(iHay) Thường thì người ta đi Thái Lan - Lào - Campuchia để mua sắm, vãn cảnh chùa và thăm thú những di tích nổi tiếng ở Bangkok, Luangprabang, Angkor Wat, Phnompenh… Tôi cũng đi 3 nước này, nhưng bằng xe khách cùng đoàn khảo sát “Hành trình di sản Đông Dương”, từ TP.HCM qua Mộc Bài (Tây Ninh) ngược lên những vùng xa xôi, hoang vắng và ít du khách đặt chân đến...
Trước cửa ngõ vào tỉnh Kampong Thom
|
Nói đến Campuchia, người ta thường tìm đến Phnompenh, Angkor Wat ngắm đền đài cung điện hoặc sang... đánh bạc. Tôi thì không đến những chỗ ấy, mà ngược lên các tỉnh đông bắc, đến với những vùng đất hoang sơ: Kampong Thom, Preah Vihear...
Chạy vật vã từ 4 giờ 30 sáng từ TP.HCM, qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang phía Đông Campuchia, theo đường 72, 71, quốc lộ 6 với những địa danh hiếm hoi ghi tiếng Anh, rút cục chúng tôi cũng đến được thị trấn Stoung, nằm ven sông Stoeng Stoung lúc 4 giờ 30 chiều.
|
Hướng dẫn viên du lịch (HDV) Trần Hải Đăng của công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn đông chỉ dãy phố lụp xụp cao thấp 2 bên đường: “Thủ phủ của tỉnh Kampong Thom đấy!”, và giải thích: “Phải ngủ lại giữa đường đến Preah Vihear bởi thị trấn đó chỉ có 7 nhà nghỉ tiêu chuẩn, số phòng rất ít và nhất là các ông bà chủ ở đó không muốn nhận khách!”. “Kampong Thom khá hơn thì có gì đặc sắc?”. Ai đó đặt câu hỏi và được HDV đáp ngay: “Chỗ này có đến 20 nhà nghỉ có thể ngủ và đặc sắc nhất là món ăn côn trùng, không đâu có!”.
Mướt mải chạy dưới mưa vào bên trong khối bê tông cũ kỹ ghi chữ xanh trên nền vôi trắng “Kampong Thom Market”, bên trong tối mù tối mịt, những người bán hàng ơ hờ nhìn khách. Anh Mony – HDV mới từ tỉnh SiemRiep sang đón từ chiều, giục rối rít: “Xem nhanh đi, dân ở đây chỉ bán đến 4 giờ 30 chiều là đóng quầy, không bán!”.
Loanh quanh chừng 10 phút, bóng tối đã sập xuống thị trấn heo hút, đèn đường vừa kịp bật cùng bập bùng chấm lửa đỏ của chục quán ăn đêm trên mảnh sân rộng trước chợ, bán đồ ăn tối với “đặc sản” duy nhất gây tò mò cho khách phương xa: Côn trùng nướng. Cữ này Campuchia vào mùa mưa, nên rất nhiều “mặt hàng” nhất loạt chiên gìòn với sả - ớt, bày bán cho khách bằng… USD: Dế than, dế mái giá 1 USD/ống sữa bò; dế cơm, cà cuống thì 2 USD/10 con; cao cấp hơn là món nhện 2-3 USD/10 con to nhỏ…
Nhìn “đặc sản Kampong Thom”, mới nhớ ra: Dọc quốc lộ 6 cơ man những bẫy bắt côn trùng. Loại bẫy này chỉ đơn giản là miếng nilon trắng căng rộng trên khung tre, giữa treo 1 bóng đèn sáng leo lét, phía dưới là ô đất được đào sâu, lót nylon và đổ nước muối. Ban đêm, các loại côn trùng như dế, cà cuống… thấy đèn sáng, hùng hục bay tới và vướng vào tấm nilon, rơi xuống hố, ướt cánh không bay được và sáng ra, chủ bẫy chỉ việc ra vớt thu hoạch.
