Dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam

15/12/2021 08:00 GMT+7

Các thương vụ M&A bất động sản với sự tham gia của khối ngoại đã tạo nên những luồng gió mới, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và lành mạnh.

Với năng lực tài chính tốt, sự hiện diện của khối ngoại trong các thương vụ M&A gây tiếng vang lớn bởi giá trị thương vụ và sự khắt khe trong các tiêu chí lựa chọn dự án

M&A bất động sản sôi động thời kỳ Covid-19

Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, hoạt động M&A bắt đầu phát triển rõ nét và mạnh mẽ, trong đó có M&A bất động sản. Với giới đầu tư nước ngoài, M&A bất động sản là phương thức hữu hiệu giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn nước ngoài đóng góp khoảng 20% GDP, chiếm tỉ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản luôn nằm trong top đầu về thu hút FDI. Báo cáo mới đây nhất về M&A bất động sản của Savills cho biết, xét về giá trị giao dịch, các thương vụ thâu tóm được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang có giá trị dẫn đầu.

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, hoạt động săn lùng và mở rộng quỹ đất vẫn được nhiều đơn vị triển khai mạnh. Thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trong 2 năm qua. Sự sôi nổi của hoạt động M&A thời kì đại dịch cho thấy niềm tin và sự lạc quan vào dư địa tăng trưởng và kỳ vọng hồi phục của thị trường là rất lớn.

Nhìn nhận về M&A bất động sản trong 2 năm qua, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết dịch bệnh khiến một số doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện M&A nhằm tăng nguồn vốn, mở rộng thị phần, gia tăng sức mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đính đánh giá đây là thời điểm mà các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn và sẵn sàng đầu tư vào các dự án quy mô lớn mà những dự án đó đã được hoàn thiện thủ tục, sẵn sàng chuyển nhượng theo hình thức M&A

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các dự án bất động sản có vai trò chủ đạo hoặc đồng tham gia của khối ngoại đã hình thành tại Việt Nam đã thiết lập những chuẩn mực đô thị mới theo hướng văn minh, hiện đại. Các dự án thường được định vị ở phân khúc hạng sang, cao cấp, có quy mô lớn, mang tính chất của khu đô thị tích hợp; đề cao không gian sống xanh, có sự giao hòa với thiên nhiên và tổng hòa tiện ích.

Tham vọng và chiến lược lớn tại Việt Nam của Gamuda Land

Trong số các chủ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Gamuda Land đến từ Malaysia là cái tên nổi bật bởi chiến lược phát triển sản phẩm khác biệt. Hai khu đô thị sinh thái Gamuda City (Hà Nội) và Celadon City (TP.HCM) là những kì tích về việc kiến tạo địa điểm của Gamuda Land.

Celadon City - khu đô thị sinh thái quốc tế phía Tây TP.HCM - dự án nổi bật thể hiện năng lực của Gamuda Land trong việc kiến tạo những sản phẩm bất động sản đẳng cấp, tạo giá trị cho sự phát triển đô thị cũng như giá trị cho thị trường bất động sản khu vực

Khởi thủy của cả Gamuda City và Celadon City đều là những vùng đất hoang hóa, cằn cỗi, thưa thớt dân cư nhưng Gamuda Land đã cải tạo, hồi sinh những vùng đất này, biến nơi đây thành những khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế.

Hiện ông lớn Malaysia đang đẩy mạnh việc mở rộng, tìm kiếm quỹ đất và xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm trong chiến lược phát triển lâu dài. Ông Angus Liew, Tổng giám đốc Gamuda Land (HCMC) cho biết, sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với khối ngoại chính là nằm ở một nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Trải qua những thách thức từ dịch bệnh, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương. Do đó, Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á. Sự phát triển của bất động sản Việt Nam được đặt trên các nền tảng bền vững là nhân khẩu học, mức tăng trưởng thu nhập và đô thị hóa. Cùng với đó, môi trường đầu tư tại Việt Nam liên tục được cải thiện với sự thông thoáng của hành lang pháp lý, sự cởi mở của chính sách.

Ông Angus Liew chia sẻ về chiến lược phát triển bền vững của Gamuda Land tại Việt Nam

Người đứng đầu Gamuda Land (HCMC) cũng cho biết tổng công ty sẵn sàng bỏ ra nguồn lực lớn để mở rộng quỹ đất dưới các hình thức như M&A, chuyển nhượng, đấu thầu… và luôn rộng cửa chào đón các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong nước đang sở hữu các quỹ đất khủng, có nhu cầu chuyển giao.

Trong hành trình thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam, chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, am hiểu thị trường sâu sắc với những thành công vang dội trước đó làm nên sự tự tin của “ông lớn” bất động sản Malaysia. Và đằng sau những tham vọng lớn lao đó, cái đích cuối cùng Gamuda Land hướng tới là phủ xanh và nâng tầm chất lượng sống tại Việt Nam qua sự hình thành những khu đô thị sinh thái, đạt chuẩn đẳng cấp quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.