Và nếu khách đông sẽ được gọi ra đong cơm, gắp thịt cho sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Có vẻ nhàn. Ký hợp đồng với vợ chồng chủ quán gốc Việt xong, tôi lại thấy căng thẳng.
Một cơn gió nóng ngậy xộc vào mắt, mũi. Ngay lối vào chỉ đủ hai người đi nghiêng, ba chiếc bếp rán nhúng xèo xèo tôm, gà và nem lềnh bềnh trong vợt inox. Bốn bếp gas để lửa cháy hờ, âm ỉ một nồi nước lèo, một xốt cà ri, chảo sườn xào chua ngọt và thịt xá xíu nặng nhọc thở lúc búc. Góc bếp, nơi chiếc tủ nấu cơm công nghiệp sáu khay đang rung bần bật như ghế mát xa, một hàm răng sáng bóng hiện ra, giọng miền Trung còn nặng: “Đeo tạp dề, đội mũ bếp lên chớ hông là về nhà tắm cả chục lần cũng không hết mùi. Biết tay dơ phải rửa bằng gì chưa?”. Á à, ma cũ bắt nạt ma mới. Tôi lập tức nghiêm mặt, đi qua, không trả lời. Đối diện bếp nấu là hai bồn rửa. Chất chồng những chiếc nồi sâu tới nách, muôi cán dài như chổi và mớ hộp nhựa vàng khè cóc cáy dầu mỡ đang chờ tôi.
Bấy giờ bà chủ mới từ dưới hầm đi lên, tay vác hai hộp nem, một hộp tôm rồng đông lạnh. Quần bò cạp cao nhưng mông lép, dáng như bị kéo xuống. Chân xỏ sục đen, tạp dề đỏ, mũ bếp trắng. Cởi khẩu trang mới rõ chị Hà cũng trang điểm cầu kỳ, mắt cắt mí, môi xăm viền trái tim, lông mày mới cấy quá rậm so với tóc. “Thằng Thủy nói em cách lau rửa tay chưa? Thỉnh thoảng bọn nó vẫn hay xộc vào bếp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Nó có hỏi tay dơ rửa cách nào em nói lau bằng giấy nhé, không phải bằng nước nha”.
Anh Công bỗng mở cửa ầm ầm: “Trứng trộn cơm chiên sao bữa nay màu kỳ vậy? Từ hôm qua hả. Không được đâu, ăn vào chết đó. Chiên mới lẹ lên”. Chị Hà đánh ánh mắt sắc lẹm về phía Thủy. Tôi giả vờ mải rửa nồi, tránh nhìn Thủy. Thủy im thít, nhấc vợt đổ mẻ nem vào chậu inox, định mang ra, bị chị Hà ấn thụt lại: “Quá lửa rồi, bỏ. Anh Công thấy ổng la chết. Có mỗi công thức chiên chả giò năm phút, cánh gà bảy phút, hấp cơm năm mươi phút, vặn cái đồng hồ báo giờ mà quên hoài. Đến giờ bán hàng rồi, thò mặt ra ngoài làm chi. Lên lầu giùm đi. Bọn nó vào kiểm tra là tiêu đó”.
Có hôm tôi đến, tắt ngay nụ cười vì va phải gương mặt thẫn thờ của bà chủ. Thủy vừa làm mẻ tôm tẩm bột, rán sơ bỏ tủ đá, lại quá tay. Kiểu này lúc rán giòn vỏ bột sẽ chuyển màu cháy. “Năm cân tôm hổ gần một trăm euro của tôi chứ ít gì”. Ông chủ bảo đổ đi. Ngồi tiếc làm gì. Thứ mình không muốn ăn thì đừng bán cho khách. Chị Hà không thôi ca cẩm. Thằng Thủy mới vô đây được vài tháng đã ẩu tả rồi. Hộp diêm mà nó để khơi khơi cạnh bếp gas vậy đó. Xong món nào cũng phải ghi ngày tháng dán vô bì mới bỏ tủ đá. Quên hoài. Trời ơi, chị nhớ thằng phụ bếp cũ quá. Đang ngon lành phụ bếp mỗi tháng chị trả hai ngàn euro, xí xọn ra ngoài làm ăn đàng hoàng cơ, nộp mình cho Police(1) xin “tị nạn”, bị bác đơn. Sát ngày phải hồi hương nó trốn trại. Giờ chẳng biết chui lủi nơi nào. “Mà chị tiếc thằng đó ngoan, chịu khó, nói là nghe chứ không cãi hoài như thằng Thủy”.
