Lắm tự do, thêm tự túc
Hơn 20 doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM và Hà Nội đang rầm rộ quảng bá chùm tour ghép khách lẻ kích cầu, siêu khuyến mãi, giá trọn gói giảm đến không thể tin được: gần 50%. Nhưng nếu nhìn kỹ trong lịch trình của tour mới thấy phần tự túc của khách đã tăng chóng mặt. Đơn cử, Công ty lữ hành Hanoitourist bán tour Hà Nội - Nha Trang 4 ngày giá 6,8 triệu đồng/người lớn, nhưng khách phải tự ăn hai bữa chính, không bao gồm vé cáp treo Vinpearl, tắm bùn khoáng tháp Bà, dù hai điểm này đều có trong chương trình.
Các sản phẩm Hành trình di sản miền Trung 4 - 5 ngày của Liên minh kích cầu miền Bắc gồm 14 hãng lữ hành cùng bán chung cũng vậy. Họ "cho" khách tự do hai buổi chiều, một buổi sáng tại Đà Nẵng và Hội An; tự ăn bữa trưa đầu tiên; nếu về Hà Nội chuyến bay muộn sẽ tự lo nốt bữa tối. Một số hãng còn giới thiệu tour, nếu mỗi đoàn có trên 10 người muốn lên Bà Nà, nộp thêm 600.000 - 650.000 đồng/khách để công ty phục vụ. Riêng Vietran Tours công bố tour 4 ngày Đà Nẵng - Hội An - Bà Nà - Sơn Trà song vẫn cho khách lựa chọn tắm suối khoáng nóng hoặc đóng thêm tiền thăm Bà Nà. Còn Hanoitourist đưa hẳn Bà Nà vào chương trình trọn gói, song giá tour không bao gồm vé cáp treo lên núi… Như vậy, chi phí trong giá tour trọn gói đương nhiên giảm theo mà chẳng cần kích cầu.
Cùng trong ngành nhưng ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty Vitours ở Đà Nẵng, tỏ ra ngạc nhiên với mức giảm giá trọn gói tour kích cầu miền Trung tới 40% mà đồng nghiệp tại Hà Nội đang chào bán. Bởi Vitours được sử dụng vé máy bay kích cầu của Vietnam Airlines chặng TP.HCM/Hà Nội - Đà Nẵng; công ty cũng có đoàn xe, đội hướng dẫn viên và một số khách sạn riêng tại Đà Nẵng, song giá tour kích cầu trọn gói cũng chỉ giảm được tối đa 20 - 30%.
Rất nhiều hãng lữ hành tại TP.HCM bán tour kích cầu bay ra miền Trung, miền Bắc lại có cách khác để “tôn trọng tối đa nhu cầu cá nhân từng khách”. Chẳng hạn, xe đưa đoàn tới chân núi Bà Nà (Đà Nẵng), ai thích lên tham quan thì bỏ thêm 400.000 đồng đi cáp treo. Người không lên chắc chỉ còn nước ngủ trên xe chờ.
Trưởng phòng nội địa một công ty du lịch lớn tại TP.HCM (đang cho khách tự trả tiền vé cáp treo đi Vinpearl, Bà Nà, Yên Tử) thừa nhận, việc “tôn trọng nhu cầu riêng của mỗi khách” rồi bỏ khách tự túc là có phần ngụy biện. Nhưng du lịch vốn phải "nhìn nhau" xây dựng giá, nên chỉ một vài doanh nghiệp bóc tách dịch vụ này, dịch vụ kia nhằm giảm giá “ảo” trọn gói, thì nhiều đối thủ ngay lập tức làm theo. Vì thế, tình trạng giảm giá “ảo” trong lữ hành hiện tại rất phổ biến.
|
“Ăn cắp” thời gian của khách
Mới nghe số ngày đi với giá tiền tưởng rẻ, nhưng "soi" kỹ mới thấy không ít công ty sử dụng chiêu ăn cắp thời gian của khách. Đơn cử tour Phú Quốc 3 ngày 2 đêm của một công ty du lịch lớn đưa khách rời TP.HCM lúc 14 giờ 45. Đến nơi cũng đã gần cuối giờ chiều nên chẳng thể tham quan gì được. Chưa kể, khách tốn tiền phòng 3 sao ngủ lại đảo đêm cuối để 8 giờ 5 sáng hôm sau bay về. Tour siêu khuyến mãi thực chất này chỉ... 1 ngày 2 đêm.
