Một dự án cấp nước tưới cà phê ở Đắk Lắk có vốn đầu tư 73 tỉ đồng kết thúc hơn 1 năm qua, nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động vì liên tục bị vỡ đường ống. Chủ đầu tư và đơn vị thi công tranh cãi về nguyên nhân, trong khi dân chịu khổ.
Công trình “tai tiếng”
Theo hồ sơ, năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tiểu dự án cấp nước tưới cho gần 400 ha cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, H.Cư M’gar nằm trong dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây nguyên - tỉnh Đắk Lắk” (sau đây gọi là dự án). Dự án có tổng mức đầu tư gần 66 tỉ đồng, do Sở NN-PTNT Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Dự án cấp nước từ hồ Buôn Yông về thôn Tiến Cường đến nay vẫn chưa thể hoạt động |
Hoàng Bình |
Năm 2020, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 73 tỉ đồng; trong đó có 53,4 tỉ đồng sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), phần còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Đắk Lắk. Đơn vị thi công dự án gồm liên danh 3 nhà thầu ở Hà Nội, Thanh Hóa và Đắk Lắk. Trong đó, hạng mục đường ống dẫn nước do Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên Đắk Lắk (Công ty Kỳ Nguyên) thực hiện với chiều dài khoảng 4.500 m ống (loại ống nhựa uPVC).
Khởi công từ cuối năm 2019, đến tháng 7.2020 thì dự án cơ bản hoàn thành, được nghiệm thu có điều kiện để bắt đầu giai đoạn chạy thử. Tuy nhiên, trong quá trình mở nước từ hồ Buôn Yông về trạm bơm thì liên tục xảy ra tình trạng vỡ ống nước, khớp nối bị rò rỉ tại 13 vị trí. Sau mỗi lần phát hiện ống vỡ, rò rỉ, các bên liên quan đều cho đào lên để thay ống mới. Mãi đến tháng 11.2020 mới mở nước về đến trạm bơm. Thế nhưng, sau 1 ngày mở nước về trạm bơm lại xảy ra sự cố vỡ ống. Sau đó, việc sửa chữa, khắc phục phải tạm thời dừng lại để tìm nguyên nhân hư hỏng.
Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho rằng việc dự án chưa đi vào hoạt động khiến người dân ở vùng thụ hưởng vẫn phải tự tìm nước tưới cho cây trồng. Với những khuyết điểm ở dự án trên, từ chủ đầu tư đến các nhà thầu đều phải chịu trách nhiệm. Ông Côn cho hay đến nay chưa tìm ra nguyên nhân chính thức dẫn đến khuyết điểm tại dự án. Phía Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã mời đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đánh giá lại toàn bộ dự án nhằm tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng vỡ ống nước.
Tranh cãi về nguyên nhân
Theo ông Côn, hiện phía Công ty Kỳ Nguyên cho rằng hồ sơ thiết kế dự án không đảm bảo, nhưng công ty này không đủ thẩm quyền để đánh giá, bác bỏ hồ sơ thiết kế. “Hồ sơ thiết kế đã được nhiều đơn vị kiểm tra, đánh giá, thẩm định theo đúng quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến của phía công ty và cho đánh giá lại. Khi nào có cơ quan đủ thẩm quyền bác hồ sơ thiết kế thì mới thuyết phục và tính đến chuyện thay đường ống”, ông Côn thông tin.
Cơ quan liên quan nhiều lần kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố vỡ đường ống |
Cũng theo ông Côn, dù chưa rõ nguyên nhân khiến đường ống của dự án vỡ, nhưng Sở NN-PTNT đủ căn cứ để khẳng định Công ty Kỳ Nguyên không thực hiện đúng thiết kế. Trong đó, các co, cút chuyển hướng không đúng, van xả khí có một số chỗ đặt sai vị trí. Đặc biệt, toàn tuyến có 107 mố neo nhưng Công ty Kỳ Nguyên mới thi công 47 mố, nhiều mố thiếu kích thước, chất lượng bê tông không đạt…
Liên quan dự án, Sở NN-PTNT Đắk Lắk có báo cáo đánh giá do áp lực lớn về tiến độ, một số đoạn ống phải thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi, địa hình khó khăn. Sau khi trao thầu, công trình chỉ còn 7 tháng để thi công nên các nhà thầu phải cố gắng hoàn thành xây lắp, lắp đặt thiết bị để nghiệm thu khối lượng, giải ngân, giữ vốn trước khi đóng khoản vay dự án… dẫn đến thiếu sót, khiếm khuyết.
Theo bà Lưu Thị Ngụ, Phó giám đốc Công ty Kỳ Nguyên, nguyên nhân dẫn đến sự cố tại dự án là do hồ sơ thiết kế chưa phù hợp. Trong đó, căn cơ nhất vẫn là việc chọn vật liệu đầu vào. “Bản chất của vấn đề là lỗi đường ống. Hệ thống ống đi qua 4 con suối, 1 cái ao và nhiều dốc nhưng lại chọn ống uPVC có tính chất giòn. Lẽ ra những đoạn qua suối phải dùng ống thép, trên khô thì có thể dùng ống nhựa dẻo”, bà Ngụ lý giải.
Về việc chưa thi công đủ số lượng mố neo, bà Ngụ cho rằng toàn bộ mố neo tại dự án có thiết kế cố định toàn bộ bằng bê tông trùm lên ống, không phải thiết kế cùm (có thể tháo mở) phía trên. Khi xảy ra sự cố vỡ đường ống thì phải đập phần mố neo đi, bỏ cả 2 đầu ống. Do đó, công ty tạm ngưng thi công phần mố neo khi xảy ra sự cố vỡ ống. Bà Ngụ cho rằng: “Việc chưa thi công mố neo cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến vỡ ống. Từ đầu khi xảy ra sự cố, tôi đã ý kiến về việc thay ống mới khắc phục được. Tuy nhiên, thay ống là cả vấn đề, kinh phí lớn. Giờ phải chờ các đơn vị liên quan kết luận, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể để các bên khắc phục sự cố”.
Theo tìm hiểu, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đang vào cuộc, làm rõ khuyết điểm, trách nhiệm của các bên liên quan tại dự án trên.
Bao giờ đạt mục tiêu cấp nước tưới ?
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến, H.Cư M’gar, cho biết nhiều năm nay bà con thôn Tiến Cường phải chủ động tìm nguồn nước tưới cho cà phê như khoan giếng, lấy từ suối khá tốn kém. Nếu dự án cấp nước này đi vào hoạt động, người trồng cà phê vùng thụ hưởng sẽ giải quyết được nguồn nước tưới, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm được thời gian và chắc chắn sẽ nâng cao năng suất cây trồng. “Hiện bà con vẫn phải tự tìm nước tưới cho cây trồng. Chính quyền địa phương cũng như người dân rất trông chờ nguồn nước từ dự án này. Thế nhưng, tiếc là đến nay dự án vẫn chưa hoạt động được vì gặp sự cố”, ông Kiên nói.
Bình luận (0)