Du lịch khốn vì… vệ sinh! - Du khách đến Huế thường xuyên “nín”

25/08/2009 23:40 GMT+7

Cố đô Huế mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm. Thế nhưng, không ít du khách phàn nàn nhà vệ sinh ở các điểm di tích còn quá nhếch nhác. Mời nghe đọc bài

Di tích quốc gia, “chỗ ra” quá bẩn

Được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1991, nhưng đến nay di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu (nằm ở phường Trường An, TP Huế) đến nay vẫn chưa có hệ thống nhà vệ sinh để cho du khách "giải quyết" khi có nhu cầu. Không có hệ thống nhà vệ sinh, nên đã có không ít du khách dở khóc, dở cười khi "điều không muốn lại xảy ra". Khi được hỏi, đa số du khách tại các điểm tham quan đều cho rằng: "Cái nhu cầu ấy khó nói lắm, nhất là tại những nơi đông người như các điểm tham quan, hay mua sắm mà không có nhà vệ sinh thì rất bất tiện. Cánh đàn ông còn đỡ, chứ với chị em phụ nữ thì lại càng bức xúc hơn". Tại một số di tích khác mặc dù có nhà vệ sinh nhưng nhếch nhác, bẩn thỉu do không được chùi rửa hằng ngày nên cũng khiến không ít du khách phàn nàn, ta thán.

Khách nước ngoài rất dị ứng với việc chọn một gốc cây, hay bờ tường nào đó để “trút bầu tâm sự” như người địa phương
Ông Charin Nukurnavarat, Công ty TNHH hàng không quốc tế Thái Lan, tại hội nghị mở đường bay đến Huế ngày 21 - 23.8

Tại khu lưu niệm Nguyễn Chí Diểu, theo ghi nhận của chúng tôi, do nhà vệ sinh không có nước, nên du khách khi đến tham quan gặp rất nhiều khó khăn. Nhà vệ sinh có nhưng bẩn, lại không có nguồn nước, cửa khóa không đảm bảo nên thành ra nhiều du khách nam khi có nhu cầu giải quyết, họ lại tìm ra các góc vườn cây để "trút bầu tâm sự". Còn du khách nữ thì... chịu chết.

Bến nước bốc mùi xú uế 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Thừa Thiên-Huế có 902 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn khá nguyên vẹn, nhưng nhiều nhất là ở thành phố Huế (373 di tích); trong số đó đã có 84 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, quần thể kiến trúc Cung đình Huế bao gồm 51 di tích lớn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thế nhưng, ngoài các di tích thuộc Đại Nội, các lăng tẩm có hệ thống nhà vệ sinh khá đạt chuẩn... còn lại đa phần các di tích đều thiếu hoặc nhà vệ sinh xuống cấp khiến cho việc giải quyết nhu cầu vệ sinh của du khách gặp không ít phiền toái.

Du khách đến Huế ngoài tham quan các di tích, còn có nhu cầu tản bộ trên những con đường dọc bờ sông Hương thơ mộng, hay buổi chiều tà ngược lên đồi Vọng Cảnh ngắm hoàng hôn. Thế nhưng, những điểm đến hấp dẫn này lại không được đầu tư nhà vệ sinh khiến du khách bí quá đôi lúc cũng phải... liều! Con đường Nguyễn Đình Chiểu, nối từ chân cầu Tràng Tiền đến Trung tâm Du lịch Festival, ở bờ nam sông Hương, sau khi được chính quyền quyết định xây dựng phố đi bộ đã thu hút hàng trăm lượt du khách và người dân địa phương tản bộ, ngắm cảnh mỗi ngày. Thế nhưng, cả một tuyến phố dài không hề có một điểm vệ sinh nào. Những thời điểm có lễ hội, tại đây Công ty môi trường đô thị Huế có đặt một số nhà vệ sinh di động, nhưng sau đó lại dời đi. Thế nên, những bến nước rất đẹp như Bến Hề, trước đó còn là bến tắm của thanh niên mỗi chiều, thì nay bỗng chốc trở thành góc khuất để "xả". Một bến nước đẹp như vậy nay luôn bốc mùi xú uế!

Đồi Vọng Cảnh nổi tiếng khiến ai cũng biết đến nhưng do thiếu nhà vệ sinh và người quản lý nên cũng đã xảy ra tình trạng phóng uế bừa bãi. Ngay trên đồi, có hai cái lô cốt của thời chiến tranh còn sót lại và chính nó lại trở thành nhà vệ sinh bất đắc dĩ.

Khu vực Đại Nội phía trong Hoàng thành thì các nhà vệ sinh khá đạt chuẩn, nhưng ở những con đường đi bộ vòng quanh bên ngoài, do thiếu các nhà vệ sinh nên cũng đã bốc mùi...

