Đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Mai Phương
Mai Phương
17/09/2024 06:17 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT phối hợp, tiếp thu các ý kiến để trình Chính phủ ban hành nghị quyết về khắc phục hậu quả bão số 3. Cần sử dụng đồng bộ nhiều chính sách trong giai đoạn này.

Quan trọng là thực hiện nhanh

Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỉ đồng. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố góp ý để trình Chính phủ ban hành nghị quyết về khắc phục hậu quả bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn ngập dù lũ các sông Hà Nội đã rút

Hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận xét: Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập đến nhiều chính sách như hệ thống ngân hàng (NH) nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; NH Chính sách xã hội có phương án cho vay thông qua hộ gia đình... 

Hay phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi. TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Đối với chính sách tiền tệ thì biện pháp hỗ trợ chủ yếu hiện nay vẫn là cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, giảm lãi, phí và cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh. Quan trọng nhất là thực hiện nhanh sẽ mang lại hiệu quả hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp- Ảnh 1.

Chuối và cây trồng của người dân ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) bị thiệt hại do bão số 3

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Đồng tình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng các thiệt hại do bão số 3 gây ra thực tế sẽ kéo dài đến hết quý 3/2024 và quý 4/2024. Những thiệt hại đó sẽ còn tiếp tục được thống kê và DN cần chủ động cung cấp thông tin song hành với việc chủ động tái thiết, chỉnh trang lại cơ sở sản xuất, kinh doanh, tẩy trùng nhà máy… Dựa trên mức độ thiệt hại của từng địa phương thì Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể. Nhưng hiện nay các chính sách hỗ trợ cần thực hiện nhanh, đồng bộ và áp dụng cho tất cả người dân, DN những tỉnh miền Bắc đã bị bão lũ tàn phá nặng nề. 

Ví dụ, trước đây chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ, không chuyển thành nợ xấu chỉ áp dụng cho một số ngành nghề thì nay cần áp dụng cho tất cả DN bị ảnh hưởng do thiên tai. Tương tự, chính sách giãn thuế, giảm thuế, phí có thể đưa ra theo một số tỷ lệ phụ thuộc vào mức độ bị thiệt hại. Chẳng hạn, các DN chỉ bị ảnh hưởng khoảng 10 - 20% thì chính sách miễn, giảm thuế, phí sẽ thấp hơn; các DN bị thiệt hại đến 50 - 70% tài sản thì tỷ lệ miễn, giảm thuế phí phải lớn hơn… Quan trọng nhất là các chính sách cần được đưa ra càng sớm càng tốt.

Đau thương, thảm khốc sau bão Yagi: Thiệt hại khoảng 40.000 tỉ, GDP có thể giảm 0,15%

Thực hiện đồng bộ nhiều chính sách

Cuối tuần qua, Cục Thuế TP.Hà Nội có thư ngỏ phổ biến chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế đối với người nộp thuế chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người nộp thuế trên địa bàn. Theo quy định hiện hành, trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Đối với trường hợp người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng thì được miễn tiền phạt. Tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có)…

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng nếu chỉ miễn tiền chậm nộp, giảm tiền phạt hay giãn, giảm thuế thì chưa đủ để hỗ trợ người dân và DN. Thực tế sẽ có nhiều người bị mất nhà cửa, thu nhập không có. Nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất khó khôi phục sẽ có nguy cơ bị thua lỗ thì không phải nộp thuế. Như vậy giãn hay giảm thuế là không cần thiết, không hỗ trợ được những trường hợp này. Vì vậy, Chính phủ có thể xem xét đưa ra những chính sách hỗ trợ mạnh hơn, cần thiết hơn. Đó là hỗ trợ bằng tiền mặt theo chính sách an sinh, hỗ trợ cho người dân ở những vùng bị bão lũ nặng nề; DN ở những vùng này gặp thiệt hại lớn cũng cần được hỗ trợ trực tiếp như người dân.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Chính phủ cần thực hiện đồng bộ cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ trong bối cảnh hiện nay để đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân nói chung. Trong đó một số vùng vẫn cần hỗ trợ về lương thực, thực phẩm ít nhất trong 6 tháng. Việc cung cấp thực phẩm đầy đủ cũng giúp duy trì ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội như cung cấp thuốc, dung dịch vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; đẩy nhanh đầu tư công để xây dựng lại các tuyến đường, cầu cống, đảm bảo giao thông đi lại phục vụ đời sống người dân và hoạt động của DN...

Tất cả các chính sách đều phải làm ngay, cụ thể nhằm đảm bảo đời sống của người dân và DN khôi phục hoạt động nhanh nhất. Hơn nữa, các thủ tục, điều kiện cần phải được nêu rõ ràng, cụ thể và đơn giản để người dân và DN tiếp cận được chính sách hỗ trợ nhanh nhất.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.