Du lịch loay hoay tìm bản sắc

17/10/2014 09:34 GMT+7

Du lịch Đắk Lắk vẫn thiếu bản sắc riêng để thu hút du khách và trở thành ngành kinh tế hiệu quả, bền vững.

 

 Du lịch voi
Du lịch voi được cho là đơn điệu, thiếu hấp dẫn - Ảnh: Trung Chuyên

Quà lưu niệm duyên hải trên cao nguyên

“Du lịch Tây nguyên đang cần một chiến lược lâu dài; ngoài tôn tạo cảnh quan, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, cần có những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt của từng địa phương”. Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kđăm tại hội thảo về phát triển du lịch được tổ chức mới đây tại Đắk Lắk.

Theo bà Linh Nga, vùng đất Tây nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đặc sắc, chỉ riêng Đắk Lắk đã có hàng chục quần thể thác - rừng, các địa danh lịch sử, văn hóa, cùng với các vườn quốc gia, vùng chuyên canh cà phê… có thể xây dựng thành các quần thể du lịch hấp dẫn. Thế nhưng, du khách lên cao nguyên chơi gì, xem gì, mua gì, ở lại bao lâu, vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Bà Linh Nga dẫn lời nhận xét của một du khách đến Buôn Đôn: “Không có gì đặc sắc. Du lịch voi thì ở Thái Lan, Ấn Độ hấp dẫn hơn!”. Có tiền nhưng du khách không mua quà lưu niệm Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Lắk, vì cũng chỉ là thổ cẩm Chăm ở Ninh Thuận đưa lên, hàng Thái Lan, Lào… tràn ngập.

Bà Linh Nga cũng cho rằng sự “na ná” nhau của sản phẩm du lịch ở Đắk Lắk ở các khu, điểm du lịch (đều cưỡi voi, chèo thuyền, đi cầu treo, ẩm thực cơm lam, gà nướng…) làm cho bức tranh du lịch địa phương thiếu bản sắc độc đáo, hấp dẫn, khó đem lại hiệu quả cao và bền vững. Theo ông Phạm Tâm Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, nguyên nhân chủ yếu do phần lớn doanh nghiệp tập trung đầu tư kinh doanh cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ), chưa chú trọng đầu tư các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; chưa quan tâm xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh cao…

Đánh thức tiềm năng

Theo các chuyên gia ngành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch với bản sắc riêng cho Đắk Lắk không phải làm điều gì cao xa mà chính là khai thác ngay trong lợi thế, tiềm năng sẵn có. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, đưa ra đề xuất cụ thể như đối với lễ hội cà phê, cần đơn giản hóa phần “lễ” để giảm chi phí không cần thiết, tập trung mở rộng phần “hội” truyền thống để thu hút du khách; vườn cà phê là một sản phẩm du lịch đặc thù nên tạo thành “điểm đến” lôi cuốn. Ông Thọ cũng cho rằng nên thành lập trung tâm hàng lưu niệm Tây nguyên với khoảng 500 - 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong đó có những sản phẩm độc đáo, riêng có của Tây nguyên.

Cùng ý tưởng “đánh thức tiềm năng”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải VN (Viettravel), xuýt xoa tiếc rẻ trước các tài nguyên thác nước chỉ được khai thác ở mức “tham quan, chụp ảnh, đi cầu treo”. Ông Kỳ nhận định: “Cần phát triển những dịch vụ trải nghiệm đặc sắc hơn như vượt thác bằng dây cáp, vượt thác bằng bè… như cách làm du lịch thác nước ở nước ngoài. Những sản phẩm độc đáo này sẽ là của riêng vùng cao nguyên mà các nơi khác khó có được”...

Tuy vậy, không ít cảnh báo đầy lo ngại về tiềm năng của Đắk Lắk đang cạn kiệt trước khi biến thành sản phẩm du lịch với bản sắc riêng. Đó là đàn voi nhà “rơi rụng” dần theo thời gian; rừng ở các khu du lịch sinh thái, vườn quốc gia bị tàn phá; các thác nước cạn trơ đá - hệ lụy của thủy điện chặn dòng; các nghệ nhân dân gian “về với ông bà, tổ tiên”; những di sản nhà dài, bến nước, các lễ cúng dân gian, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng ở buôn làng cũng dần biến mất… Du lịch Đắk Lắk đang đứng trước ngổn ngang những thách thức để tìm hướng phát triển trong tương lai.

Trung Chuyên

>> Tour du lịch ra đảo xa hút khách
>> Xây dựng thương hiệu du lịch cho Buôn Ma Thuột
>> Chuyên nghiệp hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng
>> Thác du lịch bị bỏ hoang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.