“Chúng ta là quân đoàn. Chúng ta không quên. Chúng ta không tha thứ”. Từng ngang nhiên thách thức chính quyền bằng những cuộc tấn công ngoạn mục vào hệ thống bảo mật từ FBI đến Bộ Tư pháp Mỹ, “quân đoàn” hacker Anonymous chưa bao giờ ở trong tình trạng hoang mang như hiện nay.
Trước tin về sự phản bội của “Sabu” Monsegu - thành viên được xem là chủ chốt nhất của Anonymous nhưng lại hợp tác với FBI trong vòng 6 tháng trời để tìm cách vạch mặt Anonymous, tổ chức này hiện đang trải qua một đợt bấn loạn và hoang mang chưa từng thấy.
Mới đây, thành viên chủ chốt cuối cùng xuất thân từ nhóm tin tặc một thời nổi tiếng LulzSec, “Avunit”, tuyên bố rời khỏi Anonymous do quá sốc trước sự phản bội của Sabu, người được xem như là người thầy và lãnh đạo tinh thần của tổ chức này. “Avunit” cho biết người này đã xóa bỏ toàn bộ dữ liệu liên quan đến quá khứ tham gia các cuộc hacking của mình, lo sợ các dữ liệu này sẽ trở thành bằng chứng chống lại mình nếu người này bị bắt giữ.
“Avunit” từng là thành viên của nhóm hacker LulzSec nổi tiếng với những vụ đột nhập đánh cắp dữ liệu từ Công ty Sony cho đến CIA. Sau vụ bắt giữ vài thành viên của nhóm này, nhóm giải tán nhưng một số thành viên vẫn còn hoạt động dưới tên mới là “AntiSec”. Trong vụ bắt giữ này có nghi ngờ Sabu là kẻ chỉ điểm.
Tuy nhiên, Anonymous không phải là một tổ chức cụ thể mà hoạt động theo cách loan truyền công cụ hack cho mọi người tham gia và nhanh chóng biến các cuộc tấn công DDOS của mình thành một phong trào trên mạng internet. Điều đáng nói là không một thành viên nào lại ngờ đến việc Sabu đã hợp tác với FBI, đôi khi thậm chí còn làm việc ngay tại văn phòng của FBI, tham gia cả các cuộc tấn công gần đây vào chính trang web của FBI và Công ty Truyền thông Stratfor.
“Avunit” rất ngạc nhiên vì sự hợp tác của Sabu với FBI, dù thông cảm rằng Sabu có thể vì con cái của mình mà làm như vậy. “Avunit” không biết liệu Sabu có moi móc được thông tin danh tính của mình hay không và thú nhận rất lo lắng cho số phận của mình.
Trong khi đó, trên kênh IRC của Anonymous, các thành viên không quá hoang mang như vụ bắt bớ lớn hồi tháng 2 vừa rồi. Họ tìm cách trấn an lẫn nhau và nhắc nhở giữ bí mật danh tánh. Họ cho rằng Anonymous quá lớn và tội trạng của từng cá nhân quá nhỏ để có thể bị truy tố. Một thành viên cho rằng các thành viên của LulzSec bị bắt vì tội hack của riêng nhóm này chứ không phải vì tham gia sử dụng các công cụ hack DDOS của Anonymous.
Nhiều thành viên còn tuyên bố không dính líu, thậm chí không tán thành vụ hack Stratfor, vì họ không bao giờ tấn công các cơ quan truyền thông đưa tin không xuyên tạc. Kênh IRC #anonops thậm chí còn đưa Sabu vào danh sách các từ cấm không được phép nhắc đến ngay sau khi tin thành viên này phản bội được tiết lộ.
Có vẻ như với cách hoạt động theo kiểu “rắn không đầu” và hoàn toàn ẩn danh, Anonymous không dễ gì bị suy suyển khi một vài thành viên của mình bị bại lộ. Tổ chức này ngày càng trở nên nổi tiếng trên mạng internet như một phong trào chống đối chính phủ và các cơ quan hành pháp, mặc dù hầu hết các hành động tấn công vào các trang web của các cơ quan này đều không gây hậu quả nghiêm trọng.
Về phần “Avunit”, đang tìm cách xác định mình sẽ phải làm gì tiếp theo. Những dòng cuối cùng của hacker này trên kênh IRC của Anonymous là “I’m done, bro” (Tớ xong rồi, các anh em) và “Adios anonops <3” (Tạm biệt anonops).
Anonymous tung ra mã nguồn của Norton Antivirus 2006 Sau nhiều lần đe dọa, “tập đoàn” hacker Anonymous đã tung ra một bản mã nguồn mà nhóm này cho là của Norton Antivirus phiên bản 2006 cũa hãng bảo mật Symantec. Bản mã nguồn này bao gồm tất cả các mã lập trình bên dưới, cho phép người đọc biết được cách hoạt động của phần mềm này. Được biết, bản mã nguồn này bị đánh cắp trong một vụ đột nhập hồi năm 2006. Tháng 2 vừa rồi, một nhóm hacker với tên gọi “YamaTough” cũng đã tìm cách tống tiền hãng Symantec và sau đó tung ra mã nguồn của pcAnywhere ít lâu sau đó trên trang web The Piratebay. Hôm 10-3, nhóm AntiSec, một nhánh hacker thuộc Anonymous, đã tung ra mã nguồn của phần mềm chống virus Symantec Norton Antivirus lên The Piratebay. Hiện hãng Symantec đang điều tra để chứng thực bản mã này có đúng là của Norton Antivirus 2006 không. Hãng này cũng đã từng trả lời báo Inquirer rằng họ đã dự đoán bản mã nguồn này không sớm thì muộn cũng sẽ bị tung ra. Nhưng Symantec trấn an rằng bản mã nguồn này chỉ chứa mã cũ và sẽ không tăng nguy cơ bảo mật của khách hàng sử dụng các phiên bản hiện nay. Mặc dù thị phần bị thuyên giảm gần đây, nhưng Symantec đã và đang là một trong những công ty cung cấp các giải pháp bảo mật lớn nhất, đặc biệt là đến với thị trường các doanh nghiệp và công ty lớn. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)