TNO

Du lịch Bhutan với giá 5 triệu/ngày: Có đáng hay không?

17/05/2016 17:25 GMT+7

(iHay) Với danh xưng “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, Bhutan đang trở thành mục tiêu mới của những người ưa khám phá

(iHay) Với danh xưng “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, Bhutan đang trở thành mục tiêu mới của những người ưa khám phá. Nếu bạn đã có thời gian xếp balo nhưng chưa thể lên đường, dạo một vòng quanh các blog du lịch để cảm nhận trước hẳn là một giải pháp khá ổn

>> Có gì ở vương quốc hạnh phúc nhất thế giới?

Bhutan trong mắt tôi!Người dân Bhutan được cho là hạnh phúc nhất thế giới
Đây dĩ nhiên là một cách để tham khảo hữu ích, hơn hẳn so với nhiều số liệu hay thông tin quảng bá. Bởi đó chính là cảm xúc chân thật được đúc kết từ chính trải nghiệm của những người viết. Là vi diệu với người này nhưng thật bình thường với kẻ khác, Bhutan có thể trở nên rất sống động dưới góc nhìn đa chiều chứ không phải là một miền đất hứa chỉ có trong cổ tích.
Cả trẻ con cũng rất điềm tĩnh
Được giới thiệu là một trong những “cõi cực lạc” nơi hạ giới, hiển nhiên cảnh sắc ở Bhutan là ấn tượng đầu tiên với hầu hết các blogger du lịch. Thế nhưng, chính con người ở quốc gia nằm lọt thỏm giữa dãy Himalaya hùng vĩ mới khiến hai phụ nữ trung niên chủ trang blog du lịch nổi tiếng blonebrunettetravel.com ồ lên kinh ngạc, khi lần đầu chứng kiến cái gọi là “chỉ số hạnh phúc quốc gia” (GNH) trong thực tế.
Theo lời tả của Kay Dougherty (một trong hai “chủ thớt”) thì ngoài tốt bụng, bặt thiệp và thân thiện, người dân nơi đây còn thể hiện sự ân cần một cách rất tự nhiên, chứ không phải để lấy lòng du khách. “Phi thường” hơn, theo chứng kiến của tác giả, cả trẻ con cũng rất… điềm tĩnh, không khóc lóc hay mè nheo, cau có gì. Bà lý giải rằng, có lẽ sự thấm nhuần đạo Phật trong niềm tin và đời sống đã khiến cho những công dân Bhutan rèn luyện được sự tĩnh tâm, hướng thiện qua nhiều thế hệ.
Bhutan trong mắt tôi! 2
Tuy nhiên, trong 12 ngày trải nghiệm tại Bhutan, ngoài những kỉ niệm vui vẻ, Kay vẫn có những điều chưa hài lòng về việc giao thông khá bất tiện, không nhiều toilet công cộng, và đặc biệt hơn là thuốc men khi bị bệnh.
“Người đồng hành của tôi (Blone) bị dị ứng bởi bụi khói trên đường, bà ấy khó thở và suýt chuyển thành viêm phổi. Hên là có bạn cùng phòng người Canada cho thuốc chứ không thể dừng lại ở bất cứ nhà thuốc nào ở đây để mua”, Kay viết.  Và dĩ nhiên, một cốc trà và chuối hữu cơ như dân bản xứ khuyên dùng, không thể chữa bệnh viêm phổi nhẹ hay tiêu chảy được.
Còn theo anh chàng Mark Horrell (chủ trang blog du lịch cùng tên), Bhutan sẽ không giống như một Shangri-La - xứ sở hạnh phúc trong tưởng tượng của nhiều người. Đặt chân đến vùng đất này, Mark cho rằng Bhutan không hẳn tách biệt khỏi thế giới văn minh như lời đồn thổi, bằng chứng là hệ thống đường sá tốt, sân bay quốc tế và đặc biệt là rất nhiều quán café internet để lựa chọn ngay thủ đô Thimphu. Anh này kể, 1 chủ quán bar mà anh gặp ở đây còn là “fan bự” của Manchester United, khi quán treo đầy poster cầu thủ và có thể xem trực tiếp… giải Ngoại Hạng Anh.
Bhutan trong mắt tôi! 3Cuộc sống yên bình ở Bhutan
5 triệu/ngày: đáng hay không?
Trên dưới 5 triệu đồng/ngày (tùy thời điểm) là số tiền cơ bản mà chính phủ Bhutan yêu cầu du khách phải đóng thông qua công ty du lịch khi muốn tới đây, bao gồm thức ăn, chỗ ở, tham quan, hướng dẫn và tài xế, chưa kể tiền vé máy bay và chi tiêu cá nhân. Lý do Bhutan đòi phí cao như vậy là nhằm hạn chế lượng khách du lịch để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, môi trường tại đất nước họ.
Theo ý kiến của Mark, Kay hay khá nhiều blogger du lịch khác, đây là là một con số khá cao so với mức thu nhập của nhiều người. Điều này cũng làm nảy ra tranh luận giữa chuyện: đáng hay không đáng! Người thì cho rằng để chiêm ngưỡng nền văn hóa độc đáo, thiên nhiên đẹp “nghẹt thở”, phong cách sống an yên và khí hậu trong lành thì lựa chọn này không hề đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu có tính toán một chút (vì dù gì cũng là tiền mà) thì chuyện đồ lưu niệm “made in Bhutan” có thể mắc gấp đôi cái tương tự ở Nepal, không được leo núi, chỗ cắm trại không sạch sẽ, thời tiết khá thất thường… cũng khiến nhiều người khó chịu khi móc hầu bao.
Bhutan trong mắt tôi! 4Một lễ hội ở Bhutan
Mark khuyên rằng, nếu cảm thấy không vượt qua được cảm giác “sai sai” trên hay ngân khố hạn chế, bạn có thể lựa chọn những địa điểm khác như Darkjeeling, Sikkim, Ladakh (cùng thuộc Ấn Độ), hay Nepal để trải nghiệm những điều tương tự như Bhutan nhưng với chi phí rẻ hơn nhiều!
Cũng chọn Bhutan cho 12 ngày đi chơi, tác giả Laurie Gough (được tạp chí Time đánh giá một trong những cây bút nữ viết về du lịch tiêu biểu) thì tự hỏi, với những thứ đang có và cố gắng gìn giữ, liệu người dân Bhutan có thực sự hạnh phúc hơn tất cả chúng ta? Và liệu niềm hạnh phúc này có tiếp tục khi họ đang tiến dần vào thế giới hiện đại?
Laurie khẳng định, cô đã tìm lại bản thân và buông bỏ được rất nhiều nỗi lo, sau khi bắt gặp gương mặt “đẹp không vướng bụi trần” của cô gái chăn bò yak, hay bất chợt vui lây khi nhìn thấy những lá cờ đầy màu sắc mà các gia đình đi cắm trại cùng nhau buộc lại trên cánh đồng đầy hoa dại ở Bhutan. Và cô nhận ra rằng, suối nguồn hạnh phúc thật sự có lẽ nằm trong cách chúng ta tận hưởng cuộc sống, và quan trọng hơn là nhận thức được tầm quan trọng vô ngần của việc bảo tồn thiên nhiên.
Gieo niềm vui, gặt hạnh phúc - đó là điều mà Bhutan đang làm, và làm rất tốt… cho đến thời điểm này!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.