Đột nhập lãnh địa đội tuyển Iraq

30/03/2016 07:47 GMT+7

“Đất nước của chúng tôi có nhiều tiềm năng, song người dân lại rất nghèo. Những đứa trẻ thường không có gì để giải trí... chúng chỉ có một quả bóng”.

Vậy là Iraq đã thắng Việt Nam 1-0 trên sân trung lập Iran vào đêm qua, trận đấu cuối cùng để xác nhận Việt Nam chính thức dừng bước ở vòng loại World Cup 2018.

Ông Nazar Ashraf trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên hồi tháng 10.2015 - Ảnh: Lê Nam

Một chiến thắng xứng đáng với Iraq. Việt Nam không đòi nợ được đội bóng này ở trận lượt đi. Trên sân Mỹ Đình hồi tháng 10.2015, Iraq gỡ hòa 1-1 Việt Nam ở những giây bù giờ cuối cùng của trận đấu. Người hâm mộ tiếc ngẩn ngơ, bản thân chính tôi cũng đã sẵn sàng vác máy ảnh, micro ra đường quay cảnh cổ động viên ăn mừng đội nhà thắng trận và phải tiu nghỉu khi lưới Việt Nam rung lên ở phút 90+3.
Iraq được đánh giá là một trong những quốc gia rất mạnh của bóng đá châu Á. Vượt qua bom đạn, chiến tranh, xung đột lãnh thổ, bóng đá là niềm tự hào của quốc gia này. Tôi còn nhớ trong một bài phỏng vấn hồi tháng 10 năm ngoái, ông Nazar Ashraf, 62 tuổi, từng là HLV tạm quyền của đội tuyển Iraq, hãnh diện khi nói với chúng tôi: “Khói lửa chiến tranh không làm chúng tôi chùn bước”.
Đó là bài một bài phỏng vấn ngắn, được thực hiện chớp nhoáng bên hành lang của buổi ăn trưa lúc 14 giờ chiều của tuyển Iraq tại khách sạn Crowne, gần sân vận động Mỹ Đình. Trước đó, lãnh đạo của đội bóng nổi tiếng nghiêm khắc và kỷ luật này đã nói không với tất cả các cơ quan truyền thông muốn phỏng vấn riêng, “tất cả những gì muốn nói, chúng tôi đã nói trong họp báo”.
Nhưng đó là tiếng nói của mấy ông làm bóng đá Iraq, còn tiếng nói của sếp tôi thì lại khác. Ông muốn có bài chia sẻ riêng của chính HLV Iraq nói về tình yêu, sức mạnh bóng đá của đất nước này trong bom đạn. Ngoài ra, cần có ít nhất một chùm ảnh đội bóng bí ẩn vùng Vịnh này ăn trưa như thế nào nữa.
13 giờ 30: Chúng tôi vào nhà ăn của khách sạn Crowne với trang phục rất chi không liên quan đến công việc của mấy tay paparazzi, ung dung như những người đang tìm một chỗ dễ chịu để uống một tách cà phê đầu giờ chiều. “Chị muốn gọi đồ ăn hay thức uống?”, anh bồi bàn lịch sự. “Chờ em một chút nhé. Em đợi bạn nhé. Em có thể ngồi ở sofa và đợi chứ” (nhìn đồng hồ kiểu rất sốt ruột).

