Liên kết vùng duyên hải miền Trung, Tây nguyên với các tỉnh Nam Lào và đông bắc Campuchia nhằm khắc phục những gì còn lạc hậu và nhàm chán là nội dung được đề cập tại hội thảo quốc tế về du lịch, diễn ra vào ngày 12.9 tại tỉnh Bình Thuận.
Cuộc đua thuyền buồm ở Mũi Né - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Hội thảo do Bộ VH-TT-DL, Ban Điều phối duyên hải miền Trung và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, có sự tham dự của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL Lào và Campuchia. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải, liên kết vùng trong các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây nguyên với các tỉnh Nam Lào và đông bắc Campuchia có ý nghĩa chiến lược trong tầm nhìn phát triển du lịch đến 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Đừng có sao làm vậy
|
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN Lê Hữu Thọ chỉ ra nhiều vấn đề mà du lịch VN đang trì trệ như thiếu an toàn cho du khách; vệ sinh môi trường, sản phẩm du lịch nghèo nàn... “Ví dụ về câu chuyện Vũng Tàu có rất đông khách, nhưng khách đến chi tiêu rất ít tiền vì thiếu sản phẩm. Khách rất đông mà chẳng thu được tiền thì cái đó cũng chưa gọi là du lịch”, ông Thọ phát biểu và từ đó nhấn mạnh: “Cái này tư duy của lãnh đạo mỗi địa phương là yếu tố quan trọng quyết định cho chính sách phát triển du lịch. Vì trong bối cảnh nào, du lịch cũng vẫn phát triển. Du lịch chính là xuất khẩu tại chỗ lớn nhất”.
Còn TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, đánh giá: "Nếu chúng ta làm du lịch theo kiểu có sao làm vậy, có gì ăn nấy thì chẳng mấy chốc hoang tàn ngay. Do đó, cần phải có một chính sách dài hơi cho du lịch, đặc biệt phải lường trước được các biến cố về chính trị, kinh tế của thế giới”. Dẫn chứng về sự sụt giảm cực nhanh của du khách Nga thời gian qua, TS Thiên nhận định: “Những tác động của chính trị, kinh tế thế giới tác động rất nhanh đến du lịch. Nếu không có tầm nhìn, không có sự liên kết, chúng ta sẽ phải trả giá”.
Phải lấy doanh nghiệp làm nòng cốt
Theo TS Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đặc thù vùng duyên hải Nam Trung bộ có chung đủ thứ từ biển, núi, sông hồ, di tích, văn hóa tâm linh. Cho nên, phải tìm được những đặc thù riêng của từng điểm đến, có sản phẩm riêng biệt, có sức hút, không copy nhau mới thu hút được du khách.
“Cái này chính doanh nghiệp (DN) mới là người chủ động trong việc tạo ra các yếu tố nổi trội, khai thác lợi thế so sánh, nhằm kích thích du khách kéo dài kỳ nghỉ của mình", ông Siêu nhận định.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch cho rằng làm du lịch phải có tính chuyên nghiệp cao. Cái này DN phải là nòng cốt. Nhưng họ không thể tự bơi mà cần có sự định hướng của nhà nước. Tương tự, TS Trần Đình Thiên khẳng định: “Nhà nước làm quy hoạch du lịch phải dựa trên các ý kiến của DN. Như vậy mới thực sự hiệu quả”.
Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - Phó trưởng ban Điều phối duyên hải miền Trung Đào Tấn Lộc khẳng định sắp tới ban điều phối sẽ cùng với Ban Kinh tế T.Ư, Bộ VH-TT-DL kiến nghị nâng cao khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cấp các sân bay hiện có.
Trao đổi bên lề hội thảo với PV Thanh Niên, ông Lộc cho biết thêm sau 4 năm thành lập Ban Điều phối duyên hải miền Trung, ban đều nhìn nhận lợi thế rất to lớn về tiềm năng du lịch miền Trung, đặc biệt là du lịch biển, đảo. Nhưng cũng đã xuất hiện những sự trùng lặp về sản phẩm du lịch. Sự liên kết trong vùng chỉ có tuyến đường bộ độc đạo QL1 dù mới được nâng cấp, nhưng đường sá chật hẹp, đi lại rất mất thời gian và thiếu an toàn cho du khách. Chất lượng du lịch thì còn yếu do đội ngũ làm du lịch chưa chuyên nghiệp. Do vậy tính cạnh tranh còn kém. “Sắp tới, các tỉnh cùng nhau họp bàn tháo gỡ các khó khăn của mình, đề xuất các chính sách có tính đồng bộ”, ông Lộc nói.
Cũng bên lề hội thảo, trả lời PV Thanh Niên, trung tướng Triệu Xuân Hòa - Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây nguyên, cho biết: “Nhưng cái quan trọng hiện nay là cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém. Cái này không những phải có DN lớn dám đầu tư làm, mà nhà nước cũng phải tạo cơ chế chính sách thật tốt để khuyến khích DN đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Có vậy kinh tế du lịch vùng miền Trung mới phát triển được”.
Bình luận (0)