Thắng cảnh nào cũng quảng cáo là thiên đường nghỉ dưỡng, tham quan, thư giãn cho du khách nhưng hầu hết đều có chung một vấn đề, đó là ô nhiễm trầm trọng.
Ô nhiễm triền miên
Nằm ngay trong TP.Đà Lạt, thắng cảnh quốc gia thác Cam Ly bị ô nhiễm triền miên và ngày càng trầm trọng. Ông Tạ Hoàng Giang, Giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt (đơn vị chủ quản Khu du lịch thác Cam Ly), than thở: “Thượng nguồn dòng suối này chảy qua nhiều khu dân cư ở trung tâm thành phố và rất nhiều người vẫn thản nhiên vứt rác, chất thải ra suối, tạo thành một con suối đen gây ô nhiễm. Hằng ngày, khu du lịch phải cho đội ngũ nhân viên vớt dọn rác ở khu vực thác, nạo vét bùn, sử dụng ống nhựa làm phao chắn rác nhưng chỉ mang tính tạm thời, còn thì bất lực. Công ty cũng đầu tư rất nhiều tiền để xử lý ô nhiễm nhưng vẫn không xong, bởi nguồn nước đổ về đây quá ô nhiễm...”. Chưa kể mỗi khi thắng cảnh hồ Xuân Hương “ngộ độc” tảo lam (năm nào cũng có) bốc mùi hôi thối thì nước từ hồ này chảy về cũng khiến thác Cam Ly “lâm bệnh” theo.
|
Tương tự, hồ Than Thở cũng đang “ngáp ngắn, ngáp dài” vì tình trạng bồi lắng, ô nhiễm và mất dần cảnh quan. Cả chục năm qua, thắng cảnh thơ mộng đã đi vào thi ca này bị mất dần giá trị. Hồ nước giờ trông như một ao nuôi cá, xung quanh hồ cỏ dại mọc um tùm, bèo, rác bao phủ. Đứng phía đồi thông Hai mộ nhìn qua, cảnh quan trông nhếch nhác thậm tệ, bởi nguyên một quả đồi phía trên là những luống rau, nhà kính, nhà lưới bạt ngàn cao thấp, nhấp nhô. Vùng canh tác nông nghiệp này cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hồ Than Thở bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những phế phẩm nông nghiệp, cùng với thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất hoặc trôi theo nước mưa rồi cứ thế đổ hết xuống hồ.
|
Tại Mũi Né, ô nhiễm môi trường ven biển vẫn luôn là vấn đề. Rất nhiều resort mini, đặc biệt là hệ thống các nhà nghỉ “ăn theo” còn xem nhẹ yếu tố xử lý nước thải trong khi việc kiểm tra, xử lý vi phạm hoàn toàn buông lỏng.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Bình Thuận: Có những resort chỉ làm hệ thống xử lý nước thải rất nhỏ so với quy mô khu du lịch. Có những nơi làm để đối phó với cơ quan chức năng mà không vận hành. Khi không có kiểm tra, resort xả nước thải chảy tự do vào môi trường. Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, bức xúc: “Vào mùa gió nam, mỗi ngày chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra thu gom hàng tấn rác từ ven biển dạt vào bờ. Vì thương hiệu của Mũi Né, không thể đứng nhìn bãi biển “thiên đường” ngập tràn rác”.
Hàng ngàn tấn nước thải xả xuống biển mỗi ngày
Theo báo cáo của ngành du lịch Quảng Ninh, năm 2012, cứ 100 du khách châu u đến Việt Nam thì có 40 người đến thăm vịnh Hạ Long. 80% khách lưu trú qua đêm tại tàu du lịch trên vịnh là khách châu u và một số nước phương Tây khác. Vì trên bờ không có sản phẩm du lịch đặc sắc nên áp lực về lượng người, thời gian tham quan dồn cả lên mặt vịnh và các hang động đá vôi trên biển. Ngoài ra, còn có hàng loạt tàu than chạy cắt ngang từ vịnh Cửa Lục ra các khu chuyển tải để bốc xếp lên tàu to. Nhiều nhà máy xi măng cũng tỏa khói, bụi ngay bên bờ vịnh. Đứng từ cầu Bãi Cháy, du khách không khỏi xót xa khi thấy băng chuyền rót xi măng hàng cây số vươn dài như con rắn khổng lồ cắt trên vịnh Cửa Lục xanh ngọc. Khi tàu vào nhận xi măng, bụi bay mù mịt làm mất đi vẻ đẹp tuyệt tác của bức tranh thủy mặc Hạ Long.
Đến thời điểm này, ở Hạ Long có 1.200 phòng nghỉ trên các tàu lưu trú nhưng theo bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, nhu cầu nghỉ đêm trên vịnh của du khách ngày một tăng. Mặt vịnh sẽ chịu tác động của nhiều nhân tố, đặc biệt là vấn đề về chất xả thải từ các tàu thăm và nghỉ đêm trên vịnh.
Ông Hà Thế Tiến, 55 tuổi, một kỹ sư có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực hàng hải không giấu nổi bức xúc: “Hàng chục năm trên vịnh tôi nhận ra, không hề có một đơn vị nào thu gom và xử lý nước thải cả. Trừ số ít các tàu hiện đại đóng mới hiện nay là có két chứa và thiết bị xử lý nước thải tiên tiến, 90% các phương tiện vận tải thủy trên vịnh đều xả thải trực tiếp xuống biển. Với tàu khách, mặc dù chỉ chiếm số ít trong tổng số phương tiện, nhưng lại chuyên chở một lượng đông khách du lịch thì lượng nước xả thải ra biển sẽ rất lớn, trung bình khoảng 2 - 3 m3 tàu/ngày. Nếu đem nhân lên với con số 500 tàu du lịch thì trung bình một ngày sẽ có đến 1.000 - 1.500 m3 nước thải chưa qua xử lý xả thẳng xuống vịnh. Trong khi đó, két chứa nước thải của các tàu chỉ có dung tích từ 100 - 200 lít, gọi là để cho... có khi đăng kiểm”.
Cũng theo ông Tiến, trong nước thải xả ra còn có lẫn cả dầu máy và dầu thải chưa được qua xử lý dẫn đến hiện tượng ô nhiễm dầu nghiêm trọng trên vịnh; làm tổn thương hệ sinh thái biển và là nguyên nhân dẫn đến việc biến mất hoàn toàn hệ san hô dưới đáy biển.
N.T.Tâm - Q.Hà - B.Ngọc - G.Bình
>> Du lịch hủy diệt cảnh quan - Kỳ 2: Bê tông hóa tràn lan
>> Lý Nhã Kỳ rút khỏi danh sách ứng cử Đại sứ du lịch VN
>> “Mổ xẻ” chuyện bình chọn đại sứ du lịch
>> Du lịch hủy diệt cảnh quan
>> Vì một môi trường du lịch sạch
Bình luận (0)