Động thái tích cực

12/11/2011 00:37 GMT+7

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị mất việc làm trong doanh nghiệp (DN) nợ lương có chủ bỏ trốn ở trên địa bàn.

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị mất việc làm trong doanh nghiệp (DN) nợ lương có chủ bỏ trốn ở trên địa bàn.

Theo đó, trước mắt tạm ứng ngân sách địa phương để giải quyết vấn đề nợ lương; tiến hành thủ tục xác định DN có chủ bỏ trốn, lập hồ sơ về lao động, tài chính DN, trên cơ sở đó, tiến hành thực hiện thanh lý số tài sản để thanh toán các khoản nợ của DN, trong đó có ưu tiên thanh toán đối với khoản nợ lương của NLĐ. Về lâu dài, UBND TP kiến nghị Chính phủ cần có chủ trương chỉ đạo xử lý các trường hợp chủ DN nợ lương, bỏ trốn để đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Đây được đánh giá là một động thái tích cực trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, và phần nào giảm bớt sự lúng túng trong cách giải quyết của cơ quan chức năng TP trong thời gian qua.

Cuộc sống NLĐ, đặc biệt là công nhân rất gian truân. Khi chủ DN bỏ trốn, tình cảnh của họ càng bi đát hơn vì tiền nợ lương, bảo hiểm hầu như ngang nhiên bị chiếm đoạt. Hầu hết các ông chủ bỏ trốn đều là người nước ngoài. Lúc hoạt động không hiệu quả thì cứ vô tư "một đi không trở lại", chẳng có bất kỳ liên hệ nào với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương hoặc NLĐ để thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Tài sản để lại (thường có giá trị không cao) của các chủ bỏ trốn như một gánh nặng. Quá trình xử lý vụ việc thường kéo dài nên tài sản xuống cấp thê thảm, giá trị thấp hơn nhiều so với thời điểm tạm xác định ban đầu. Nghịch lý là các địa phương buộc phải tạm ứng ngân sách chi trả cho công tác bảo vệ tài sản mà không biết bao giờ vụ việc được giải quyết dứt điểm, còn quyền lợi NLĐ thì cứ “chìm trôi” tháng này sang tháng khác.

Bình quân mỗi NLĐ nếu đòi được nợ chỉ nhận khoảng trên dưới 2 triệu đồng. Những ai đã từng chứng kiến đời sống gian truân, con cái thiếu thốn về mọi mặt, sẽ thấu hiểu vì sao họ phải mất nhiều công sức đi đòi dẫu phải tất tả lo tìm việc làm mới. Bởi lẽ chừng ấy tiền tuy không nhiều nhưng có thể trả được 2 - 3 tháng tiền nhà trọ, hoặc gửi cho con đang nương nhờ ông bà ở quê chắt chiu, sống qua ngày có khi được cả nửa năm.

UBND TP từng chỉ đạo các sở ngành chức năng và Liên đoàn Lao động TP cùng các địa phương vào cuộc giải quyết nhưng trong quá trình triển khai luôn gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử như việc tiến hành thủ tục phá sản DN hoặc đề nghị NLĐ, chủ cho thuê mặt bằng, nhà xưởng khởi kiện dân sự đối với khoản nợ lương và nợ tiền thuê mặt bằng ra tòa…, thì trên thực tế cách này không thực hiện được do thủ tục phá sản phức tạp, kéo dài và không khả thi nếu các ông chủ bỏ trốn cứ biệt tăm.

UBND TP dự báo trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục phát sinh các trường hợp tương tự nên việc có các chính sách giải quyết, hỗ trợ, đảm bảo quyền và lợi ích cho NLĐ tại các DN nợ lương, có chủ bỏ trốn là hết sức cần thiết và cấp bách.

Nếu như đề xuất của TP.HCM được chấp thuận, NLĐ nhờ đó sẽ yên tâm hơn trong cuộc sống, tin tưởng, gắn bó hơn công việc mình làm.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.