Đây là những con số rất đáng chú ý vừa được nghiên cứu Ngân hàng cát cho ĐBSCL của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) công bố sau gần 20 tháng đo đạc, khảo sát và phân tích trên chiều dài hơn 550km dọc theo các nhánh chính của dòng Mê Kông tại ĐBSCL. Kết quả cho thấy miền Tây Nam bộ có thể còn gần nửa tỉ mét khối cát sông. Nhưng đó cũng là tất cả những gì quý giá nhất mà Mê Kông đã miệt mài vận chuyển bồi đắp cho vùng châu thổ Cửu Long trong hàng trăm năm qua.
Ngân hàng cát ĐBSCL đã tập trung nghiên cứu vào 4 yếu tố trọng yếu nhất gồm: lượng cát bồi đắp cho ĐBSCL; lượng cát đổ ra biển; lượng cát khai thác trong ĐBSCL; lượng cát hiện có ở đáy các dòng sông.
Kết quả ước tính trong khoảng thời gian từ 2017-2022, bình quân mỗi năm hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL đã lấy đi khỏi các nhánh sông từ 35-55 triệu m³. Trong khi “đầu vào” tức là lượng cát bồi đắp từ thượng nguồn sông Mê Kông cho khu vực này chỉ còn 2-4 triệu m³/năm. Bên cạnh đó là lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông được ghi nhận từ 0-0,6 triệu m³/năm.
Sơ đồ hình học và kích thước sà lan khai thác hoạt động được chụp từ hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao. Ảnh: WWF-Việt Nam
Hình ảnh các đốm màu được phát hiện là các tàu hoạt động trên một đoạn sông Mekong trong năm 2021, trong đó, sà lan có cần cẩu là các đốm màu cam. Ảnh: WWF-Việt Nam
Qua các dữ liệu trên có thể thấy bình quân mỗi năm lượng cát mà sông Mê Kông bổ sung cho ĐBSCL chỉ bằng 1/15 lượng cát bị khai thác khỏi lòng sông. Hay nói cách khác, cán cân bồi đắp và khai thác cát ở ĐBSCL đang mất cân bằng khủng khiếp khi hoạt động khai thác đang khiến khu vực này thâm hụt bình quân lên đến hơn 42 triệu m³ cát/năm. Tất nhiên, gần như không có bất cứ giải pháp nào có thể bù đắp được lượng cát thâm hụt này bởi rõ ràng đâu ai mang cát đổ xuống sông. Chỉ có những con sông sẽ phải tự tìm cách lấy lại những gì đã mất, dòng chảy sẽ lẹm vào bờ để khỏa lấp, để tái phân phối cho lòng sông đã bị khoét sâu.
Cồn cát nổi trên đầu nguồn sông Mê Kông ở ĐBSCL. Ảnh: WWF-Việt Nam
Khi triều cường rút, giồng cát nổi lên ở đoạn cửa sông Cổ Chiên, nhánh chính của sông Mê Kông . Ảnh: Đình Tuyển
Trao đổi với PV Thanh Niên về cách tính toán các dữ liệu của Ngân hàng cát, ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án khai thác cát bền vững của WWF-Việt Nam cho biết, để biết được con số 2-4 triệu m³ bồi đắp cho ĐBSCL, nghiên cứu sử dụng phương pháp đo hồi âm đa tia quét dưới đáy sông. Ở cửa ngõ sông Tiền là TX.Tân Châu (An Giang) và cửa ngõ sông Hậu ở TP.Châu Đốc (An Giang). Từ dữ liệu đo đa tia, sau đó, các chuyên gia tư vấn Deltares (Hà Lan) sử dụng mô hình toán, hiệu chỉnh, tính toán để biết được lượng cát đổ về ĐBSCL là bao nhiêu.
