Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện việc hiện đại hóa tàu đánh bắt xa bờ, sau đó sẽ nhân rộng ra 28 tỉnh, thành có giáp biển trong cả nước.
Hôm 13.4, tại cuộc làm việc với chính quyền huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chọn huyện đảo Lý Sơn thực hiện thí điểm hiện đại hóa tàu khai thác hải sản xa bờ.
Chưa đủ sức vươn khơi xa
Theo ông Trần Ngọc Nguyên - Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cả huyện có 60% dân số sống bằng nghề biển, trong đó có gần 3.000 người trực tiếp lao động trên biển với giá trị sản xuất ngành thủy sản hằng năm hơn 200 tỉ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2012, ngư dân đánh bắt được hơn 6.800 tấn hải sản, thu về trên 47,6 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2010.
|
Ông Nguyên nói rằng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Lý Sơn, sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm đều tăng nhưng lại phát triển thiếu bền vững và chưa toàn diện. Bởi lẽ, mặc dù toàn huyện có gần 420 chiếc tàu cá với tổng công suất hơn 37.700 CV nhưng chỉ có 120 tàu đủ sức vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày đánh bắt ở các ngư trường quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
|
|
Theo thống kê của UBND H.Lý Sơn, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện có 13 tàu cá với 191 ngư dân trong lúc khai thác hải sản xa bờ đã bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu phương tiện gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Hiện còn 2 tàu với 21 ngư dân Lý Sơn đang bị Trung Quốc giam giữ hơn 1 tháng qua.
Hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn
“Nhìn các tàu cá của ngư dân Lý Sơn, tôi thấy bé quá. Sóng chưa to thì tàu đã chông chênh, nói gì ra khơi xa. Trường hợp ra biển gặp tàu lớn chạy ngang qua cũng đã nguy hiểm rồi”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ.
Theo Phó thủ tướng, nghề biển hiện nay đang gặp nhiều rủi ro, bất trắc. Do vậy, để đủ sức hoạt động đánh bắt trên biển Đông, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thì việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là yêu cầu cấp thiết. Thủ tướng đã đồng ý chọn huyện đảo Lý Sơn triển khai thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển, từ đó sẽ có mấy chục ngàn chiếc tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất lớn, từ 400 đến 800 CV/chiếc.
Trước mắt, trong năm 2012-2013 tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN sẽ đóng mới hàng chục tàu vỏ thép có công suất lớn cho Lý Sơn và một số huyện khác tại Quảng Ngãi.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, thực hiện đề án này là nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Ngư dân chính là chủ thể thực hiện, sản xuất phải hiệu quả và bền vững”. Để thực hiện tốt đề án thí điểm hiện đại hóa tàu khai thác hải sản xa bờ, Phó thủ tướng lưu ý chính quyền địa phương cần phải lấy ý kiến từ ngư dân, cách tổ chức, phương thức đánh bắt để làm sao ngư dân được hưởng lợi. Có như thế mới phát triển nhanh đội tàu có công suất lớn với hàng trăm chiếc đủ sức ra khơi xa, phát triển kinh tế biển.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng đời sống ngư dân còn khó khăn nên khó lòng xoay được nguồn vốn ban đầu với số tiền hàng tỉ đồng để hiện đại hóa tàu cá. Do vậy, Chính phủ cần chỉ định một ngân hàng cho ngư dân vay và được địa phương bảo lãnh. Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần lãi vay.
Việc tại Lý Sơn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thị sát một số công trình trên đảo, đồng thời tán thành phương án đưa nguồn điện bằng cáp ngầm từ đất liền ra đảo vì nó mang tính cơ bản hơn, lâu dài hơn. Việc 2 tàu cá và 21 ngư dân bị Trung Quốc giam giữ, Phó thủ tướng nói rằng Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể để ngư dân sớm đoàn tụ với gia đình. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám còn thông báo, Liên bộ Tài chính - Quốc phòng - NN-PTNT đã thống nhất đưa nghề lặn vào danh mục các nghề khai thác phù hợp trên các vùng biển xa để được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 48.
Sẽ có giải pháp để ngư dân bị bắt sớm đoàn tụ gia đình Trong chuyến thăm và làm việc tại Lý Sơn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thị sát một số công trình trên đảo, đồng thời tán thành phương án đưa nguồn điện bằng cáp ngầm từ đất liền ra đảo vì nó mang tính cơ bản hơn, lâu dài hơn. Việc 2 tàu cá và 21 ngư dân bị Trung Quốc giam giữ, Phó thủ tướng nói rằng Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể để ngư dân sớm đoàn tụ với gia đình. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám còn thông báo, Liên bộ Tài chính - Quốc phòng - NN-PTNT đã thống nhất đưa nghề lặn vào danh mục các nghề khai thác phù hợp trên các vùng biển xa để được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 48. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)