Bữa ăn của đội bóng bí ẩn đến từ vùng Vịnh - Ảnh: Lê Nam

13 giờ 50: Khi những chiếc áo phông xanh lá cây huyền thoại của Iraq bắt đầu di chuyển từ trên lầu xuống nhà ăn, mắt tôi đã không bỏ sót nhất cử nhất động của những ai được cho là trong ban huấn luyện. Một chiếc điện thoại bật sẵn ghi âm đã bỏ sẵn trong túi, một chiếc còn lại đã mở sẵn bài báo chúng tôi đón Iraq tại sân bay trưa hôm trước.
“Trời ơi, ông đây rồi. Tôi mừng quá. Chờ đợi bao lâu mới được gặp ông. Thế nào, ông khỏe không, ngủ ngon chứ, đồ ăn Việt Nam ngon chứ, ông có thấy thời tiết ở đây dễ chịu lắm không?”, tôi tay bắt mặt mừng với một người có lẽ là trợ lý HLV của tuyển Iraq. “Ừ thì, ừ thì….”. “À, tôi có cái này cho ông xem, ảnh đội ông ở sân bay Nội Bài hôm qua, đăng báo Việt Nam nhé”.
“Ôi, tôi này, a, này, các anh, chúng ta lên báo này” (quay lại vẫy vẫy các đồng nghiệp, cười rất vui tươi). “À, ông này, tôi yêu Iraq và rất mến mộ đội bóng của các ông? Hãy nói giúp tôi, bí quyết nào để bóng đá Iraq phát triển như thế, trong khi đất nước các ông chiến tranh liên miên?”. Và người đàn ông dễ mến ấy đã cười một nụ cười đẹp hơn cả quảng cáo kem đánh răng. “Chà. Đơn giản lắm. Thứ nhất là… thứ hai… thứ ba… thứ tư là … Thế thôi nhỉ, tôi vào ăn cơm đã nhé”. “Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều lắm. Ông ghi giúp tôi tên và chức danh của mình vào đây nhé. Chúc ông ăn ngon miệng ạ”. Và tim tôi reo hò, nhảy nhót lên khi người đàn ông đó viết, ông tên là Nazar Ashraf, 62 tuổi, HLV của Iraq.
Ông Nazar Ashraf vừa bước vào phòng ăn, chúng tôi đi theo, và ống tele máy ảnh mang theo trong một chiếc ba lô đã phát huy sức mạnh rất nhanh chỉ trong 3 phút đã chụp được rất nhiều khoảnh khắc thú vị của một bữa ăn của những cầu thủ kín tiếng nhất vùng Trung Đông.
“Ai đây, chúng tôi đã nói không chụp ảnh, không quay phim, không phỏng vấn. Xin mời ra ngoài ngay cho”, tiếng nói sang sảng của ngài trưởng đoàn Iraq khiến chúng tôi thót tim. Khoảng 5 người đàn ông trong nhóm lãnh đạo của đội bóng đang nhìn chúng tôi bằng những ánh mắt hình viên đạn. Nhân viên trực phòng ăn thì chạy mau ra, mặt biến màu: “Xin mời các em ra ngay cho”.
Dù phải ra đi nhưng ống tele đã kịp ghi lại được nhiều khoảnh khắc cả đoàn chọn thức ăn, những thức ăn riêng cho nhiều cầu thủ theo đạo Hồi nữa.
Tôi về gỡ băng, viết lại bài trả lời phỏng vấn của ông về tinh thần yêu bóng đá thấy trong mình có những cảm xúc khó tả. Chưa quên cảm giác hồi hộp vào “lãnh địa” Iraq, trong đó hơn hết là sự ngưỡng mộ với những cầu thủ vùng Vịnh này.
Mới cách đây mấy hôm thôi, trước trận đấu với Việt Nam ở sân trung lập Iran, ngay ở sân vận động Iraq đã diễn ra một vụ khủng bố đẫm máu. Chiến tranh, chết chóc, máu, nước mắt, đã trở thành những hình ảnh quen thuộc mỗi người dân, trong đó có các em bé, các bà mẹ trên đất nước này thấy khi họ bừng tỉnh giấc. Và, hãy nhìn cách họ sống và đá bóng.
“Đất nước của chúng tôi có nhiều tiềm năng, song, người dân lại rất nghèo. Những đứa trẻ thường không có gì để giải trí như nhà hát, rạp chiếu phim, bể bơi... chúng chỉ có một quả bóng và cùng nhau chơi dưới đường phố”.
“Bóng đá của Iraq rất mạnh. Mặc dù Iraq và các khu vực lân cận của Iraq đang gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn duy trì giải đấu bóng đá Iraq-League. Trận đấu gần đây nhất có đến 40.000 người theo dõi. Người dân chúng tôi rất yêu bóng đá và đây là lịch sử truyền thống lâu đời. Tôi nghĩ, đó chính là lý do lớn nhất để bóng đá đất nước tôi mạnh mẽ như ngày hôm nay”, ông Nazar Ashraf đã nói như thế.
Tình yêu sẽ luôn luôn chiến thắng, dù trong chiến tranh và tội ác. Điều đó không chỉ đúng trong bóng đá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.