Dự án sân bay quốc tế Long Thành: Đề xuất tổ chức hội thảo phản biện

21/08/2013 21:25 GMT+7

(TNO) Sáng nay 21.8, một số giáo sư, tiến sĩ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh... đã đến nhà ông Lê Trọng Sành (Q.Tân Bình, TP.HCM) trao đổi, đưa ra ý kiến ủng hộ đề xuất không nên xây dựng sân bay quốc tế tại Long Thành của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn.

(TNO) Sáng nay 21.8, một số giáo sư, tiến sĩ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh... đã đến nhà ông Lê Trọng Sành (Q.Tân Bình, TP.HCM) trao đổi, đưa ra ủng hộ đề xuất không nên xây dựng sân bay quốc tế tại Long Thành của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn.

Ủng hộ đề xuất không nên xây dựng sân bay quốc tế tại Long Thành 1
 Một số giáo sư, tiến sĩ, cán bộ hưu trí... ủng hộ đề xuất không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn

Hai ông đều là cựu cán bộ ngành hàng không, trong đó ông Lê Trọng Sành nguyên là Trưởng phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất và ông Mai Trọng Tuấn là cựu phi công Đoàn 919.

Trước đó, 2 ông đã có thư gửi đến các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, kiến nghị không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Các vị giáo sư, tiến sĩ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh... trong buổi gặp gỡ sáng nay đều thống nhất cần đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho tổ chức một cuộc hội thảo tại TP.HCM để lắng nghe ý kiến về việc nên hay không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các cán bộ ngành hàng không, cán bộ hưu trí và nhân dân.

 

Chúng ta nên liệu cơm gắp mắm. Nên rút ra bài học thực tế từ chuyện thua lỗ của Vinashin, Vinaline, từ chuyện Quốc hội đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc, từ chuyện nhiều khu công nghiệp mới sử dụng 20%, 80% bỏ hoang...

TSKH Nguyễn Đăng Diệp, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Nông nghiệp

Ông Sành nói: “Tháng 10 tới, Quốc hội họp có thể xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế lớn, cần xem xét tổng số vốn đầu tư cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là bao nhiêu tỉ USD, bao giờ trả hết nợ, vì có một số người không tin vào hiệu quả của dự án này”.

Dù tuổi đã ngoài 80, nhưng ông Lê Trọng Sành vẫn còn rất minh mẫn, nhớ rõ từng con số có liên quan đến lĩnh vực hàng không mà ông đã gắn bó từ thủa còn thanh xuân. Trong câu chuyện, ông luôn nhắc đến thương hiệu “Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất” đã được xây dựng hơn nửa thế kỷ qua (năm 1933 đã có máy bay DC3 cất cánh từ đây bay đi Paris, Pháp).

Ông cho biết, Tân Sơn Nhất trong một ngày đêm có thể phục vụ 600 chuyến bay, cứ 2 phút có thể có một chuyến hạ cánh. Nếu khai thác đạt hiệu quả cao nhất, Tân Sơn Nhất có thể đạt 35 triệu khách/năm, không như tính toán của Bộ GTVT chỉ có 25 triệu.

Bộ GTVT cho rằng nếu cần phục vụ 40 triệu khách/năm phải làm thêm một đường băng, đất cần 330 ha, chi phí 13 tỉ USD.

Theo ông Sành, muốn xây dựng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 35 triệu khách/năm, chỉ cần xây dựng thêm nhà ga quốc tế và làm thêm sân đỗ máy bay, không cần chi nhiều tỉ USD như Bộ GTVT công bố. Bởi nếu ta chi hơn 1 tỉ USD xây dựng Cảng hàng không quốc tế Biên Hòa như Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã làm, thì nơi đây có thể phục vụ 25 triệu khách/năm.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng sân bay quốc tế Long Thành chưa nên đầu tư bây giờ, vì nhu cầu chưa có mà quy mô thì lớn quá, chờ đến khoảng năm 2040 - 2050 may ra đầu tư mới hợp lý.

