Đóng tàu để... ngắm

17/01/2012 11:06 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Ở tuổi 83, lão ngư Lương Thững (ở KP.6, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn miệt mài đóng tàu. Điều lạ là cụ đóng tàu không phải để vươn khơi, mà chỉ để ngắm và truyền kinh nghiệm cho con cháu.

Ở tuổi này, cụ Thững vẫn còn minh mẫn, khỏe khoắn, bước đi rất nhanh nhẹn. Trở thành ngư dân thứ thiệt ở tuổi 16, gắn bó với nghề đánh bắt trên biển suốt hơn 20 năm thì anh ngư dân Lương Thững chuyển sang nghề đóng thuyền buồm và lái thuyền buồm đi buôn. 

Lão ngư kể lại rằng: “Bằng thuyền buồm, chân tui đã đặt lên khắp các tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Cần Thơ. Tui là thuyền trưởng nên biển và đất khách là nhà, còn nhà là quán trọ. Hồi đó, chuyến đi từ Đà Nẵng vào Cần Thơ để chở gạo mất cả tháng trời, nếu trời không thuận thì mất hơn tháng rưỡi. Lênh đênh trên biển, thân rày đây mai đó mãi nên vợ con không vui, vì vậy tui quyết định chuyển sang nghề đóng tàu đó chớ”.

 
Lão ngư Lương Thững với một mẫu thuyền buồm - Ảnh: Đức Huy

Cụ Thững không nhớ rõ đã có bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc tàu do chính tay mình đóng nữa. Khi “về hưu”, cụ bàn giao lại xưởng đóng tàu cho 4 người con trai nối nghiệp, nhưng máu nghề vẫn rần rật khiến cụ cứ muốn đụng tay đụng chân. Hơn nữa, cả đời gắn với “nghiệp” biển nên cụ muốn làm cái gì đó để làm kỷ niệm cho con cháu. Vậy là, cụ bắt tay vào đóng tàu mô hình để ngắm. Lão ngư khoe: “Hiện giờ, tui có trong tay bộ sưu tập gồm 5 chiếc lớn (dài từ 3 - 4m), 7 chiếc nhỏ (dài gần 1m). Trong đó, có 2 thuyền buồm đóng theo mô hình thuyền buồm của Đài Loan”. Cụ Thững rất ưng bụng về bộ sưu tập tàu thuyền đang được trưng bày trong khu vườn nhà. “Nói là tàu mô hình, nhưng chỉ cần gắn động cơ vào là nó chạy như tàu thật, trông bắt mắt lắm”, cụ tấm tắc.

Để hoàn thành một chiếc tàu lớn, cụ Thững mất hơn 2 tháng. Cụ tiết lộ: “Đóng tàu sa lái (thuyền buồm ngày xưa) rất khó, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ. Khó nhất là đóng dàn đà, xỏ và tính chiều cao, chiều rộng để con thuyền cân bằng mỗi khi gặp sóng to gió lớn. Bây giờ, hầu như không còn thợ đóng tàu nào có kinh nghiệm đóng tàu sa lái. Tui đóng là để lại mô hình cho con cháu để sau này tụi nó biết mà đóng cho người ta”.

Người ta đóng thuyền chạy dưới nước, nhưng cụ Thững lại đóng thuyền chạy trên... trời. 4 chiếc thuyền buồm nhỏ, cụ gắn chúng trên một vòng tròn, gắn vào một trục quay rồi đặt lên trên cao. Chỉ cần có gió, thuyền buồm cứ phăng phăng chạy, cụ ngồi dưới đất vừa nhâm nhi tách trà vừa sảng khoái nhìn lên “đội” thuyền buồm quay trong gió như xé sóng vượt trùng khơi.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.