Theo Bộ Y tế, đối tượng đóng BHYT đã được mở rộng nhưng mức độ bao phủ chưa cao, đối tượng tham gia chủ yếu là diện bắt buộc. Trong các doanh nghiệp tư nhân, xảy ra phổ biến việc trốn đóng BHYT cho người lao động. Hiện trong khối doanh nghiệp, chỉ có 50% đối tượng trong diện bắt buộc có đóng BHYT.
Dự thảo Luật BHYT quy định các đối tượng phải đóng BHYT bắt buộc, bao gồm trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện cận nghèo, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn của lực lượng công an nhân dân, người đang hưởng lương hưu, người có công với cách mạng, cựu chiến binh... tổng cộng khoảng 25 nhóm. Lộ trình thực hiện quy định học sinh - sinh viên đóng BHXH bắt buộc từ năm 2010, thân nhân thuộc hộ gia đình của cán bộ, công chức... là từ năm 2012. Năm 2014, đến lượt nông dân, ngư dân, xã viên, hộ kinh doanh cá thể... Phân tích những bất cập của BHYT liên quan đến dự thảo luật này, ĐB Võ Đình Tuyến (Bình Phước) góp ý: "Quy định "người tham gia BHYT được chọn một cơ sở khám chữa bệnh" là không hợp lý". Ông Tuyến hỏi: "Làm sao người ta có thể biết mình sẽ ốm đau vào lúc nào, khi đang ở đâu mà có thể chọn trước nơi khám và chữa bệnh?". ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) nêu bức xúc của người tham gia BHYT trước nhiều thủ tục phức tạp khi khám chữa bệnh và thanh quyết toán bằng thẻ BHYT. Ông Bản đề nghị các giấy tờ này nên rút gọn, "có thể chỉ làm như một cuốn y bạ là đủ". ĐB Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) cũng nhấn mạnh mâu thuẫn trong BHYT thời gian qua: "Cơ quan BHYT kêu trời vì thủng quỹ, trong khi người bệnh than thở về chất lượng khám chữa bệnh, còn y bác sĩ phàn nàn vì điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ quá thấp". Nói về tính công bằng khi sử dụng dịch vụ y tế, ông Sơn so sánh về sự khác nhau "một trời một vực" giữa các cơ sở khám chữa bệnh cấp cơ sở ở vùng sâu, vùng xa so với các nơi khác. Xung quanh vấn đề tự nguyện hay bắt buộc, ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đề nghị BHYT nên có nhiều gói từ cơ bản đến nâng cao để phù hợp với nhiều nhóm đối tượng có nhu cầu khác nhau về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) cho rằng, BHYT bắt buộc "cũng nên là đích đến" để thực hiện chính sách BHYT toàn dân đã được thể hiện trong Hiến pháp. Với các đối tượng khó khăn, bà Phi đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ khi tham gia BHYT. ĐB Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) đề nghị rút ngắn tiến độ triển khai BHYT bắt buộc. Theo bà, đối với học sinh - sinh viên, nên áp dụng BHYT bắt buộc ngay khi Luật BHYT được phê chuẩn chứ không đợi đến năm 2010, còn mốc 2014 cho các đối tượng đã nói ở trên, bà Vân đề nghị làm sớm lên 2 năm, tức năm 2012. L.Q.P
Dự án Luật Bảo hiểm y tế: Từ năm 2010, học sinh - sinh viên sẽ đóng BHYT bắt buộc
26/05/2008 23:53 GMT+7
Bình luận (0)