Ông Mai Thế Toản, Phó cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, cho biết Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 9.2 của Chính phủ thống nhất đưa dự án luật Địa chất và khoáng sản vào chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2014) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024).
Để kịp tiến độ nêu trên, Cục Khoáng sản Việt Nam đã trình Bộ TN-MT quyết định kiện toàn ban soạn thảo, tổ biên tập.
Đồng thời, Cục Khoáng sản Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam và Viện Chiến lược, chính sách TN-MT dự thảo quyết định thành lập các tiểu ban chuyên đề giúp việc tổ biên tập xây dựng dự án luật Địa chất và khoáng sản. Dự kiến trình Bộ TN-MT ban hành ngay sau khi có quyết định kiện toàn ban soạn thảo, tổ biên tập.
Bên cạnh đó, Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đã tổ chức rà soát, lập bảng tổng hợp các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Khoáng sản năm 2010. Theo đó, xác định các vấn đề vướng mắc, bất cập của luật Khoáng sản năm 2010 theo từng nhóm tiêu chí như: tính đồng bộ về chính sách, về sự đồng bộ với luật khác, về sự phù hợp với các điều ước/cam kết quốc tế; về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, từ đó đề xuất phương án giải quyết cụ thể cho từng vấn đề.
Dự kiến về kế hoạch xây dựng luật Địa chất và khoáng sản, ông Toản cho biết các công việc cụ thể: tổ chức xây dựng dự thảo 1, nghiên cứu, khảo sát tại các địa phương; họp các nhóm chuyên gia; họp ban soạn thảo, tổ biên tập lần 1 trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 4; tổ chức xây dựng dự thảo 2; họp các nhóm chuyên gia; đăng tải dự thảo, lấy ý kiến góp ý; họp ban soạn thảo, tổ biên tập lần 2; tổ chức hội thảo lấy ý kiến; khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ tháng 5 - 7.
Sau đó, tổng hợp ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo 3; họp ban soạn thảo, tổ biên tập lần 3; gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự kiến vào tháng 8; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến thẩm định, xây dựng dự thảo lần 4 và họp ban soạn thảo, tổ biên tập lần 4 từ tháng 8 - 9. Dự kiến trình Bộ trưởng Bộ TN-MT trước 30.9 và trình Chính phủ trước 10.10.
Bình luận (0)