Dự án KND cao cấp Vĩnh Hy đã tham vấn ý kiến Ủy ban UNESCO Việt Nam

29/09/2023 15:30 GMT+7

Trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham vấn ý kiến của Ủy ban UNESCO Việt Nam và UBQG con người và sinh quyển VN.

Việc này nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với các điều khoản cam kết quốc tế khi được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và đúng quy định pháp luật hiện hành.

Dự án KND cao cấp Vĩnh Hy đã tham vấn ý kiến Ủy ban UNESCO Việt Nam - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu, đặc điểm tự nhiên tại khu vực khai thác thuộc nhóm "rừng gỗ tự nhiên núi đá nghèo kiệt"

Ảnh: Thành Nguyễn

Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản số 3542/SNNPTNT-KHKH thông tin liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy. Theo đó, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận địa điểm đầu tư tại văn bản số 1166/UBND-TH ngày 23.3.2015, chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 22.10.2015 và phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 8.1.2022.

Tổng diện tích thực hiện dự án tại xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải là 64,65 ha. Khu vực giữ nguyên trạng, không tác động môi trường rừng là 51,75 ha. Diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án là 12,90 ha, bao gồm 11,58 ha đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và 1,32 ha đất không có rừng.

Trong đó, khu vực thực hiện dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có vị trí tại khoảnh 2, 3, 5 tiểu khu 150, thuộc phân khu dịch vụ hành chính do Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý. Hiện trạng 11,58 ha đất rừng đó gồm 10,60 ha rừng gỗ tự nhiên núi đá nghèo kiệt và 0,98 ha đất rừng trồng cây điều.

"Toàn bộ diện tích 11,58 ha (rừng tự nhiên 10,60 ha, rừng trồng 0,98 ha) thuộc quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025 tại Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 12.5.2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh", trích mục II Công văn số 3542 nói trên.

Dự án này là một bộ phận không thể tách rời của Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045 tại Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 23.2.2022); với mục tiêu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu đạt tiêu chuẩn quốc tế 5-6 sao, cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, kết hợp hài hòa giữa khai thác du lịch và bảo vệ môi trường tự nhiên theo xu hướng du lịch nghỉ dưỡng của thế giới hiện nay.

Việc triển khai thực hiện dự án sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch tỉnh Ninh Thuận, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực; góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh Ninh Thuận, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu.

Ngoài ra, dự án triển khai sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho địa phương; góp phần nâng cao vai trò, phát huy giá trị tài nguyên rừng và biển của Vườn quốc gia Núi Chúa.

Dự án đã được ngành NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia của Bộ NN-PTNT cập nhật vào dự thảo quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham vấn ý kiến của Ủy ban UNESCO Việt Nam và UBQG con người và sinh quyển Việt Nam nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với các điều khoản cam kết quốc tế khi được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và đúng quy định pháp luật hiện hành.

Theo quy định của luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ thì dự án thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án KND cao cấp Vĩnh Hy đã tham vấn ý kiến Ủy ban UNESCO Việt Nam - Ảnh 2.

Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (Công ty Syrena Việt Nam) - đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, đầu tháng 11.2023, đơn vị sẽ phối hợp với UBND xã Vĩnh Hải tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra.

Sau đó, Công ty Syrena Việt Nam sẽ có văn bản gửi trực tiếp đến UBND xã Vĩnh Hải, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Hải, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa để tham vấn theo quy định.

Trên cơ sở kết quả tham vấn, Công ty Syrena Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các đối tượng được tham vấn, tiếp thu, giải trình kết quả tham vấn và hoàn thiện Báo cáo ĐTM dự án để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, chủ dự án đầu tư cùng với các đơn vị tư vấn chuyên ngành đã khảo sát địa hình, khí hậu, đánh giá hiện trạng, trữ lượng rừng…, tính toán, kiểm tra, đối chiếu với các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng.

Các công trình xây dựng dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, chiều cao tối đa của công trình không quá 12 m với mật độ xây dựng thấp. Hạn chế chặt phá cây rừng và giảm đến mức tối thiểu tác động tới hệ thực vật sẵn có.

Công ty Syrena Việt Nam cam kết thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo đúng quy định pháp luật với diện tích 31,8 ha (tương đương gấp 3 lần diện tích rừng mà công ty xin chuyển đổi mục đích sử dụng) bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Kỳ vọng, khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch dịch vụ địa phương, tạo nguồn thu lớn và nhiều cơ hội việc làm cũng như thu nhập cho người lao động. Đồng thời góp phần đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.