Các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) kể trên gồm: Dự án tôn tạo khu di tích Đền Đô và sông Tiêu Tương (tổng mức đầu tư 667 tỉ đồng); Dự án BT công trình giáo dục, văn hoá và đường giao thông liên xã Yên Trung (142 tỉ đồng); Dự án BT tuyến đường liên xã Dũng Liệt - Tam Đa - Đông Phong (429 tỉ đồng).
Chỉ định nhà đầu tư dự án BT
Dự án BT tôn tạo khu di tích Đền Đô và sông Tiêu Tương (Đền Đô - Tiêu Tương) được UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ định và giao cho nhà đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Hải Phát Thủ Đô (Hải Phát Thủ Đô) - Công ty cổ phần bất động sản Hải Phát (Bất động sản Hải Phát) - Công ty cổ phần đầu tư ADEL (ADEL).
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước khi về tay liên danh Hải Phát Thủ Đô - Bất động sản Hải Phát - ADEL, dự án này đã được phê duyệt vào năm 2010. Nhà đầu tư là ADEL - Công ty cổ phần Sông Đà 2 - Công ty cổ phần xây dựng Trung Việt. Đơn vị đại diện là ADEL.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh, quyền lợi nhà đầu tư nhận lại là được khai thác quỹ đất 54,3 ha tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Đây là vị trí giáp ranh với Hà Nội, có thị trường bất động sản khá sôi động, khi được giao cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể mang lại nguồn lợi không nhỏ.
Đáng chú ý, khi về tay liên danh mới, tổng giá trị đầu tư dự án Đền Đô - Tiêu Tương tăng thêm khoảng 33 tỉ đồng, từ hơn 634,6 tỉ đồng lên 667,3 tỉ đồng trong khi quy mô, nội dung dự án giảm nhiều. So với dự án từng được giao cho liên danh cũ, các chi phí đều tăng dù nội dung dự án không thay đổi nhiều. Chẳng hạn, chi phí quản lý dự án tăng từ hơn 3,3 tỉ đồng lên hơn 5,7 tỉ đồng, chi phí tư vấn tăng từ hơn 10,6 tỉ đồng lên gần 18 tỉ đồng.
Đặc biệt, mục “chi phí khác” bất ngờ tăng mạnh, từ hơn 1,8 tỉ đồng lên trên 17,8 tỉ đồng nhưng không được thuyết minh rõ ràng là chi phí gì... Riêng chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí dự phòng - thường là hai loại chi phí cao lại giảm, lần lượt từ 200 tỉ đồng về hơn 172,3 tỉ đồng và từ 130,9 tỉ đồng về hơn 37,1 tỉ đồng.
Đáng nói là các hạng mục của dự án này đã được giảm khá nhiều so với dự án của liên danh cũ. Cụ thể, hệ thống cầu qua sông từ 5 xuống còn 4, trạm biến áp từ 7 giảm còn 3. Diện tích phải san nền, chiều dài các đường ống nước mưa, nước thải cũng giảm mạnh với phần xây mới chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/10 số cũ...
Cơ quan trình ký: "Chỉ kiểm soát về mặt chính tả"!
Trong cùng ngày 13.6, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phê duyệt Dự án xây dựng tuyến đường liên xã Dũng Liệt - Tam Đa - Đông Phong thuộc huyện Yên Phong, do Công ty Xây dựng Minh Đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tổng chiều dài tuyến đường là 10,8 km thảm nhựa, rộng 14,5 m. Trên tuyến đường có xây dựng 3 cầu kết cấu đơn giản với tổng chiều dài 66 m, rộng 14,5 m và hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 429 tỉ đồng, trong khi nhà đầu tư nhận được là 36,35 ha đất tại 4 nơi khác nhau là thị trấn Chờ (3,7 ha), xã Thụy Hòa (14 ha), xã Long Châu (4 ha), xã Yên Trung (14,65 ha).