Kết quả cho thấy lượng cát đổ về ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào lưu lượng, vận tốc dòng chảy cũng như hiện tượng xói mòn ở thượng nguồn. Cho nên vào mùa khô, lượng cát về ĐBSCL rất ít. Ngược lại vào mùa mưa, kết quả đo ở 12 trạm dọc theo nhánh sông chính ở ĐBSCL cho thấy có 7/12 trạm có sóng cát dài hơn 15m để đo đếm, 5 trạm không đủ để ghi nhận.
Cũng theo ông Huy Anh, để có được dữ liệu lượng cát khai thác mỗi năm, nghiên cứu đã sử dụng ảnh vệ tinh chụp các tàu khai thác cát với thông số chiều rộng, chiều dài, số lượng cần cẩu khai thác cát đang hoạt động. Dữ liệu này được kiểm chứng, kết hợp dữ liệu khảo sát hiện trường về số lượng xáng cạp, mức độ khai thác, trữ lượng mỗi loại gàu múc cát, tần suất hoạt động… từ đó tính toán ra con số 1 năm trữ lượng là bao nhiêu.
Riêng về lượng cát đổ ra biển 0-0,6 triệu m³ cũng được tính bằng cách sử dụng thiết bị hồi âm đa tia kết hợp cùng mô hình toán. “Lượng cát ít ỏi này sẽ được thủy triều, sóng biển phân phối khắp duyên hải ĐBSCL. Qua nhiều năm sẽ hình thành nên các cồn cát ngoài biển có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sự ổn định của bờ biển”, ông Huy Anh nói.
Một con số phát hiện rất đáng chú ý khác là tổng trữ lượng cát hiện có ở đáy các dòng sông chính ở ĐBSCL được công bố dao động khoảng 367 - 550 triệu m³. Như vậy tổng trữ lượng cát còn lại ở ĐBSCL mà Ngân hàng cát công bố lớn hơn rất nhiều so với con số tổng trữ lượng 120 triệu m³ cát mà Bộ TN-MT báo cáo Chính phủ mới đây. Vì sao có sự chênh lệch trên?
WWF-Việt Nam lý giải rằng, trữ lượng 120 triệu m³ mà Bộ TN-MT công bố là số liệu dựa trên trữ lượng thăm dò các khu vực có mỏ cát, có tiềm năng khai thác. Trong khi đó, 367-550 triệu m³ cát mà Ngân hàng cát công bố là toàn bộ cát còn lại dưới đáy các dòng sông chính ở ĐBSCL.
Để cho ra được kết quả trên, nghiên cứu đã tiến hành đo quét đáy sông bằng thiết bị địa chấn tầng nông, chạy khảo sát 550km dọc tâm của lòng sông Tiền, sông Hậu và các nhánh chính để xác định độ dày lớp cát. Tương tự là quét ngang lòng sông để biết bề rộng lớp cát bao phủ dưới đáy. Khi biết biết được 2 dữ liệu trên, nghiên cứu sẽ tính toán được tổng trữ lượng cát còn dưới đáy sông.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, không phải bề rộng sông đoạn nào cũng có cát, nó phân bổ tùy vào từng vị trí. Chẳng hạn như ở đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu có đến 90% bề ngang đáy sông có cát nhưng ở đoạn giữa sông Hậu tại Cần Thơ chỉ có khoảng 50% bề ngang đáy sông ghi nhận có cát. Có những vị trí lớp cát dày 5-6m nhưng cũng có nơi chỉ phủ một lớp cát mỏng 20-30cm.
Dù khẳng định 367-550 triệu m³ cát đang nằm dưới đáy sông không phải là toàn bộ trữ lượng cát có thể khai thác, nhưng nghiên cứu Ngân hàng cát cũng đã đưa ra những kịch bản khác nhau để thấy rõ hơn tác động của việc suy giảm nguồn cát tự nhiên. Đầu tiên là nếu tăng 5% tốc độ khai thác so với hiện tại thì nguồn cát còn lại ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong chưa đầy 10 năm tới. Trong khi đó, nếu giảm 5% tốc độ khai thác hiện tại thì nguồn cát ở khu vực này có thể duy trì được tới năm 2040. Còn duy trì mức độ khai thác như hiện tại thì lượng cát cũng chỉ đủ để khai thác đến trước năm 2035.