Cứ hở ra là chị Hà ca cẩm, cũng chán chứ. Quen việc, tôi không tỏ mặt lạnh với Thủy nữa. Cặm cụi trong bếp chật, không nói với Thủy còn biết chuyện cùng ai. Sáng đến quán tôi chủ động chào hỏi trước. Thủy cũng không ăn nói trống không nữa. Cậu ta tận tình chỉ cho tôi cách dùng giẻ nào lau hộp nhựa chóng khô, khăn nào chùi đồ inox giữ được bề mặt sáng bóng và không đọng vệt nước.
Hai giờ chiều. Đám sinh viên cuối cùng đã đổ những hộp xốp, vỏ lon nước ngọt vào sọt rác, rời đi. Phía sau quầy thức ăn, ông bà chủ chúi đầu vào điện thoại di động chơi game, lướt Facebook. Thủy từ trên gác mò xuống bếp. Tôi vừa lau xong mẻ nồi chảo cuối cùng. Định bê mấy khay inox đặt lên giá cho gọn, Thủy đỡ lấy: “Mấy cái đồ nằng nặng chị để em”. “Ở quê chú đã vợ con gì chưa?”. “Dạ em có vợ rồi. Nó mới mười chín, chưa muốn có con. Chắc nó sợ em đi vầy, mất tiêu thì đời nó dở dang. Còn em lại lo nó ở nhà lãnh tiền em gửi về thoải mái ăn chơi, rồi cặp với người ta chưa biết chừng”. “Ơ hay, vợ chồng đề phòng nhau thế còn ra gì?”. Thủy hát vống Ôi đàn bà là những niềm đau/Hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao/Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu/Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua/Hay đàn bà lạnh lùng đêm nay...(2) Tôi cười khì khì: “Gớm, cậu chắc gì hay ho. Có dám thề ngày chỉ quanh quẩn bếp, đêm đến tuyệt không gái gú góc tối nào ngoài kia?”. Thủy gãi tai: “Đó, đàn ông khó nhịn lắm chị à. Mà em vẫn nhịn được. Chị xem em nhịn nhiều thành đần, đầu óc lãng như ông già rồi còn gì”. “Thế không nhịn được nữa là tìm gái đấy hả?”. “Không nhịn được nữa là em nộp mình cho cảnh sát. Họ cho em hồi hương liền, đoàn tụ vợ liền thôi. Lúc xuống sân bay Đức em liệng hết giấy tờ vào thùng rác để họ có bắt được cũng không biết mình ở đâu đến mà đem trả lại. Coi như em bây giờ không tên không tuổi, không nơi cư trú, như các nhân vật của Remarque”. “Ai bắt cậu trở thành các nhân vật của Remarque đâu. Tự cậu chọn chứ”. “Dạ, em biết không so sánh như vậy được. Nhưng ở quê em thiếu gì người đi thành công kiểu này. Sao mình không thử. Mà nói thiệt với chị, em cũng muốn ra ngoài coi thế giới người ta sống ra sao. Chứ cứ quanh quẩn cuộc đời đi bạn (3), kiếm cho được một con vợ, xây cho được một mái nhà đổ tấm, đẻ cho được một thằng con rồi yên tâm mà chết hay sao. Vậy là xong đời người hay sao? Phải còn cái gì đáng sống khác nữa chứ? Em hỏi chị nè. Chị khác em chỗ nào? Chị có quốc tịch rồi, hợp pháp ở đây rồi, được chồng nuôi sướng vậy mà sao vẫn muốn đi làm, muốn bị sai bảo làm chi cho khổ? Vì chị cũng muốn thử cái gì mới, đúng không? Chị muốn tự lo thân chứ đâu muốn ỷ vào ai, đúng không?”...
