Du ký trời Tây: Chuyên gia ngôn ngữ Pháp “mắc tóc” trước Sĩ Tải

05/01/2022 06:24 GMT+7

Sang một vùng đất phát triển như phương Tây trong khi nước ta còn nhiều lạc hậu, nhưng có những trí thức, nhà khoa học Việt đã khiến người phương Tây nể vì sự giỏi giang của họ, như trường hợp Trương Vĩnh Ký năm 1863, kỹ sư Nguyễn Công Tiễu năm 1937.

Trương Vĩnh Ký khi ở Pháp năm 1863

TƯ LIỆU

Người nước Nam uyên bác

Chuyến đi Pháp năm 1863, Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) giữ vai trò thông ngôn cho đoàn sứ bộ. Lúc ấy, họ Trương mới 25 tuổi nhưng đã phô diễn một cách tự nhiên, không chỉ về khả năng ngôn ngữ chuẩn mực, mà còn kiến thức uyên bác về thần học và nhiều lĩnh vực học thuật khác. Richard Cortambert (1836 - 1884) đã ghi lại việc đó trong ấn phẩm Impressions d’un japonais en France suivies des impressions des Annamites en Europe (Cảm tưởng của một người Nhật tại Pháp, tiếp theo là cảm tưởng của người An Nam tại châu Âu), ấn hành năm 1864.

Tại Pháp, Trương Vĩnh Ký (hiệu Sĩ Tải) dù tuổi đời còn trẻ, đã gặp gỡ, giao hảo với nhiều trí thức nổi tiếng của đất nước hình lục lăng như Victor Hugo, Émile Littré… Nhớ lại, Sĩ Tải ghi trong hồi ký của mình: “Tôi cũng đã gặp gỡ nhiều thân hữu danh tiếng và bác học, nhứt là văn học và khoa học”. Nhiều cuộc trò chuyện xoay quanh phương Đông, văn học Ấn Độ, Campuchia giữa họ Trương với người đối thoại luôn được nhận xét là thú vị. Đặc biệt, vấn đề thần học, Trương Vĩnh Ký tỏ ra thực sự uyên bác, hiểu biết sâu sắc, thậm chí viết cả bản thảo dày nghìn trang về lĩnh vực này khiến người bạn ngoại quốc vô cùng ngạc nhiên.

Có lần đến Thư viện Hoàng gia, nhiều câu hỏi và trả lời của Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ kiến thức sâu rộng uyên bác của vị thông ngôn. Thậm chí trong cuộc trao đổi của Trương Vĩnh Ký với nhà ngôn ngữ chuyên sâu về lịch sử Phật giáo đang ở đó, người chứng kiến đã cảm nhận: “Chúng tôi tin chắc rằng người thông ngôn trẻ tuổi An Nam này có thể giảng nhiều bài học cho vị thầy chuyên gia lớn tuổi đó”.

Họ Trương cũng viết cả bài đăng bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha trên báo, tạp chí Pháp mà Bulletin de la Société de géographie là một trong số đó. Để giới thiệu bài viết của Trương Vĩnh Ký trên Bulletin de la Société de géographie, tạp chí này có lời giới thiệu, có đoạn: “Ông còn trẻ nhưng kiến thức sâu sắc và biết nhiều ngôn ngữ Âu châu cũng như hầu hết ngôn ngữ Á Đông”.

Chuyến đi sang Pháp này, Trương Vĩnh Ký cũng thu thập, học hỏi được nhiều điều: “Vỉnh [Vĩnh] Ký trong 9 tháng giúp theo Sứ sự, đều đặng hoàn toàn; nhơn đó mà lại được quang [quan] sát nhơn tình, phong tục, châu lưu thành quách sơn xuyên, đả [đã] hơn phân nửa bên Âu châu ấy là hạnh phước của Tạo hóa tài bồi giúp cho nhơn tài cũng là đáng lắm”, Đặng Thúc Liêng ghi trong Trương Vỉnh Ký hành trạng.

Trang đầu tiên viết về Trương Vĩnh Ký và khen là “nhà thông dịch bác học” trong sách của Richard Cortambert

TƯ LIỆU CỦA TRẦN ĐÌNH BA

Cuộc đối đáp bằng tiếng Latin

Các học giả người Pháp, thậm chí đến một vị bộ trưởng của Pháp cũng phải ngạc nhiên và khâm phục về kiến thức uyên bác cùng khả năng ngôn ngữ thuần thục của chàng thông ngôn trẻ tuổi nước Nam. Trương Vĩnh Ký tự nhận mình biết mười thứ tiếng tuy không nói được hết trong cuộc gặp với một vị Bộ trưởng Pháp. Điều ấy gợi sự tò mò ghê gớm cho quan chức Pháp.

Ngay sau đó, một chuyên gia tiếng Latin hạng nhất của Pháp ở tuổi 50 đã được triệu tập. Chuyên gia người Pháp này đã nói chuyện bằng tiếng Latin với Trương Vĩnh Ký. Ban đầu hai người nói chuyện hòa hợp với những câu văn tròn trịa. Và phần sau đó mới là điều đáng kể.

Trong khi nhà ngôn ngữ học kia dần dần nói vấp, bí từ và “ông ta ngập ngừng lâu trước khi xong đoạn văn và có vẻ nói quanh co để tránh bị chết đắm”, thì chàng thông ngôn 25 tuổi ở chiều ngược lại, “lời nói càng trôi chảy hơn bao giờ; làm như từng phút, từng phút, ông càng thêm sức mạnh”… “câu nói của ông trở nên chính xác, rõ ràng, trong khi đối thủ lạc lõng trong một cấu trúc câu văn mơ hồ và không chính xác”. Thậm chí có lúc không tìm ra chữ thích hợp, chuyên gia người Pháp phải trả lời bằng tiếng Pháp, còn Sĩ Tải vẫn dùng tiếng Latin để đáp lại.

Tiểu từ điển Pháp-An Nam của Trương Vĩnh Ký xuất bản năm 1884 tại Sài Gòn

Kết thúc cuộc đối thoại với loại ngôn ngữ thuộc loại khó của thế giới, chuyên gia ngôn ngữ Pháp thành thật bày tỏ: “Viên thông ngôn trẻ tuổi này sử dụng nhiều từ ngữ hiếm dùng, nhưng nói chung biết tiếng Latin khá rành rõi”. Còn vị Bộ trưởng được chứng kiến, thì hóm hỉnh tiếp lời mà khen: “Đúng vậy, tôi còn có cảm tưởng là ông ta hiểu biết tiếng Latin hơn nhiều tay uyên bác người Pháp”.

Trong cuốn Pétrus Trương Vĩnh Ký: Érudit Cochinchinois xuất bản năm 1925, Jean Bouchot cũng kể lại kỷ niệm ngạc nhiên về khả năng ngôn ngữ của Trương Vĩnh Ký mà bản thân được chứng kiến: “Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, nói rất thông thạo hơi pha giọng Pháp, và bằng tiếng Pháp cũng không kém phần trong trẻo và phần lịch sự. Tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý cũng như những tiếng Á Đông, ông đều thông thạo cả”. Một lần khác Bouchot được chứng kiến “có một vị đạo sĩ ở Chợ Lớn đến chơi, và khi tôi đứng dậy ra về, thấy các ông ấy tranh luận bằng tiếng Latin về một vài điểm trong thần học”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.