Ngày 13.6, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng công trình giáo dục, văn hóa và đường giao thông xã Yên Trung, huyện Yên Phong với các hạng mục không quá phức tạp: Trường tiểu học số 1 có 26 phòng học, nhà hiệu bộ, nhà đa năng, sân vườn... (không nêu rõ diện tích); Trường tiểu học số 2 chỉ xây mới nhà hiệu bộ, 3 phòng học chức năng, nhà đa năng, sân vườn... (không nêu rõ diện tích); xây mới 1 nhà văn hóa thôn; đường giao thông thôn Thân Thượng với chiều dài 3,1 km, rộng 3 - 6 m; nâng cấp mặt đường từ mặt bê tông thành đường nhựa chiều dài 350 m và hệ thống chiếu sáng đường trục xã Yên Trung dài khoảng 2,8 km. Tổng vốn đầu tư của dự án này là trên 142 tỉ đồng và nhà đầu tư được hưởng quỹ đất là 9,57 ha tại xã Yên Trung.
Tại các văn bản phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Ninh, tổng mức đầu tư của mỗi dự án được hạch toán đầy đủ nhưng lại không thể hiện con số cụ thể đối với mỗi hạng mục mà chỉ nêu chung chung. Do đó, thiếu căn cứ cụ thể để đối chiếu, theo dõi thực hiện các hạng mục được phê duyệt trong dự án BT.
Bên cạnh đó, văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh liên quan đến quỹ đất giao cho các nhà đầu tư dự án BT cũng không thể hiện việc quỹ đất có được đưa ra bán đấu giá hay không. Giá trị thực của các mảnh đất vì thế không được xác định, càng khó để quy chiếu với mức đầu tư mà các chủ đầu tư chi cho dự án.
Thanh Niên đã liên hệ với ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, thì được giới thiệu gặp ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó chủ tịch UBND tỉnh, là người trực tiếp ký các quyết định phê duyệt 3 dự án BT nêu trên. Tuy nhiên, với lý do bận đi công tác, ông Nhường chỉ đạo cấp dưới là ông Diêm Văn Tân, Phó trưởng phòng Công nghiệp và Xây dựng cơ bản thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh, làm việc với phóng viên Báo Thanh Niên.
Ông Tân cho biết, cơ quan mình phụ trách là đơn vị trực tiếp trình ký 3 quyết định phê duyệt dự án BT kể trên. Tuy nhiên, đơn vị trình ký nên hầu như "chỉ kiểm soát về mặt chính tả, còn về chuyên môn, đã có các sở, ngành chịu trách nhiệm".
Ông Tân cũng cho biết, với dự án BT Đền Đô - Tiêu Tương ở huyện Từ Sơn và dự án xây dựng tuyến đường Dũng Liệt - Tam Đa - Đông Phong, các báo cáo thẩm định được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh hoàn thiện trước khi ký 1 ngày. Còn dự án xây dựng công trình giáo dục, văn hóa và đường giao thông xã Yên Trung, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng mới hoàn thành báo cáo thẩm định 5 ngày trước khi được ký phê duyệt.
Khi được hỏi về quy trình phê duyệt dự án BT có tổng giá trị cả ngàn tỉ đồng “thần tốc” như vậy, ông Tân nói: "Thế là bình thường".
Bắc Ninh tích cực đổi đất lấy hạ tầng?
Ngày 8.12.2016, Nghị quyết 30 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh được ban hành, trong đó danh mục 77 dự án BT được xác định, tổng mức đầu tư khoảng hơn 32.400 tỉ đồng, quỹ đất đối ứng dự kiến hơn 2.646 ha. Đến ngày 8.12.2017, danh mục dự án BT của tỉnh Bắc Ninh đã lên đến 120 dự án, tổng mức đầu tư trên 42.700 tỉ đồng, quỹ đất thanh toán dự kiến khoảng gần 2.600 ha. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, số dự án BT đã tăng thêm 43 dự án so với nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
|
Bình luận (0)