Thành phố rất đẹp, thủ phủ non trẻ này được xây dựng cạnh đô thị cổ An Nam nhưng được phát triển độc lập và không ảnh hưởng tiêu cực đến đô thị cổ. Những người sáng lập thành phố đã khôn ngoan khi không mảy may đụng chạm đến di tích của một nền văn minh vô cùng độc đáo này, ngoại trừ việc loại bỏ rác thải, làm sạch các ngã tư và ngõ hẻm, trưng bày nó như một món đồ mỹ nghệ quý giá. Sự tiếp giáp của hai thành phố, tính chất đối lập giữa sự lịch lãm, tiện nghi hiện đại và vẻ tồi tàn của châu Á, chính là một trong những nét hấp dẫn của Hà Nội; qua lăng kính của người nghệ sĩ hay du khách đơn thuần chuộng tính ngoại lai, điều này khiến Hà Nội được yêu thích hơn so với Sài Gòn, thành phố tráng lệ nhưng hơi hoang vắng, với diện mạo quá mức hành chính và một màu.
Thủ phủ xứ Bắc kỳ dường như được định hướng trở thành một trong những thành phố đẹp nhất và dễ chịu nhất vùng Viễn Đông - nó vốn là thế rồi. Đây là một trong những thành phố không bao giờ khiến ta vỡ mộng. Nó có nét đặc trưng riêng và xứng đáng để ta dừng chân, dù trong tâm trí ta lúc này vẫn đọng lại hình ảnh huy hoàng của Bombay [nay là Mumbai], Batavia hay Bangkok.
Những ai không đến Hà Nội trong khoảng bốn hay năm năm trở lại sẽ khó lòng nhận ra nó. Từ đó đến nay, thành phố đã thay hình đổi dạng. Cách đây chưa lâu, nó còn là Khu nhượng địa bên bờ sông Hồng. Ở đó đã từng và vẫn còn dinh thự - tôi không dám gọi là cung điện - của quan toàn quyền, bộ tham mưu và các công trình phụ trợ. Tiếp theo là phố Paul Bert [nay là Tràng Tiền], nơi các lái buôn cư ngụ. Hình như nhóm người này đang muốn áp dụng tập quán tốt đẹp của người Anh là phân biệt rạch ròi giữa gia đình và công việc, home [nhà] với office [văn phòng]. Già trẻ lớn bé đều bắt đầu nhượng bộ trước nhu cầu về không khí và không gian. Nhiều biệt thự sân vườn mọc lên trên những đại lộ mới. Đúng là chúng còn khá phân tán, vẫn còn nhiều khoảnh đất trống; nhưng những vị trí này sớm muộn cũng có chủ thôi.
Chừng nào Bắc kỳ còn thịnh vượng, thì Hà Nội, với số dân hơn 60.000 người, sẽ còn được mở rộng hơn Hải Phòng, thậm chí qua mặt đối thủ trẻ. Nhưng nói cho cùng, đây chỉ đơn thuần là một cảm tưởng mà tôi khó có thể dựa vào nó để đưa ra một nhận định quả quyết. Nhưng cảm tưởng này là điều mà nhiều du khách, cả Pháp và nước ngoài, đều đã nhận thấy. Bất kỳ ai từng qua đây, dù chỉ vài ngày, đều bị quyến rũ không chỉ bởi nét độc đáo của cảnh quan mà còn bởi những lợi thế về vị trí. Hà Nội vẫn luôn là kinh đô thực sự của đất nước. Thiên nhiên đã biến Hà Nội thành trái tim của cơ thể này, mà các huyết mạch chính là những dòng nước đổ vào sông Hồng.
Ngay lúc này, ở đây đang có một cuộc sống, một sự vận động, một niềm vui phố phường tương phản hoàn toàn với sự tĩnh mịch đến buồn ngủ của nhiều thành phố thuộc địa khác. Những gương mặt thư thái hơn, những cuộc chuyện trò, thảo luận dễ chịu hơn, tất cả đều cho thấy niềm vui sống, thái độ mạnh mẽ chấp nhận những khó khăn ban đầu, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Có thể tôi nhầm. Có thể tôi bị vẻ bề ngoài đánh lừa. Diện mạo ban đầu của Hà Nội đã vượt xa mong đợi của tôi. Người ta bảo đó là mặt tiền thôi. Cần phải xem những gì ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng này. Tôi mặc kệ và tôi sẽ nói thêm rằng, ít nhất là lúc này, tôi chẳng bận tâm điều đó. Sao phải phá hỏng niềm vui của mình bằng những suy nghĩ u ám? Hãy quan sát phông cảnh trước khi đánh giá vở kịch.
Và cảnh trí thật quyến rũ, nhất là vào buổi sáng còn đẫm sương đêm, hay những chiều rực đỏ, khi giấc ngủ trưa đã hết, công việc đã đâu vào đấy, toàn thành Hà Nội từ viên chức dân sự đến quân sự đều ra ngoại thành hóng mát quanh vườn Thử nghiệm [nay là công viên Bách Thảo] mới, qua đường Grand-Bouddha [nay là phố Quán Thánh], lối đi dạo này gọi là tour de Bois. Từ lúc 4 giờ, các kỵ sĩ và đoàn tùy tùng đã xuất hiện, những con ngựa nhỏ trong xứ, hung hăng, giậm chân, giẫm bước, những xe ngựa bốn bánh, những cái giỏ dễ thương mắc vào xe, loại thùng xe nhẹ ở khu nghỉ mát suối nước nóng. Còn bên bờ Hồ Nhỏ [tức hồ Hoàn Kiếm], người ta thi nhau trình diễn những bộ trang phục thoáng mát.
Thật kỳ diệu, hồ nước nhỏ này, từng là đầm lầy và bãi rác, giờ đã trong veo như hồ nước dưới chân núi làm nổi bật những mũi đất và vịnh trên những bãi cỏ mỡ màng của một công viên râm mát đầy hoa. Trên một gò nhỏ nối với bờ bằng cầu gỗ, có một ngôi đền cổ kính, dù bị mọt gặm nhiều chỗ, nhưng vẫn rất tao nhã với cái bóng vừa in lên trên nền trời vừa soi xuống mặt nước phẳng lặng.
Bên kia hồ là phố cổ Hà Nội, thành phố bản xứ quét vôi trắng toát. Đây là biện pháp quy định tại một nghị định do thành phố vừa ban hành nhằm phòng chống bệnh dịch đáng lo ngại khi mùa nóng đến gần. Lớp vôi trắng mang lại cho những ngôi nhà thấp bé, những ô ngăn chật hẹp san sát nhau, với mái nhà chạm đường lộng chéo, dáng vẻ của thành phố xứ Tây Á, một góc Tunis hay Smyrne. Cả cách phân chia bên trong cũng như việc gom ngành nghề và hàng hóa theo nhóm đều có nét tương đồng với những đô thị của Trung Đông cổ đại nơi những tập quán tương tự còn chưa biến mất. Nói tóm lại, đây là một thành phố nguyên thủy, kiểu Á hoặc Âu, với những thành tố liền kề nhưng không pha trộn, sự chật hẹp đặc thù, sự cạnh tranh giữa các nước cộng hòa tí hon của thợ thủ công và thương nhân, những người "gần nhà nhưng xa ngõ" để ý nhau từng li từng tí… Quả thực lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, và ban đầu, bản năng của đời sống xã hội gần như luôn thể hiện dưới những dạng thức giống nhau, ở mọi dân tộc. (còn tiếp)
(Nguyễn Quang Diệu trích từ sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)
Bình luận (0)