Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), lúc 9 giờ 22 sáng nay 14.3, một trận động đất có độ lớn 4,5 độ Richter đã xảy ra tại H.Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) thuộc vị trí có tọa độ 21.123 độ vĩ bắc, 103.184 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 13,2 km.
Thời gian rung lắc kéo dài từ 5 - 6 giây, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại khu vực tâm chấn.
Tâm chấn động đất xảy ra tại H.Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) |
VAST |
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết hiện các nhà khoa học của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến động của trận động đất này.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lò Văn Xương, Chủ tịch TT.Điện Biên Đông, cho hay: "Trận đất xảy ra rất nhanh kéo dài trong vòng 2 phút. So với các trận động đất trước, trận động đất lần này mạnh hơn. Người ngồi trong nhà cũng cảm nhận được dây điện, bóng đèn đung đưa. Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ các địa bàn, đến nay chưa có thiệt hại gì về người, tài sản, vật nuôi và các công trình xây dựng".
Ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch H.Điện Biên Đông, cho biết ngay sau khi trận động đất xảy ra, lãnh đạo huyện đã yêu cầu các đơn vị báo cáo. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại của trận động đất này.
Theo Viện Vật lý địa cầu, tỉnh Điện Biên có 2 đới đứt gãy địa chấn lớn chạy qua, gồm: đới đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, kéo dài khoảng 200 km thường xuyên hoạt động và đới đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu. Vì đặc điểm địa chất này nên Điện Biên là địa bàn thường xảy ra những trận động đất với độ lớn khác nhau. Động đất thường xảy ra ở các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé và TX.Mường Lay.
Trung bình mỗi năm Điện Biên xảy ra từ 3 - 5 trận động đất có cường độ dưới 4,0 độ Richter. Tuy nhiên, tại đây cũng từng ghi nhận 3 trận động đất lớn nhất vào các năm 1935 (6,9 độ Richter tại lòng chảo Điện Biên), 1983 (6,7 độ Richter tại TT.Tuần Giáo) và 2001 (5,3 độ Richter tại TP.Điện Biên Phủ).
Bình luận (0)