Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hạ tầng đô thị…
Mở đường phát triển Chu Lai
Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975), vùng đất Chu Lai thuộc H.Núi Thành vẫn là vùng cát trắng, đầy rẫy bom mìn do nằm trên vành đai Khu căn cứ quân sự Chu Lai. Vì vậy, việc tìm hướng hồi sinh vùng “đất chết” này là bài toán nan giải. Cột mốc cho sự vươn mình của Chu Lai, đó là vào ngày 5.6.2003, khi Chính phủ quyết định thành lập KTM Chu Lai.
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, KTM Chu Lai là khu kinh tế mở ven biển đầu tiên của VN được Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách thông thoáng; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua nhiều năm triển khai thực hiện quy hoạch, KTM Chu Lai hiện có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 94.000 tỉ đồng, tương đương hơn 4,5 tỉ USD. Trong đó, có 111 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đã thực hiện 68.000 tỉ đồng. Phát biểu tại lễ Công bố điều chỉnh quy hoạch KTM Chu Lai vào tháng 12.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Sự ra đời KTM Chu Lai đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, giúp Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất, nhì của cả nước ở thời điểm chia tách (năm 1997), nay vươn lên top những tỉnh phát triển khá”. Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành công đó không thể không kể đến vai trò của KTM Chu Lai mà trong đó có Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng lời mời gọi của tỉnh Quảng Nam và tiên phong trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô VN.
Thaco cũng là doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư tại KTM Chu Lai từ những ngày đầu thành lập. Đến nay, có những đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2017, lần đầu tiên, Quảng Nam “thoát nghèo” trở thành địa phương có đóng góp ngân sách cho Trung ương.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBD tỉnh Quảng Nam, về cơ cấu thành phần kinh tế, cần tạo các điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực phát triển; cải thiện cơ chế, môi trường đầu tư để thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới công nghệ, tăng năng suất. Kinh tế nhà nước chỉ bảo đảm hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ công và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đầu tư công cần phải tập trung vào phát triển dịch vụ và kết cấu hạ tầng có ưu tiên cao. “Thúc đẩy các cơ hội cho hợp tác công tư nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nguồn đầu tư công còn hạn chế”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Chính phủ xác định vai trò động lực của KTM Chu Lai không chỉ của Quảng Nam mà là đầu mối giao thông vận tải, giao thương, giao lưu quốc tế cho khu vực miền Trung - Tây nguyên. KTM Chu Lai có tính chất là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là khu vực phát triển đô thị, là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà...
|
Bên cạnh đó, việc đầu tư nạo vét luồng lạch phù hợp quy hoạch hệ thống cảng biển nhằm tạo đà cho phát triển, liên kết Vùng kinh tế động lực miền Trung. “Kết nối được hạ tầng từ sân bay Chu Lai, cảng biển đến QL1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển từ Hội An - sân bay Chu Lai… sẽ là động lực phát triển cho vùng kinh tế động lực miền Trung”, ông Đinh Văn Thu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định. Từ những chủ trương, quyết sách mang tầm chiến lược cho sự phát triển thịnh vượng của Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để kêu gọi đầu tư vào Chu Lai.
Tối ưu hóa để phát triển
Một doanh nghiệp chia sẻ rằng sức hút đầu tư vào Quảng Nam không chỉ dựa vào vị trí địa lý, điều kiện sẵn có mà còn có sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo tỉnh, Chính phủ. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng hy vọng sẽ đồng hành, đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Nam để phát triển các khu phức hợp kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam 2017, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng Quảng Nam đã tận dụng và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển, trở thành niềm tự hào của chính quyền và người dân toàn tỉnh; đồng thời cho rằng mô hình phát triển của Quảng Nam sau 20 năm chia tách tỉnh cần được chia sẻ trong cả nước. Ông Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nổi tiếng, các thương hiệu lớn của thế giới và VN đã có mặt tại Quảng Nam cũng như doanh nghiệp mới được trao giấy chứng nhận đầu tư về một môi trường đầu tư hấp dẫn. Đó là Quảng Nam có khả năng kết nối với các tỉnh, thành và các nước trong khu vực Đông Nam Á, là số ít trong địa phương cả nước có đầy đủ hạ tầng giao thông.
Tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng ví von nhà đầu tư, doanh nghiệp như những “con sếu” cất cánh trên bầu trời VN và mong muốn ngày càng có nhiều “con sếu lớn” có tiềm năng đầu tư vào Quảng Nam, đưa VN cũng như Quảng Nam bay cao hơn. “Quảng Nam cần đa dạng nguồn thu ngân sách, cần quy hoạch để bố trí dân cư hợp lý. Để phát triển tổng thể và bền vững, tôi đề nghị Quảng Nam cần có một quy hoạch tốt, nhất là phải có tầm nhìn xa, tối ưu hóa các lĩnh vực phát triển để không có mâu thuẫn, phá hoại lẫn nhau trong phát triển. Ngoài ra nâng cao hơn nữa chất lượng hạ tầng, tạo việc làm cho người lao động, nhất là vùng nông thôn thông qua các hoạt động thu hút đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Triển khai dự án theo cam kết
Năm 2017, hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh Quảng Nam, Công ty CP Chu Lai Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam giao làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Vịnh An Hòa (nằm tại H.Núi Thành). Dự án Khu đô thị sinh thái vịnh An Hòa chia thành hai khu, gồm: Vịnh An Hòa 1 và Vịnh An Hòa 2. Dự án Khu đô thị Vịnh An Hòa hiện tại đã có đủ chủ trương, giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường. Đã 3 năm kể từ ngày dự án được cấp phép, cho đến nay chủ đầu tư vẫn không thể triển khai thi công vì vướng giải phóng mặt bằng… Tại dự án thi công đường trục chính nối KCN Tam Thăng đến cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai cũng đang bị ách tắc do người dân ngăn cản thi công. “Chúng tôi mong muốn chính quyền đồng hành giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng và các thủ tục có liên quan để dự án triển khai đúng cam kết”, đại diện Công ty CP Chu Lai Hội An chia sẻ.
|
Bình luận (0)