Ngay cả những ngày lễ kéo dài hiện nay, du khách đến TP.HCM muốn tìm chỗ vui chơi - giải trí về đêm rất khó ngoài đi... nhậu.
Chỉ đầu tư sản phẩm ban ngày
Tính đến thời điểm này, TP.HCM có khoảng 5 tuyến phố đi bộ. Trong đó, nổi tiếng và thu hút nhất là 2 tuyến ở trung tâm là Bùi Viện và Nguyễn Huệ (Q.1). Dù cả hai tuyến phố đều thu hút rất đông khách trong và ngoài nước hằng đêm, nhưng vẫn chưa đủ các yếu tố để đưa TP trở thành “thành phố không ngủ” nhằm thu hút du khách nước ngoài.
|
Đơn cử phố đi bộ Bùi Viện, trước khi được quy hoạch thành phố đi bộ, đây được gọi là “phố Tây” vì tập trung rất đông khách nước ngoài. Giờ trở thành “điểm nhấn” về vui chơi giải trí, nhưng hoàn toàn bỏ qua các sự kiện văn hóa, sự kiện quần chúng khiến Bùi Viện dần trở thành “phố nhậu” thuần túy. Trước đây có chương trình hoạt động văn hóa duy nhất là “À ố show” cũng không được đầu tư đến nơi đến chốn, để mặc doanh nghiệp (DN) tự vận động nên cũng chìm dần.
Ngược lại, đường Nguyễn Huệ trở thành điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, giải trí nhưng lại thiếu các dịch vụ mua sắm, shopping, ẩm thực đậm chất du lịch. Thế nên phố đi bộ Nguyễn Huệ, vẫn tập trung chủ yếu các bạn trẻ đến hóng mát, chụp hình, uống cà phê và ăn hàng rong thay vì trở thành “đặc sản” về đêm của TP.
Có thâm niên vài chục năm trong ngành du lịch, đã trải nghiệm rất nhiều “thành phố không ngủ”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel, nhận định TP có rất nhiều địa điểm có thể trở thành khu ăn uống hấp dẫn về đêm cho du khách khám phá, ví dụ như khu Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), nhưng cũng không được sắp xếp, quy hoạch bài bản. TP.HCM là đầu tàu kinh tế nhưng mãi vẫn chưa thể trở thành trung tâm mua sắm do chưa có quy hoạch, chưa tạo thành từng mùa vụ đặc trưng.
“70% nguồn thu từ du lịch đến từ các sản phẩm về đêm nhưng hiện TP.HCM đang đầu tư hoàn toàn vào những sản phẩm ban ngày trong khung giờ từ 7 - 20 giờ. Vậy phải gọi là TP “nửa thức nửa ngủ” mới đúng. Mọi thứ TP đều có sẵn, quan trọng nhất là cần sự thay đổi, đột phá từ nhận thức đến suy nghĩ, ra ý tưởng, từ đó mới dẫn đến hành động để thoát khỏi lối mòn đang đi bao năm qua”, ông Kỳ nói.
Phát triển các sản phẩm đường phố
Sau nhiều đường bay thẳng trong nước và nước ngoài được mở tới các điểm đến, TP.HCM mất dần lợi thế là nơi trung chuyển. Vì vậy, muốn cạnh tranh thu hút du khách, cơ hội lớn nhất của TP là dịch vụ giải trí về đêm. Thế nhưng, dù quyết tâm nhưng sau nhiều năm, du khách đến TP vẫn rơi vào tình trạng không biết đi chơi đâu, xem cái gì khi đêm xuống. Đây cũng là một trong những lý do khiến chi tiêu của du khách tới đây rất khiêm tốn. Cũng vì không có gì chơi, du khách quốc tế chỉ lưu lại TP trung bình 1 - 2 đêm.
tin liên quan
Du lịch không chỉ là ăn chơi, nhảy múaÔng Kỳ đề xuất trước mắt nên tập trung phát triển các sản phẩm, ẩm thực đường phố, biểu diễn nghệ thuật đường phố, sự kiện văn hóa quần chúng mà qua đó khách du lịch có thể cảm nhận được văn hóa, truyền thống, nét đặc sắc của TP nói riêng cũng như VN nói chung.
Đây là những sản phẩm có sức hút mà người dân địa phương có thể tự đầu tư, Chính phủ chỉ cần tạo hành lang, khung chính sách phù hợp. Tiếp đến, cần đẩy mạnh liên kết vùng, xúc tiến du lịch tại chính các tỉnh, thành lân cận, sau đó mới quảng bá rộng rãi đến từng thị trường trọng điểm ở nước ngoài. Nhanh chóng kết nối và số hóa toàn bộ hạ tầng cung ứng dịch vụ để du khách dễ dàng tìm đến các điểm vui chơi, giải trí.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi Sao Biển, nhận định 3 tiêu chí hàng đầu để thu hút du khách quốc tế khi đến VN đó là con người địa phương, sản vật địa phương và ẩm thực địa phương. Mô hình thích hợp nhất để kết nối 3 hoạt động này trong cùng một không gian là các khu ẩm thực, chợ đêm. Đây là nơi các du khách có cơ hội cọ xát, gặp gỡ, cảm và thấm văn hóa, con người VN.
“Nếu được tổ chức một cách bài bản, những khu ẩm thực, chợ đêm chắc chắn sẽ là một trong những sản phẩm tiềm năng thu hút khách du lịch quốc tế”, ông Sơn khẳng định.
Bình luận (0)