Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai về việc phối hợp thực hiện các biện pháp để hạn chế voi rừng phá hàng rào điện và hạn chế xung đột giữa voi và người.
Cụ thể, nội dung văn bản nêu thời gian gần đây trên lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai quản lý, voi rừng thường xuyên xuất hiện và đạp đổ cột, quật ngã cây (keo lai) vào hàng rào điện làm hư hỏng, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến hàng rào điện. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay xảy ra 40 vụ voi rừng phá hàng rào điện và quật ngã cây (8 vụ đạp đổ cột hàng rào điện và 32 vụ quật đổ cây).
Để hạn chế tình trạng trên và để tuyến hàng rào điện hoạt động ổn định nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đề nghị khu bảo tồn tăng cường công tác tuần tra, phối hợp xử lý các sự cố đối với tuyến hàng rào điện do voi rừng gây ra.
Đồng thời, tuyên truyền các hộ dân có trồng keo lai và cây trồng khác sát hàng rào điện thực hiện cắt cây sát hàng rào để khi voi rừng có quật đổ cây không ảnh hưởng đến hoạt động của hàng rào điện.
Voi rừng đạp ngã cây, vượt qua hàng rào điện ở Đồng Nai
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện đàn voi rừng ở Đồng Nai có trên 20 con, trong đó có nhiều cá thể con, sống tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.
Để bảo tồn đàn voi rừng trên, năm 2013 UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn voi với kinh phí 74 tỉ đồng và giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư. Trong dự án này, hạng mục hàng rào điện là quan trọng nhất. Hàng rào điện dài 50 km, đi qua 3 xã: Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), Thanh Sơn (H.Định Quán), ngăn cách khu dân cư và nương rẫy của người dân với rừng tự nhiên, nơi voi thường ra tìm thức ăn, xung đột với người.
Hàng rào có độ cao 2,2 m, được xây dựng bằng các cột bê tông cốt thép, trên đó gắn 4 sợi dây cáp dẫn điện được kéo căng tạo thành hàng rào ngăn chặn voi vượt qua. Năm 2017 hàng rào chính thức đưa vào sử dụng.
Bình luận (0)