Du kích xưa, 'bà tiên' nay...

08/03/2014 10:51 GMT+7

Trong đạn lửa chiến tranh hay giữa hòa bình ấm êm; lúc tuổi thanh xuân hay xế chiều bên dốc, bà Nguyễn Thị Cam Thảo (trú thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, H.Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn hết mình để góp sức cho đời, cho người...

 
Những bức ảnh lưu niệm sau những chuyến đi tham quan cùng bọn trẻ được bà Thảo đóng khung và treo lên tường - Ảnh: Nguyễn Phúc

Nỗi buồn chiến tranh

Về xã vùng trũng này, tìm bà Thảo không khó, bởi cũng lạ khi ai cũng nhận là người “mang ơn bà”. Bà Thảo sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo. Chẳng đợi lớn, khi ở tuổi tròn 18, bà hăng hái tham gia vào nhiều đoàn thể cách mạng của địa phương, như Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Đội quân Tóc Dài, đã từng là giao liên và cũng từng đeo súng làm o du kích. Bốn lần bị bắt là bốn lần bà vượt ngục, lần ở tù lâu nhất là 6 năm. Thời gian ấy, bao nhiêu đòn roi đọa đày giáng xuống thân hình của người phụ nữ gầy gò này, thậm chí chúng còn đê hèn đến mức hủy hoại chức năng làm mẹ… Vượt qua gian khổ, bà đã cùng đồng chí mình thoát khỏi “địa ngục trần gian” khu tù mật vào mùa hè năm 1962. Vì những tháng năm tù đày đằng đẵng, mãi đến năm 1964 bà mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1969, bà ra Bắc học tập và được đưa đi một số nước để cứu chữa lại chức năng làm mẹ… nhưng vô vọng.

Hòa bình lập lại, bà Cam Thảo trở về quê hương mình với bao nhiêu huân huy chương của Đảng và Nhà nước trao tặng (trong đó có Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba…) và được tỉnh biệt phái về xây dựng lại quê hương Hải Lăng. Thời kì này bà từng nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy chính quyền Hải Lăng như Huyện ủy viên, Chủ tịch hội nông dân, Trưởng ban dân vận…“Khi H.Hải Lăng sát nhập với H.Triệu Phong thành H.Triệu Hải thuộc tỉnh Bình Trị Thiên năm 1977, tui mới nộp đơn xin rút lui vì thấy trình độ mình mới chỉ qua mấy lớp bình dân học vụ, làm sao nắm bắt được cái mới để phát triển, để cho huyện đi lên...”, bà lý giải cho quyết định của mình ngày đó. Sau đó 4 năm, bà phát bệnh. Những kí ức về thời đạn bom, về những đòn roi tra tấn lại trở về hành hạ bà suốt ngày đêm. “Tui ngày ấy lúc mê lúc tỉnh, chẳng nhớ gì, chỉ nghe bà con kể lại lúc ấy lâu lâu tui lại cầm dao, cầm gậy gộc hô… xung phong!”, bà Thảo nhớ lại.

Niềm vui hòa bình

Trở về quê hương Hải Thượng từ năm 2001… không chồng không con, bà dành nhiều thời gian để quan sát gần gủi với đám trẻ nhỏ trong làng. Không biết bao nhiêu đêm bà trằn trọc, suy tư cho tương lai của chúng. “Ở đây dân trí thấp, cha mẹ chúng lại làm nông nghiệp thời gian đâu chăm con, thế là chúng bỏ học, uống rượu, hút thuốc, đánh nhau…”, bà Thảo kể. Một ngày kia, bà kéo 3 đứa nhỏ ngoan nhất làng đến nhờ chúng làm “thuyết khách” vận động bạn bè đến nhà bà chơi. Những ngày đầu quả khó khăn với thái độ “bất hợp tác” của đám nhỏ, chúng không đến… Bố mẹ chúng lại cằn rằn: “Con tui, tui tự dạy”. Thậm chí một vài người độc mồm còn mắng bà “có tiền hưu thì lo cất đi mà tiêu, mắc chi làm cái chuyện dở hơi ấy”.

Bà Cam Thảo nhớ rõ ngày 26.2.2005 là “buổi học” đầu tiên của lớp học không phấn trắng, bảng đen này. Bà chống gậy ra ngồi quây bên đám trẻ và vào đề bằng các câu hỏi : “Mấy đứa bây ưng khen hay ưng chê, ưng cực hay ưng sướng?”. Cả đám đồng thanh “Dạ, ưng khen, ưng sướng!”. “Vậy thì phải học tập và nghe lời bà…”, bà tiếp lời. Và từ đây những bài học của bà dần dần đến với các em như lời ru của mẹ ngày còn trong nôi. Từ chuyện ngày xưa trong thôn, trong xã, ai đã chiến đấu, đã hy sinh vì quê hương, đất nước, đến những giải thích giản đơn về năm điều Bác Hồ dạy… Dần dần khơi gợi cho các em nhiều vấn đề về lịch sử, về tình yêu với xóm làng, cha mẹ để hướng đến suy nghĩ phải biết chăm lo học hành.

Hè năm 2005, cả làng phải xôn xao khi bà cùng 10 phụ huynh tổ chức cho 10 em học sinh đầu tiên của mình đi tham quan du lịch tại bàu Trà Lộc bằng xe đạp… Sau chuyến đi, lớp học của bà Thảo bỗng “lên giá”, lũ trẻ háo hức tự tìm đến bà ghi danh. Bà Thảo liền ra điều kiện ngay, muốn gia nhập phải viết giấy cam kết với bà là “không hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, ăn cắp, trốn học”. Nếu không có việc gì đặc biệt, thì lớp của bà học vào mùng 1 và 15 hằng tháng, mỗi buổi 2 tiếng. Cuối năm học bà đều phát thưởng cho các em có thành tích học tập tốt (giỏi 20 ngàn, khá 15 ngàn). Không những thế đều đặn mỗi dịp hè bà đều bỏ tiền túi cho các cháu đi tham quan Lao Bảo, Nghĩa trang Trường Sơn, Nhà lưu niệm Tổng bí thư Lê Duẩn, bãi biển Cửa Tùng... đủ cả. Mỗi lần đi về bà đều dặn các cháu phải viết bản thu hoạch, đứa nào viết hay đều được bà thưởng.

Có bà và lớp học kỳ lạ ấy, lũ trẻ trong làng đã đổi thay đến bất ngờ. Không chỉ về học hành mà cả về đạo đức, nếp nghĩ cũng chững chạc hẵn. Và dẫu chẳng ai ép buộc, đối với chúng, bà Thảo nào khác gì một bà tiên, dù bà chẳng có đũa thần trong tay...

Nguyễn Phúc

>> Giúp người nghèo và trẻ em
>> Mang quà đến với trẻ em vùng cao
>> Mang sữa đến trẻ em vùng cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.