Đột phá về thể chế

26/04/2011 00:47 GMT+7

Chiến lược phát triển KTXH 10 năm tới (2011 - 2020) được thông qua tại ĐH Đảng XI xác định một trong ba khâu đột phá để phát triển là thể chế. Vậy để thực hiện được khâu đột phá này cần bắt đầu từ đâu, giải pháp thế nào? Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên:

 
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên - Ảnh: Nguyệt Minh

- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả cải cách thể chế thời gian qua, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020, Đảng tiếp tục khẳng định “hoàn thiện thể chế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là một trong 3 đột phá chiến lược.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, trong giai đoạn tới, cần ban hành một luật mới về xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) từ T.Ư đến địa phương, mở rộng dân chủ, tăng cường tính minh bạch và đặc biệt là cần tiếp tục giảm bớt số loại VBQPPL theo hướng mỗi cơ quan chỉ ban hành VBQP dưới một hình thức.Đi liền với đó, phải thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng PL.

Cần ưu tiên lựa chọn các dự án luật, pháp lệnh cần thiết, thiết thực, thực sự hướng vào việc giải quyết những yêu cầu bức xúc của nhân dân, của doanh nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống xã hội để đề nghị QH đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chính phủ cũng cần tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành PL; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về thi hành PL, tăng cường kỷ luật công vụ và ý thức chấp hành PL.

 
Ảnh: Nguyệt Minh

Trong đột phá về thể chế có cải cách thủ tục hành chính (TTHC). TTHC phải được cải cách trên tinh thần tạo điều kiện cho người dân và DN làm ăn, phát triển, tạo điều kiện cho họ xây dựng đất nước. Cải cách TTHC thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ cả khâu dự thảo văn bản, cả khâu sửa đổi văn bản cũ một cách phù hợp, rồi áp dụng thực thi và đặc biệt là lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, DN để chúng ta hoàn thiện thể chế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc

 Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách thu hút và huy động tối đa sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn... vào hoạt động xây dựng PL.

Vậy nên đặt thứ tự ưu tiên trong thực thi cải cách về thể chế để tạo đột phá trong lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

- Muốn đạt được hiệu quả cao thì ngay từ đầu phải xác định rõ thứ tự ưu tiên của việc xây dựng, ban hành VBQPPL.

Theo đó, chỉ ban hành VBQPPL khi văn bản giải quyết được vấn đề bức xúc trong xã hội,  nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đạt được mục tiêu đặt ra với chi phí thấp nhất. Đây là kết quả của hoạt động phân tích chính sách - một hoạt động rất đặc thù mà hiện nay cán bộ của chúng ta đang yếu, cần chú trọng đầu tư nâng cao năng lực này.

Phải bằng con đường dân chủ, sự phản hồi từ thực tế cuộc sống mà phát hiện, nắm bắt được nhu cầu của xã hội về điều chỉnh PL. Từ đó, qua phân tích, đánh giá, tổng kết thực tiễn sâu sắc mới có thể khẳng định là có cần ban hành VBQPPL hay không, ban hành loại văn bản nào, chính sách nào thì giải quyết được vấn đề đặt ra...

Ở giai đoạn này, cần phải nghiêm túc thực hiện việc đánh giá tác động để thấy rõ lợi ích mang lại, những tác động tiêu cực nảy sinh để có giải pháp hòa giải. Đánh giá tác động không những có cơ sở để đưa ra quyết sách đúng mà còn góp phần rất quan trọng vào việc chống lạm phát về PL.

Để tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của các bộ, ngành trong thực thi nhiệm vụ cải cách thể chế, theo ông có cần chế tài ràng buộc trách nhiệm?

- Thực tế cho thấy, ở bộ, ngành, địa phương nào nơi thủ trưởng quan tâm đầu tư thích đáng vào hoạt động xây dựng thể chế thì công tác xây dựng văn bản ở bộ, ngành đó đạt hiệu quả cao, nhiều văn bản tốt được ban hành.

Đây chính là điều kiện tiên quyết góp phần bảo đảm và tăng cường hiệu quả quản lý của bộ, ngành, địa phương. Như vậy về thực chất, xây dựng thể chế đã là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của người đứng đầu các cơ quan.

 Bảo Cầm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.