|
Đỏ mắt tìm đường
Đồng Hới là thành phố nhỏ về diện tích, quy mô đô thị và dân số; nếu tính các phường trung tâm thì loanh quanh chỉ có 4 trục đường chính: QL 1A đi qua, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Cảnh, Hữu Nghị. Thế nhưng có một thực tế, ít người sinh sống tại Đồng Hới có thể biết khá đầy đủ tên đường ở thành phố này. Vậy nên khi chỉ đường đều nói con đường đó nằm ở khu vực nào, gần chỗ nào là tìm ra chứ nói tên đường thì không ít người “bó tay”. Theo lý giải của nhiều người, nguyên do đặt những cái tên lạ hoắc, ít người biết đến và đường bị chia nhỏ, manh mún, chẳng có ấn tượng gì.
Người sống ở đó còn vậy huống gì người nơi khác đến. Bản thân người viết không ít lần chứng kiến cảnh khôi hài là nhiều người phải hỏi đường khi đang đứng rất gần đường cần đến. Bởi cùng trên 1 trục đường nhưng cách mấy bước chân đã là tên khác. Điều này là do cách làm chia nhỏ, chặt khúc đường ra để đặt tên. Ví dụ trục đường chạy dọc bờ sông Nhật Lệ kéo ra biển Nhật Lệ rất đẹp nhưng bị “chặt” thành 4 khúc để đặt tên gồm: Hương Giang, Quách Xuân Kỳ, Nguyễn Du, Trương Pháp. Trong 4 “đường” trên, chỉ có đường Trương Pháp dài hơi chút, 3 đường còn lại chỉ dài chừng trên dưới 1 cây số. Hay đoạn QL 1A chạy qua trung tâm TP.Đồng Hới cũng không kém phần “hoành tráng” khi chia làm 3: Quang Trung, Hùng Vương và Lý Thường Kiệt. 2 đường Quang Trung và Hùng Vương cũng chưa đầy cây số.
Được biết, từ khi tái lập tỉnh (1989) đến nay đã có 4 lần đặt tên đường với 157 tuyến. Tháng 8.2012 đã có quyết định thông qua đề án đặt tên đường đợt 5 với 87 tuyến nhưng chưa triển khai được vì thiếu kinh phí dựng cột bảng tên. Nhiều người thắc mắc không hiểu sao thời trước hội đồng đặt tên lại “chặt” đường ra nhiều đoạn đến vậy, thà rằng vì độ dài quá lớn, mật độ nhà cửa quá đông chứ đằng này đường ngắn củn lại lèo tèo vài cơ quan trụ sở (như đường Hùng Vương). Ngoài những rắc rối như khó tìm đường, lộn xộn đô thị, tốn kém tiền dựng cột thì việc chia nhỏ như vậy khiến quỹ tên đường ít đi. Khi TP.Đồng Hới mở rộng ra như đã có đề án, chả lẽ lúc đó lại đặt lại tên đường?
Đến số nhà
Tìm được đường rồi, nhưng để tìm ra số nhà lại cả một vấn đề. Ví như Sở VH-TT và DL nằm trên đường Hùng Vương chẳng có số gì trơn. Thử gọi hỏi dịch vụ 1080 địa chỉ của sở này thì giao dịch viên trả lời: “Chỉ thấy đăng ký ở đường Hùng Vương chứ không thấy có số”. Cũng trên đường Hùng Vương, dù nằm cùng một phía nhưng trụ sở Công an tỉnh thì đánh số 1, trong khi Văn phòng UBND tỉnh lại số 6. Rất nhiều cơ quan, nhà dân ở trung tâm TP.Đồng Hới vẫn không số.
Ngoài những tồn dư của thời trước, cách làm hiện nay cũng tạo ra nhiều phiền toái, lãng phí khác. Như một đoạn đường ngắn chạy giữa khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy và sân cỏ cũng được gắn tên. Điển hình cho việc đánh số ngẫu hứng là trên đường Quang Trung khi ở phía bắc cầu Dài, số được đánh từ nhỏ đến lớn theo hướng nam-bắc nhưng ở phía nam cầu Dài thì ngược theo hướng bắc-nam. Đặc biệt, việc đấu nối số rất tréo ngoe, bờ bắc cầu là số 2 (cho đến số 58) nhưng ở nam cầu, số vọt lên 108. Như vậy, cùng 1 đường, chỉ cách 1 cái cầu nhưng số chỉa 2 ra hướng khác nhau.
Trưởng phòng Quản lý đô thị Đồng Hới Trần Quốc Tăng cho hay: “Hiện đã cấp 10.632 giấy chứng nhận số nhà, tỉ lệ gắn biển đạt 70%. Việc sửa đổi tên đường, số nhà góp phần chỉnh trang đô thị đẹp hơn nhưng thay đổi lại làm khó cho các nhà dân, tổ chức đã có số ổn định”.
Thiết nghĩ, các cấp, ngành ở Quảng Bình cần mạnh dạn, quyết liệt sắp xếp lại tên đường, số nhà; nhất là những người trực tiếp làm mới hiện nay phải khách quan, khoa học hơn chứ không thể bừa bãi như vậy.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)