Rồi Hanoitourist cho khách bay đi Đà Nẵng chuyến 15 giờ 5, bay về chuyến 16 giờ 45, khiến thời gian trong tour bị giảm bớt gần 5 giờ so với tour giá đắt hơn. Trong chiều hướng ngược lại, một số công ty du lịch bán chương trình khám phá vùng địa đầu Hà Giang (khởi hành từ TP.HCM) mang tính vận động cao, để đoàn về tới Tân Sơn Nhất lúc 22 giờ 35. Như vậy, trong 4 ngày liền khách ngồi ô tô di chuyển liên tục, qua nhiều cung đường đèo dốc hiểm trở ở cao nguyên đá Đồng Văn rồi quá 23 giờ mới về tới nhà. Có lẽ, niềm hoan hỉ được giảm trên 1,9 triệu đồng khó lấn át nổi nỗi mệt nhọc. Thậm chí, có công ty còn quảng cáo hớ, khi khẳng định đưa khách thăm phiên chợ Đồng Văn cực kỳ thú vị vào ngày thứ bảy, trong khi phiên chợ này thực tế luôn họp vào chủ nhật hằng tuần.
Biết tâm lý khách trong nước thích đi thăm càng nhiều điểm càng tốt, hãng lữ hành đã cố tình đưa thật nhiều nội dung tham quan hấp dẫn “ảo” vào tour. Hôm mùng 2 tết năm nay, người viết bài mua tour Hà Giang của một công ty ở Hà Nội. Khi xem trên website, hãng ghi rõ có thăm phiên chợ Mèo Vạc đầy màu sắc, họp vào chủ nhật hằng tuần. Lúc lên xe, hướng dẫn viên “đính chính” ráo hoảnh: Trong tết các phiên chợ ngừng họp, sau rằm tháng giêng mới họp lại. Khách ngỡ ngàng, bực mình song đã đóng tiền rồi còn biết làm thế nào?
Kích cầu cho cả... Trung Quốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) đang chào bán hai tour ra Bắc giảm giá 32 - 33%, khởi hành thứ sáu hằng tuần. Tour thứ nhất dành hẳn một buổi chiều đưa khách từ TP.Lào Cai sang bên kia biên giới “tham quan Hà Khẩu và mua quà sản xuất tại Trung Quốc”. Tour còn lại cũng dành một buổi đưa khách tham quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), đi chợ biên giới mua quà Trung Quốc. Lữ hành còn gợi ý: khách có thể tự túc xuất cảnh sang tham quan TP.Đông Hưng bên kia biên giới, đi chợ trung tâm mua hàng Trung Quốc. |
Kích cầu bằng miệng Tổng cục Du lịch hồi tháng 5 tổ chức triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2013. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM trong hội nghị kích cầu đã đặt ra hàng loạt câu hỏi, chẳng hạn như đến tháng 5 mới kích cầu thì tới khi chương trình chính thức đi vào hoạt động không ít hãng lữ hành đã “chết”. Ngoài ra, mang tiếng kích cầu nhưng ngành du lịch không có kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và dịch vụ, mà chủ yếu kêu gọi doanh nghiệp giảm giá để thu hút khách. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chi phí đầu vào đều tăng, thì việc kêu gọi doanh nghiệp giảm giá 10 - 40% để kích cầu là không khả thi. |
N.T.Tâm - Hữu Thắng
Bình luận (0)