nhỏ. Gọi là treo, nhưng những đồ trang trí này dựng lên tua tủa ra đủ mọi hướng”.

Người ta nói các nhà du hành vũ trụ là những người hạnh phúc, bởi trạm không gian bay một vòng quanh trái đất hết 88 phút. Vì thế, trong 9 giờ đồng hồ, họ gặp năm mới tại các múi giờ tới 16 lần. Điều này đồng nghĩa với việc họ có đến 16 lần để tặng quà, chúc tụng nhau những lời ấm áp nhất. Tuy nhiên, bất kể là nhà du hành vũ trụ của quốc gia nào thì cũng chỉ đón năm mới 2 lần. Chẳng hạn, các phi hành gia người Nga sẽ đón năm mới theo giờ Moscow và theo giờ quốc tế (GMT).

Nhân tiện cũng nói thêm, đón thiên niên kỷ thứ ba như đã nêu ở trên là ê-kíp 3 phi hành gia: Sergey Krikalyov, Yury Gidzenko (người Nga) và William Sheppard (người Mỹ). Do phía Nga chiếm đa số nên họ đã thuyết phục Sheppard cùng xem bộ phim hài Nga Số phận trớ trêu. Hầu như hiểu hết nội dung chính của câu chuyện, nhưng Sheppard có lúc không hiểu được vài phân đoạn. Rõ ràng có sự khác biệt trong tư duy hài hước giữa người Mỹ và người Nga.

Người đẹp giữa không gian

Hầu hết những người đón năm mới trên tàu vũ trụ thường là nam. Tuy nhiên, vào năm 1995, hai nhà du hành người Nga Aleksandr Viktorenko và Valerii Polyakov đã cùng đón năm mới với nữ du hành gia đồng hương là Elena Kondakova. Polyakov kể lại sự kiện này: “Thật dễ chịu khi có mặt cô ấy (Kondakova). Chúng tôi đã trộn cacao với đường cho đặc lại, sau đó viết những dòng chữ rất đẹp lên đó. Ví dụ: “Những người đồng nghiệp thân yêu. Chúc mừng năm mới”. Chúng tôi làm băng-rôn nhỏ trang hoàng trạm không gian, viết các dòng chữ với đủ màu sắc”. Ngoài ra, theo lời của “hai trang nam tử”, họ đã làm tặng Kondakova chiếc bánh ga-tô vũ trụ đầu tiên.  

Người phụ nữ thứ hai đón năm mới trên vũ trụ là 12 năm sau đó - 2007. Khi đó hai nhà du hành Michael Tuyrin (người Nga), Michael Lopez-Alegria (người Mỹ) cùng đón năm mới với nữ du hành gia người Mỹ Sunita Williams.

Cây thông và quà tặng

Vì lý do đảm bảo an toàn chuyến bay, nên các nhà du hành vũ trụ không được phép mang cây thông thật lên trạm không gian. Khi đó họ nảy ra sáng kiến lấy những thanh vật liệu nhỏ trong túi ngủ chuyên dụng của họ rồi ghép lại để làm cây thông nhân tạo. Cách đây không lâu, tàu Soyuz đã mang cây thông nhân tạo lên trạm ISS để thay thế cây thông cũ. Còn trong năm 2008, trên các tàu Zvezda, Destiny và một tàu khác, các nhà du hành vũ trụ đã làm 3 cây thông như thế.

Năm mới trên quỹ đạo cũng không thể thiếu những món quà tặng. Người ta kể rằng, người Mỹ trên trạm ISS hay dùng những đôi tất để đựng quà tặng (mang tính tượng trưng) từ ông già Noel. Ngoài ra, các phi hành gia vũ trụ còn nhận được quà tặng từ gia đình, người thân hay từ các ê-kíp lên thay ca từ trái đất chuyển lên.

Quà tặng năm mới trên vũ trụ tuy đơn giản, nhưng theo các nhà tâm lý học rất quan trọng. Chúng giúp các phi hành gia vũ trụ cân bằng tâm lý sau những ngày tháng làm việc căng thẳng trong điều kiện tách biệt khỏi cuộc sống đời thường.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.