Càng nói Thủy càng trở nên say sưa, liên tục khoe hàm răng sáng bóng. Lạ thay, chỉ luẩn quẩn trong bếp, thỉnh thoảng mới ra phố khi đã tối trời, nước da cậu ta vẫn đen kít. Tiếng chị Hà vọng vào: “Làm bột bao cánh gà chiên nha Thủy, đứng đó tám hoài. Cơm và mì trưa nay bán hết rồi. Làm hai khay cơm và một khay mì mới nha. Sáu giờ sinh viên vô ăn tối phải rút lên lầu rồi đó”. Thủy dạ rõ to rồi hạ giọng chuyện tiếp. Chị Hà hay cằn nhằn vậy thôi chứ bả vẫn chiều em lắm. Chị không làm ca tối không biết chớ em thích ăn phở, hủ tiếu, bún bò hay bún cá chỉ đều nấu cho đó. Anh Công cuối tuần lén lút chở em về nhà uống bia coi đá banh. Vì sao? Vì em làm lợi cho cái nhà này quá chừng. Không có giấy tờ nên em phải chấp nhận làm đủ thứ chuyện, vừa phụ bếp vừa cu li khuân vác. Việc gì mà không tới tay em. Mỗi tháng trả có ngàn rưỡi trong khi mướn người nấu bếp giấy tờ đàng hoàng phải trả ít nhất năm ngàn. Dạo này em chán đời quá chị ơi, tiền có vợ có mà nghĩ ra mình vẫn không có gì. Ngoài cánh cửa kia chắc vui lắm chị hả. Mấy đứa sinh viên đến ăn cơm đó, sao tụi nó sướng vậy. Đứa nào đứa nấy mặt mũi đẹp như tranh. À, em cũng biết nói tiếng Anh đó, mấy năm trước rớt đại học, em tranh thủ luyện vài khóa. Giá như ông bà già chịu cho em ôn thêm năm nữa thì giờ cũng là sinh viên rồi. Nhưng ông bà già em kêu đi biển sớm còn có cá mà ăn chớ xong đại học chắc gì xin được việc. Đi biển rồi ổng bả lại kêu thôi đi hẳn ra nước ngoài như chú Ba, cô Năm cùng xóm, hốt ngoại tệ gửi về mới giàu nhanh được. Chuẩn bị bay thì lại kêu phải cưới con vợ cho yên tâm. Đó, em toàn làm theo ý người khác, chiều lòng người khác. Chán đời.
“Vân ơi, ra phụ bán hàng đi em”. Chỉ chờ bà chủ gọi, tôi xỏ găng tay mới, vọt khỏi bếp. Gian nhà hàng này là xã hội mới của tôi. Là nơi tôi được nói tiếng Hà Lan, tiếng Anh và thỉnh thoảng xổ một tràng tiếng mẹ đẻ. Là nơi tôi thấy những gương mặt phơi phới tuổi thanh xuân. Là nơi tôi được đong cơm cho sinh viên. Là nơi gần một năm nay Thủy phải tránh mặt lúc có khách.
Quá nhiều món tẩm bột rán. Chỉ một khay rau. Vì mười người thì tám người không chọn rau. Đúc kết: Trí thức trẻ bây giờ lười ăn rau.
“Rau chứ?”, tôi luôn miệng hỏi, “Dĩ nhiên rồi”, tiếng Anh vang như điệu nhạc thân quen. Tò mò ngẩng lên. Những lọn tóc nâu nhỏ cong cong ôm gọn gương mặt gầy tao nhã. “Cho tôi nhiều rau vào”, gương mặt ấy nở thêm nụ cười có phần mỏng manh trong suốt như Mozart. “Cậu nước nào đấy?”. “Tôi Ý. Cậu bạn tôi cũng vậy. Chúng tôi sang đây học vài tháng mới phát hiện quán này. Công thức bán cơm rốt cục là thế nào?”. “Cậu tự chọn món đi, tôi gắp cho. Chọn cơm rang, hoặc mì xào, hay nửa cơm nửa mì cũng được. Sau đó chọn thức ăn. Tổng cộng mỗi suất năm miếng, mỗi loại một miếng, hoặc năm miếng một món cũng được”. “Ôi, tôi không tiêu hóa được nhiều thịt và bột rán thế đâu. Cho xin xốt gừng và đậu phụ”.
“Cho xin thêm cơm và xốt chua ngọt”, một hộp xốp đã vét nhẵn chìa ra trước mặt tôi. Cậu sinh viên gốc Trung Đông bẽn lẽn. Anh Công đứng tính tiền cạnh đó giục: “Mấy tay Trung Đông này ăn khỏe lắm. Lần sau đong hẳn ba muôi đầy lèn để nó khỏi phải xin thêm, mất công xúc thêm”. Đám sinh viên nữ có vẻ thích nem chay rán. Không cần cơm, và cũng miễn thịt, họ gọi cả suất nem chay rán ngồi chấm cháp buôn chuyện ríu rít. Phải ngày xấu trời, một sinh viên gốc Phi cau mặt với tôi: “Đã nói gà tẩm bột không cay hai miếng, mực tẩm bột ba miếng cơ mà. Hai suất như nhau chứ không phải số lượng hai loại thức ăn như nhau. Trời ơi, chị lại nhầm rồi, tôi nói nước xốt đậu phộng, không phải xốt cà ri”. “Vâng, vâng. Tôi xin lỗi”...