Nhà vệ sinh ở khu lưu niệm Nguyễn Chí Diểu, nhìn bên ngoài trông rất tươm tất nhưng bên trong rất bẩn và bốc mùi xú uế - ảnh: M.Phương

Băn khoăn của các công ty du lịch  

Chuyện tế nhị này đã thành chủ đề bàn thảo tại những cuộc hội thảo, hội nghị liên quan đến ngành du lịch địa phương. Gần đây nhất, trong chuyến khảo sát du lịch Huế với chủ đề Ấn tượng du lịch miền Trung 2009 của gần 50 công ty du lịch lữ hành phối hợp với Công ty du lịch lữ hành Vitour tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, đại diện của một công ty lữ hành tại Hà Nội thổ lộ: “Phải công nhận rằng Huế rất đẹp, rất thơ mộng và có rất nhiều điểm du lịch để thu hút khách trong nước và quốc tế đến với mình. Song, một điều khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, đó là khu vệ sinh tại các điểm di tích của Huế quá ít, một số đã bị xuống cấp lại không được lau chùi sạch sẽ. “Giải quyết nhu cầu” là chuyện khá tế nhị. Nếu bạn đang muốn giải quyết mà gặp phải nhà vệ sinh nhếch nhác, bẩn và bốc mùi khó chịu thì bạn sẽ có ấn tượng như thế nào?”.

Một số công ty lữ hành khi đến khảo sát các điểm du lịch ở Huế để mở các tour, tuyến, điểm du lịch, ngoài việc quan tâm đến các đặc thù của ngành du lịch địa phương, vị trí địa lý, điều kiện ăn ở, đi lại... thì điều làm họ băn khoăn chính là vấn đề nhà vệ sinh tại các điểm du lịch. 

Xấu hổ với du khách

Đối với khách nước ngoài, họ không nặng về ăn uống, chủ yếu quan tâm đến nghỉ ngơi và vệ sinh. Khách nước ngoài thường đánh giá: vấn đề vệ sinh của VN là kém nhất, chẳng văn minh chút nào. Ngay giữa Hà Nội, điểm du lịch khách không thể bỏ qua là Rạp múa rối nước Thăng Long. Trung bình mỗi ngày có đến hàng trăm lượt khách ra vào. Mặc dù được đầu tư xây dựng rất hiện đại, nhưng do thiếu chuyên nghiệp trong khâu vệ sinh, quét dọn nên dẫn đến bốc mùi. Chỉ cần bước vào cửa, khách đã ngửi thấy mùi khai nồng nặc. Vào đến bên trong, mùi sặc sụa không thể chịu nổi. Có những hôm, ngồi xem rối nước, khách phải bịt mũi vì mùi khai bốc từ nhà vệ sinh.

Dường như nhà hát chỉ quan tâm đến việc bán thật nhiều vé vào cửa, tổ chức nhiều suất diễn mà quên mất nỗi khổ của khách. Đấy là còn chưa kể đến các nhà vệ sinh (NVS) công cộng ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm nhếch nhác, mà có lúc bí bách, muốn dẫn khách vào cũng đành chịu nhịn vì bị khóa trái cửa.

Ở thủ đô đã vậy, những tỉnh xa vấn đề vệ sinh còn tệ hơn nhiều. Cách Hà Nội 170 km, du lịch Mai Châu, bản Pà Cò, Hang Kia (Hòa Bình) là điểm dừng chân, nghỉ ăn trưa và ngủ qua đêm của khách du lịch trên cung đường du lịch Tây Bắc. Do phong tục tập quán nên đến nay ở đây vẫn chưa có NVS. Mới đây, ở bản Hang Kia có một hộ gia đình được Công ty du lịch Hòa Bình tài trợ xây dựng NVS. Thế nhưng, do không biết sử dụng nên NVS thường xuyên trục trặc, phải đóng cửa liên tục. Khách đến đây chỉ còn biết trút “nỗi buồn” vào... thiên nhiên.

Tôi nhớ mãi lần dẫn đoàn khách châu u nghỉ trưa tại bản Pà Cò. Trời thì mưa, khách nhịn hết nổi đành phải kiếm chỗ “giải quyết”. Khi dẫn khách ra mảnh vườn sau nhà, khách ngơ ngác chẳng thấy bóng dáng NVS đâu ngoài bãi cỏ dại mọc um tùm. Thực sự, lúc đó mình cảm thấy xấu hổ, đành phải giải thích mong nhận được sự cảm thông của du khách vì mức sống người dân còn nghèo chưa có điều kiện xây NVS. Các hướng dẫn viên du lịch cũng đã nhiều lần góp ý với các ban quản lý, hệ thống cung cấp dịch vụ, tuy nhiên tiếng nói, phản ánh của chúng tôi rất hạn chế nên tình hình không cải thiện được mấy. Theo tôi, sự thay đổi này phải xuất phát từ các cơ quan đầu ngành, phải có những giải pháp làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh.

Vũ Ngọc Khiêm, Giám đốc Công ty du lịch Indochina travel land

Chỉ cần học các nước trong khu vực

Tôi được biết, một số diễn đàn trang du lịch nước ngoài “cảnh báo” khách du lịch không nên đi vệ sinh tại các NVS công cộng ở Việt Nam. Một số người nói với chúng tôi, họ được bạn bè dặn dò, trong hành trang du lịch ở VN không thể thiếu giấy vệ sinh và khăn ướt. Thế nên, khách du lịch, nhất là khách châu u nhất định không chịu đi NVS công cộng. Theo tôi, chẳng phải so sánh với nước tiên tiến, phát triển, chỉ cần học hỏi các nước trong khu vực xung quanh chúng ta. Đã đến lúc NVS phải được quan tâm!

Trần Quốc Hưng, phụ trách hướng dẫn viên Công ty du lịch Redtour

T.Hằng (ghi)

Bùi Ngọc Long - Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.