Du lịch gia công

15/01/2014 03:20 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp lữ hành VN đang lệ thuộc vào các công ty du lịch nước ngoài khi chấp nhận làm gia công với phần doanh thu ít ỏi.

 Du lịch VN đang nặng gánh gia công cho nước ngoài - Ảnh: D.Đ.M
Du lịch VN đang nặng gánh gia công cho nước ngoài - Ảnh: D.Đ.M

Mọi vấn đề trong quá trình điều hành tour đều bị phía nước ngoài áp đặt.

Lệ thuộc

Giám đốc một công ty du lịch uy tín ở TP.HCM cho biết, VPĐD một doanh nghiệp (DN) du lịch Hàn Quốc tại VN có tên H.N tìm đến công ty ông để đặt quan hệ làm ăn bằng cách chào bán tour Hàn Quốc cho H.N. Công ty ông chỉ việc bán tour với chương trình, giá tour do H.N cung cấp, ký hợp đồng với khách, nhận tiền, làm visa và hưởng 10 - 15% hoa hồng bán tour. Ngoài ra, phía VN không được can thiệp vào chương trình, giá tour không được thay đổi… Đoàn khách VN qua tới nước ngoài thì vai trò của DN Việt chấm hết. Sau khi tính toán chi phí thì công ty chỉ được hưởng khoảng 1 - 2%, cộng với việc bị áp đặt hoàn toàn nên ông đã từ chối hợp tác với H.N. Tuy nhiên, một công ty du lịch khác ở TP.HCM lại chấp nhận làm gia công cho H.N và hiện đang triển khai bán tour Hàn Quốc ở VN.

Hiện nay ở VN, rất nhiều công ty du lịch đang thực hiện phương án như vậy bởi theo quy định của pháp luật, VPĐD không được phép kinh doanh. Các công ty du lịch trong nước chỉ vì phần lợi nhuận ít ỏi mà “bán mình” cho nước ngoài để chấp nhận làm phận gia công. Tương tự như H.N, một VPĐD của công ty du lịch Campuchia tại TP.HCM cũng gửi chương trình cho các công ty lữ hành VN bán, ăn chia hoa hồng trên từng đầu khách. DN du lịch VN còn chấp nhận làm gia công cho một vài công ty Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc.

Đối với lĩnh vực đưa khách nước ngoài vào VN (inbound), tình trạng lệ thuộc càng nguy hiểm hơn khi DN trong nước bị chi phối gần như hoàn toàn. Phần việc của DN Việt ngày càng bị thu hẹp và vì thế chỉ “ăn” tiền đứng tên điều hành, phía đối tác nước ngoài lo trọn gói từ đặt dịch vụ ăn uống, khách sạn, phương tiện vận chuyển, thậm chí công ty nước ngoài lo cả hướng dẫn viên, tiền hoa hồng mua sắm của du khách phía nước ngoài cũng lấy trọn. Ở Hà Nội, công ty du lịch H.N còn có cả đội xe. Một vài thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga vào VN cũng nằm hết trong tay của DN nước ngoài.

Tổ chức lại thị trường

DN lữ hành yếu, tiếp tay cho các công ty nước ngoài hoạt động trá hình và quản lý nhà nước kém chính là nguyên nhân khiến thị trường du lịch VN trở nên hỗn loạn. Nhiều DN cho rằng, Tổng cục Du lịch chia ra hai loại giấy phép để cấp cho DN gồm lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa là không theo thông lệ quốc tế. Ngành du lịch cần phải tách giấy phép lữ hành quốc tế thành hai loại: outbound và inbound. Ngoài ra, việc thành lập liên doanh lữ hành quốc tế ở VN cũng rất thoáng, khi công ty nước ngoài vào VN liên doanh trực tiếp với công ty trong nước. Ở nhiều quốc gia tiên tiến, DN du lịch nước ngoài muốn làm liên doanh trước hết phải thành lập công ty, rồi công ty này sẽ tiến hành mua lại cổ phần của DN trong nước. Tại Malaysia, Thái Lan..., DN du lịch nước ngoài không được phép mua quá 49% cổ phần của công ty trong nước nhưng ở VN, các công ty liên doanh lữ hành quốc tế đều do người nước ngoài điều hành, không quy định tỷ lệ sở hữu... vì thế vai trò của phía VN ngày càng mờ nhạt.

Tổng giám đốc một công ty du lịch hàng đầu VN cho rằng, tổ chức thị trường du lịch nước ta đang có vấn đề, khi không có một trật tự theo nguyên tắc quốc tế, vì thế cơ quan quản lý không thể xây dựng kế hoạch phù hợp và liên tục chạy theo thị trường. Do đó, cần thiết phải thiết lập lại toàn bộ thị trường, điều chỉnh lại hệ thống, quy định theo nguyên tắc quốc tế trên cơ sở phù hợp với năng lực tổ chức.

N.Trần Tâm

>> Mất hàng tỉ USD vì du lịch 'chui
>> Hàng ngàn công ty du lịch “chui”
>> Du lịch chui?
>> Du lịch chui
>> Hiểm nguy rình rập tàu du lịch “chui”
>> Cẩn thận mất tiền oan với du lịch “chui” cuối năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.