Một số phát hiện khoa học gần đây cũng được nghiên cứu đưa ra với nhận định, tình trạng xói lở lòng, bờ sông, bờ biển, triều cường cao hơn và xâm nhập mặn đang gia tăng ở ĐBSCL chủ yếu do tác động từ thiếu hụt phù sa, cát. Nguyên nhân chủ yếu do con người gây ra. Trước hết là do phát triển các đập thủy điện thượng nguồn Mê Kông chặn phù sa. Thứ hai, suy giảm cát, sỏi do khai thác cát ở ĐBSCL, Campuchia, Lào và Thái Lan.
Trong khoảng 20 năm qua, khai thác cát quá mức đã khiến lòng các sông chính ở ĐBSCL bị nạo sâu hơn từ 10-20 cm/năm (Eslami và cộng sự, 2019; Vasilopoulos và cộng sự, 2021 - PV). Đó cũng là lý do khiến cho triều cường khuếch đại thêm 2cm/năm, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển gia tăng, ngập lụt ở xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở khắp các đô thị vùng ĐBSCL.
Cũng trên cơ sở các dự báo về độ mặn, nghiên cứu còn dự báo, nếu khai thác hết 367-550 triệu m³ cát còn lại dưới sông, ĐBSCL sẽ có thêm ít nhất 10-15% diện tích bị xâm nhập mặn, tức khoảng 4.000 - 6.000 km², một diện tích tương đương hơn 4 lần diện tích TP.Cần Thơ.
Ngân hàng cát ĐBSCL do WWF và Liên doanh tư vấn Deltares thực hiện dưới sự quản lý của Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT trong khuôn khổ Quỹ sáng kiến khí hậu thế giới của Chính phủ Đức.
Nghiên cứu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, như quản lý cát sông nên được điều phối bởi một cơ quan cấp vùng thay vì theo địa giới hành chính từng địa phương. Cần phải xem cát sông là tài nguyên chiến lược, không phải là vật liệu xây dựng thông thường. Kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành cân nhắc/xem xét hỗ trợ các nghiên cứu, phát triển và sử dụng các nguồn thay thế cát bền vững, đặc biệt là với cơ sở hạ tầng đầu tư công. Khuyến khích, thúc đẩy các công trình xây dựng theo hướng tiết kiệm tài nguyên và thiết kế bền vững, ví dụ xây đường cao tốc trên cầu cạn. Kiến nghị các giải pháp ngoại giao xuyên biên giới hướng đến việc quản lý nguồn tài nguyên cát bền vững cho cả lưu vực Mê Kông.
WWF-Việt Nam cũng đề cập một số bài học từ các đồng bằng khác trên thế giới đã từng trải qua những xu hướng tương tự với ĐBSCL. Điển hình như Hà Lan, cùng với các quốc gia ở thượng lưu đồng bằng sông Rhine Meuse đã cấm khai thác cát sông từ đầu thế kỷ 20 khi họ nhận ra rằng cát không còn có thể được bồi đắp bởi các con sông. Hầu hết các quốc gia phương Tây (Pháp, Anh, Mỹ) và Trung Quốc cũng đã cấm khai thác cát sông và trên bờ biển, thay vào đó là thúc đẩy các giải pháp thay thế như sản xuất cát nghiền từ đá, vật liệu tái chế... Trên thế giới, hiện một số quốc gia ở Châu Âu có tỷ lệ tái chế lên đến 11%, nghĩa là, 11% cát được sử dụng là từ tái chế; Bỉ là 25% và Hà Lan là gần 30%...
Bình luận (0)