Cái sự lạ ở các tỉnh vùng sâu vùng xa của Campuchia còn thấy rõ với các cọc bê tông vuông thành sắc cạnh, chông chênh đội trên những mái nhà xập xệ để… chống rắn bò lên nhà. Té ra, còn nhiều côn trùng – rắn rết cũng chỉ vì người dân bỏ hoang ruộng đất, mỗi năm làm 1 vụ lúa với phân bón truyền thống, nhờ vào nước mưa trời, lớp phù sa, không biết đến hóa chất trừ sâu…
Chợ Kampong Thom
|
Côn trùng rang - món đặc sản ở vùng Đông Bắc Campuchia
|
Chủ hàng bán đồ nướng ở các trung tâm chợ Campuchia
|
Người dân Đông Bắc Campuchia tò mò ngắm nhìn xe ôtô chạy qua
|
Ở vùng sâu vùng xa, thanh niên vẫn quấn xà rông thay vì mặc quần
|
Một gia đình trẻ chuyển nhà
|
|
|
Trước khi nhập cảnh vào Campuchia, tôi phải dừng lại cửa khẩu Mộc Bài do mang nhầm hộ chiếu đã hết hạn sử dụng, chờ mang hộ chiếu mới từ TP.HCM lên. Trung úy Nguyễn Song Hải, chỉ huy Trạm Kiểm soát Biên phòng Mộc Bài (Tây Ninh) an ủi: “Ngày trước, người Việt còn đi đường ruộng sang Campuchia, nhưng gần đây bên bạn kiểm soát rất chặt. Nếu đi qua biên giới bất hợp pháp, thế nào cũng bị các Trạm chốt của Cảnh sát – Quân đội kiểm tra, tạm giữ và trả về theo đường ngoại giao!”…
Hoàn thành thủ tục xuất nhập cảnh, lơ ngơ bên đất Campuchia, 1 “cò mồi” lơ lớ tiếng Việt chạy đến hỏi han. Sau một hồi nì nèo mặc cả, tôi phải trả 120USD (đúng giá trần, mà anh em du lịch đã báo trước) để thuê xe taxi chạy đuổi theo Đoàn, với đích đến là Kampong Thom cách đó 320km.
Cậu lái xe tên Tung, 32 tuổi, tưng bừng kể chuyện: Mua chiếc Camry 3.0 sản xuất năm 2010 với giá 4.800 USD chuyên chở khách Việt Nam sang Campuchia đánh bạc.
Mấy tháng nay, sòng bạc ế ẩm nên Tung mới chạy taxi sâu vào trong nội địa. “Kampong Thom nằm ở đâu anh nhỉ?” – Tung hồn nhiên hỏi sau khi đã chạy gần 100km khiến tôi giật mình. Cậu giải thích: “Em chở khách đánh bạc, đi vài km thu 30-50 USD, thời gian đâu mà đi mấy tỉnh vùng sâu xa. À! Xa nhất là Phnom Penh!”.
Tôi liền gọi điện cho Hải Đăng và trao lại điện thoại cho Tung để nghe chỉ đường, mặt Tung giãn ra, quay ngoắt xe: “Suýt nữa đi Phnom Penh!” và chỉ sau 50km chạy xe, Tung đã đuổi kịp xe của đoàn đang dừng ăn cơm trưa.
Những đứa trẻ bán hàng rong ở di sản thế giới Preah Vihear
Mấy ngày ở Campuchia, hỏi mua gì người bán cũng xòe tay đòi tiền USD (1USD bằng 4.000 riel – tiền Campuchia). Seng – cậu bé 11 tuổi trong “đội quân” bán hàng rong ở khu di sản thế giới Preah Vihear lẽo đẽo bám theo chúng tôi từ chân núi lên tận khu đền, thi thoảng lại giật tay gạ mua túi cà phê tan giá 5USD và chỉ tay về phía những người lính canh gác ở mọi vị trí trong ngôi đền ngay biên giới Campuchia – Thái Lan ý bảo tặng cho họ, trước những ánh mắt háo hức đợi chờ của người chờ tặng.
Buổi tối lơ vơ dạo quanh khu bán đồ ăn cổng chợ Kampong Thom, bé gái Campuchia chắn trước mặt, giơ tay bập bẹ tiếng Việt: “Cho xin 1 USD đi!”, khiến cậu bạn đi cùng động lòng rút ví ra tờ 2 USD. Cô bé rụt tay không cầm, cứ nài nỉ: “Xin 1 USD thôi!”. Hỏi mới biết: Tờ 2 USD hiếm nên người dân coi là tiền thờ, chẳng quán hàng nào nhận.
Anh Mony là HDV Campuchia đã có nhiều năm cộng tác với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, nên cái gì cũng biết. Anh sinh năm 1961 ở SiemRiep, năm 1981 khi mới 20 tuổi được chính phủ Campuchia cử sang học nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ. Ra trường, anh Mony không về nước ngay mà lấy vợ người Vĩnh Long, sinh con và tham gia công tác khuyến nông ở ngay quê vợ, mãi những năm cuối 1990 mới về lại Campuchia.
Rất hiếm hoi gặp các chợ dọc đường thế này, khi đến vùng đông bắc Campuchia
“3 con tôi nói chuyện ở nhà với bố mẹ bằng tiếng Việt, đến trường nói chuyện bằng tiếng Anh và chúng nó không biết tiếng Campuchia, tuy sinh ra lớn lên và đang ở Siem Riep!”, anh Mony thật thà bảo vậy. Mony kể: Hệ thống giáo dục ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa Campuchia rất hạn chế. Lương giáo viên chỉ 75 USD/tháng nên đa số giáo viên dạy cầm chừng, gọi là có nghề, thời gian còn lại để đi làm việc khác kiếm thu nhập hoặc chuyển nghề...
(Còn tiếp)
Mai Thanh Hải
>> Chinh phục ngã ba Đông Dương
>> Cá hô trăm ký 'bơi' từ Campuchia về quán nhậu Sài Gòn như thế nào?
Bình luận (0)