“Chị Vân, đứa nào lại làm khó chị hả?”, Thủy ngừng tay trộn bột, dò hỏi. Chị Hà thông cảm: “Cái bọn sinh viên này suốt ngày chỉ ăn với học thôi đó. Học cao siêu gì mà có cái việc nói cũng không cách nào rõ ràng được. Có đứa cứ lí nhí trong họng. Chịu hết nổi”.
Cũng có những ngày đẹp trời. Cậu sinh viên người Áo tóc rực như tơ hồng, mắt xanh biếc như nước biển Maldives hiện ra, giọng ngọt ngào ấm áp: “Tùy chị chọn. Chị thích món nào tôi ăn món đó”. “Rau nữa nhé?”, tôi dụ. Ông chủ cẩn thận nhắc: “Những tay dễ tính như thế này vẫn phải gắp đủ suất cho người ta. Miếng gà này hơi bé, thêm cho nó miếng nữa. Cứ thế mà làm”. Thấy tôi tươi tỉnh vào bếp, Thủy buồn rầu: “Chị mới làm có vài tuần đã quá chừng kinh nghiệm. Ngày vui xen lẫn ngày buồn. Thế mới là sống chứ. Còn em đến nước xốt sườn chua ngọt chị Hà còn chưa cho làm. Suốt ngày chỉ tẩm bột, hấp cơm, bao giờ làm được đầu bếp. Càng chẳng dám mơ bước qua cánh cửa kia, ra ngoài nói chuyện với bọn trí thức kia. Dạo này gọi điện về bà già em kêu con vợ mày hay vô Sài Gòn chơi lắm, có khi bỏ ông bà già ở nhà cả tuần. Tức quá, em cực khổ thế này để làm gì hả chị!”.
Chắc Thủy chồn chân lắm rồi. Tôi với áo khoác, xỏ găng tay định về, chợt nghĩ ra: “Tuyết rơi rồi đấy. Cảnh sát có khi ít đi tuần hơn. Tối trời em cứ ra ngoài đi dạo, chắc chẳng sao đâu. Phía bên trái, cách nhà hàng khoảng nửa cây số có công viên và cái hồ vắng lắm”. Thủy phì cười: “Em đi dạo ở đó cả trăm đêm rồi đó chứ. Còn đi coi đá banh giữa chốn đông người luôn”. “Không sợ à”. “Mấy thằng cũng không giấy tờ như em tụ thành nhóm. Tối tối hát karaoke mãi cũng buồn nát người. Bọn em rủ nhau đi coi đá banh đấy. Buồn đến hết cả sợ. Cùng lắm bị đuổi về nước chứ gì. Giờ thấy bị đuổi về có khi còn sướng hơn ở lại”.
Gần Giáng sinh tuyết rơi dày hơn. Kiểu gì tôi cũng phải xong cốc cà phê nóng mới đủ dũng khí rời căn nhà ấm áp, sục chân vào tuyết chờ xe buýt. Xắn tay vào bếp mới thấy người ấm áp hơn. Đồng hồ trong bếp chỉ mười một giờ trưa. Còn một tiếng nữa sẽ mở cửa bán cơm cho sinh viên, vẫn chưa thấy anh Công, chị Hà. Điện thoại reo, giọng chị Hà dồn dập: “Con xe đi trước mất tay lái, nằm ngang, chết máy. Chưa biết khi nào mới thông đường đây. Em đứng bán hàng giùm anh chị nha. Kêu thằng Thủy chỉ chuẩn bị đồ chiên, đồ xào nó không biết làm, đừng động tay vô. Mười hai giờ cứ bật biển open(4), nói Thủy lên lầu giùm...”.
Bật công tắc cho nước sôi nhẹ đủ giữ ấm thức ăn trong các khay inox xong, tôi kéo rèm cửa. Xoay tấm biển open ra ngoài đã thấy đám sinh viên đói bụng đứng chờ. Tôi quay vào bếp, dõng dạc gọi: “Thủy, ra phụ chị bán hàng”. Thủy đang rửa tay chuẩn bị rút, nhìn tôi chằm chằm vài giây, rồi lao ra như tên bắn. Tôi còn lúi húi bóc mớ giấy bọc cọc tiền xu, Thủy đã hiên ngang đứng giữa quầy, tay nâng hộp xốp, tay vung cán muôi, miệng xổ tràng tiếng Anh âm điệu hân hoan về phía đám sinh viên đang trố mắt nhìn cậu “Hello(5). Cơm chiên hay mì xào nào?”…
------
(1) Police: Cảnh sát
(2) Lời bài hát Đàn bà của Song Ngọc
(3) Đi bạn: Đi đánh cá thuê cho chủ ghe, về bán xong chia theo tỷ lệ
(4) Open: Mở cửa
(5) Hello: Xin chào
Bình luận (0)