Ủng hộ đề xuất không nên xây dựng sân bay quốc tế tại Long Thành 2
Ông Lê Trọng Sành thuyết trình lại các lý do để khẳng định đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành là không cần thiết

Ba lý do để nói "không" với sân bay quốc tế Long Thành

Tiếp xúc với Thanh Niên Online, ông Lê Trọng Sành một lần nữa lại nhắc đến ba lý do chính mà ông và ông Mai Trọng Tuấn diễn giải cho lập luận của mình:

Một là, dân ta còn nghèo mà đầu tư một khoản tiền lớn (như dự toán, tức là khoảng 7,8 tỉ USD, bao gồm cả chi phí thu hồi đất - PV) và chắc chắn sẽ còn phát sinh.

Hai là, nếu cố gắng dồn sức xây dựng cho bằng được, sẽ đánh mất một “hội điểm vàng” cả về “thiên thời, địa lợi, một thương hiệu quý có giá trị lịch sử” không chỉ của nước ta, mà còn đối với khu vực và thế giới, đó là sân bay Tân Sơn Nhất (TSN).

Vừa qua sân bay TSN đã được đầu tư mở rộng và nâng cấp, năng lực đã được cải thiện nhiều. Nếu có nhu cầu lớn hơn, chúng ta chỉ cần mở rộng về phía bắc (nơi đang làm sân gofl Gò Vấp) để đảm nhiệm chức năng quốc tế, phía nam dành cho nội địa.

Như vậy, sân bay TSN diện tích sẽ gấp đôi sân bay Changi của Singapore (một sân bay lớn của khu vực châu Á). Và nếu như nhu cầu “bùng nổ” - khi Việt Nam trở thành con rồng ở châu Á, sẽ dùng sân bay Biên Hòa, một sân bay quân sự cấp I, kề sát TP.HCM, đã có sẵn 2 xa lộ cộng lại có tới 10 làn xe, các cầu qua sông đều là cầu đôi lớn.

TP.HCM đang triển khai xây dựng đường xe điện ngầm đến Suối Tiên (gần giáp với Biên Hòa), khi đó hai thành phố, hai sân bay kề cận nhau có “tam lộ đồng trục đông tây”, chắc chắn sẽ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và “thế sẽ lớn, lực sẽ mạnh” để “mở mày mở mặt với thiên hạ”, hơn là làm một sân bay quốc tế tại Long Thành, chơi vơi giáp với Bà Rịa.

TP.HCM 20 năm nay đã và đang mở rộng, dịch chuyển về phía nam và phía đông, mặc nhiên TSN sẽ ở bìa ngoài phía bắc của thành phố. Vì vậy, mở rộng sân bay này không làm ảnh hưởng đến khu vực trung tâm thành phố. Và như thế, càng nâng tầm vóc của thành phố, không phải chỉ về kích cỡ như một bài toán cộng, mà là giá trị, vị trí, vai trò của nó sẽ là một cấp số nhân.

Nếu cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là để làm chức năng quốc tế, còn TSN phục vụ cho nhu cầu quốc nội, nghĩ như vậy là phạm phải hai sai lầm: gây trở ngại và bất tiện cho hành khách và hàng hóa quá cảnh; đưa TP.HCM chuyển sự phát triển theo “hướng thiểu năng”.

Ba là, trường hợp cần có sân bay Biên Hòa làm căn cứ bảo vệ vùng trời, vùng biển phía dưới vĩ tuyến 12 của Tổ quốc, chúng ta chỉ cần xây dựng tại Long Thành một sân bay quân sự cấp I để đồn trú cho một sư đoàn không quân tiêm kích, một trung đoàn không quân vận tải, một trung đoàn trực thăng, là quá đủ. Như vậy, đầu tư ít, thi công nhanh, thực hiện một sự hoán đổi lợi cả đôi đường: kinh tế, quốc phòng....

Bài, ảnh: Mai Vọng

>> Một sân bay quốc tế ở Kenya đóng cửa do cháy lớn
>> Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có nguy cơ... ngập
>> Cháy nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài
>> Lỗi chính tả tiếng Anh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.