Đông Nam Á có đủ điều kiện để đăng cai World Cup?

13/07/2017 10:32 GMT+7

Thông tin Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á có ý tưởng đề xuất 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Myanmar cùng xin đăng cai World Cup 2034 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng liệu Việt Nam cùng các nước trong khu vực có đủ điều kiện để có thể đăng cai?

Nước chủ nhà đăng cai tổ chức World Cup phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí cực kỳ khắt khe của LĐBĐ thế giới (FIFA) từ sân bãi, hệ thống giao thông, khách sạn, bệnh viện, môi trường... Và quan trọng nhất, phải có tiền mới làm được.

12 sân cho 32 đội, 20 sân cho 48 đội
Từ năm 1980, FIFA đã đưa ra các tiêu chí là một quốc gia (sau này là nhiều quốc gia kết hợp như trường hợp của Hàn Quốc và Nhật Bản năm 2002) phải có nền kinh tế thuộc loại khá trên thế giới mới có thể đáp ứng chi phí dự trù cho công tác tổ chức World Cup (không dưới 4 tỉ USD, khoảng 90.000 tỉ đồng). Các cơ sở hạ tầng, sân bãi, khu liên hợp thể thao... đều phải thuộc tiêu chuẩn 5 sao.
Tình hình an ninh chính trị của đất nước phải thực sự tốt để bảo đảm công tác an ninh tuyệt đối cho du khách, cổ động viên và đặc biệt là các đội tuyển tham dự. Liên đoàn bóng đá của nước đăng cai tổ chức phải có uy tín cao trong FIFA và quản lý tốt nền bóng đá của đất nước. Trình độ, thứ hạng của đội tuyển bóng đá của nước xin đăng cai phải thuộc loại khá trên thế giới, có thành tích cao trên khu vực cũng như trên đấu trường quốc tế.
Căn cứ vào các điều kiện này để thấy đăng cai World Cup còn khó hơn tổ chức các sự kiện văn hóa giải trí khác vì đòi hỏi quá nhiều yếu tố. Trước hết, về sân bãi với các kỳ World Cup có 32 đội dự vòng chung kết như hiện nay, nước chủ nhà phải có tối thiểu 12 sân vận động chính để tổ chức các trận đấu. Còn nếu tăng lên 48 đội chắc chắn sẽ không dưới 20 sân. Các sân có sức chứa ít nhất từ 30.000 chỗ ngồi, nhưng chỉ được tổ chức các trận ở vòng bảng. Từ vòng đấu knock-out các sân phải có sức chứa từ 60.000 chỗ ngồi trở lên. Ngoài 12 sân được chọn tổ chức World Cup chính thức, FIFA còn muốn nước chủ nhà phải dự phòng ít nhất từ 1 đến 2 sân đạt chuẩn nếu xảy ra sự cố phải đổi sân.
Ngoài các tiêu chí chuẩn FIFA, các sân phải có mọi chức năng cần thiết như hệ thống phòng chức năng, các phòng bổ trợ, hàng rào an ninh, dàn đèn có công suất tối đa... để tổ chức trận đấu và phải đảm bảo an toàn tối đa cho người hâm mộ, cầu thủ, quan chức… nếu xảy ra sự cố về bạo động, cháy nổ, tấn công khủng bố. Bên cạnh đó, không gian sân đấu ngoài hệ thống giao thông đảm bảo thuận tiện còn phải gần các khách sạn, bệnh viện và sân bay… theo đúng quy định về khoảng cách của FIFA đưa ra trong bán kính 30 - 60 km trở lại.
Từ 4 - 200 tỉ USD
Nếu các kỳ World Cup trước đây, như năm 2002, tổng chi phí tổ chức của Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 tỉ USD, ở Nam Phi năm 2010 là 4 tỉ USD là những con số có thể chấp nhận được, thì sự lạm phát cộng với chi phí làm mới các công trình và nâng cấp cơ sở hạ tầng khiến World Cup 2014 ở Brazil tăng lên đến 14 tỉ USD. Nhưng con số này chẳng thấm vào đâu khi Nga đến giờ đã chi gần 19,2 tỉ USD để chuẩn bị World Cup 2018.
Song cả thế giới sẽ phải giật mình khi Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022, đã chi tới gần 200 tỉ USD để đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa các sân vận động đáp ứng tiêu chí của FIFA, theo Hãng kiểm toán Deloitte công bố. Họ phải xây mới thêm nhiều sân, trong đó các sân đều còn phải sử dụng công nghệ làm mát để giữ nhiệt độ trong sân luôn ở mức 20 độ C.
Ngoài ra, họ còn xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng xung quanh sân vận động như FIFA yêu cầu gồm khách sạn, bệnh viện, hệ thống giao thông hiện đại kết nối từ các sân bay và hệ thống tàu điện để chuyên chở lượng du khách, dự định lên tới hơn 400.000 người chỉ trong thời gian diễn ra World Cup.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.