Men sò huyết làm gốm trong ngôi nhà cổ 200 năm tuổi
'Đi nhiều, tôi càng yêu quý giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, trong đó có dòng gốm cổ Quảng Đức độc nhất vô nhị', nhà báo Phạm Lê Quốc Cường nói về nhà cổ 200 năm tuổi lưu giữ nhiều cổ vật gốm Quảng Đức.
Tự động phát
[VIDEO] Về Quảng Đức Xưa nghe gia đình kể chuyện gốm men sò huyết độc bản thất truyền
|
Gia đình nặng duyên với gốm
Với những người đam mê sưu tầm cổ vật, không chỉ gốm mà các dòng sản phẩm khác, phải nói đến chữ duyên. Lớn lên ở Tuy An (Phú Yên) từ bé, quanh năm nhìn thấy các cụ trong làng làm gốm, nhưng mãi sau này khi làm báo và đi nhiều nơi, anh Cường (BTV Đài truyền hình Việt Nam tại Phú Yên) mới chính thức bén duyên với gốm.
Trong gia đình, ngoài bố anh Cường thì anh cả là người có niềm đam mê với gốm Quảng Đức nhiều nhất, sau đó tới vợ chồng anh Cường và thế hệ sau là Quốc Bảo (24 tuổi, – con trai của anh cả), lại tiếp nối niềm đam mê đó. Hiện tại, Quốc Bảo đang là quản lý không gian Quảng Đức Xưa (không gian nhà cổ lưu giữ hàng trăm cổ vật gốm Quảng Đức) kèm theo một công việc là thuyết minh cho du khách về gốm Quảng Đức.
Làng gốm men sò huyết bên bờ sông Cái
Gốm Quảng Đức ra đời ở làng Quảng Đức, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, do một dòng họ Nguyễn mang nghề gốm Gò Sành từ Bình Định vào.
tin liên quan
300 khách bay 'chuyên cơ' riêng đến Phú Quốc dự lễ cưới của đại gia Ấn Độ
Điều đặc sắc nhất của gốm Quảng Đức mà nhiều người nhắc đến là dòng gốm tráng men sò huyết. Với nguyên liệu là đất sét xã An Định, các nghệ nhân chèn thêm sò huyết tươi đầm Ô Loan vào đầy bao gốm và nung 3 ngày 3 đêm với củi mằng lăng lấy từ xã Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Sò huyết tươi gặp nhiệt độ cao trong lò sẽ kích nhiệt, tạo ra hiện tượng hỏa biến tác động đến lớp men tươi khiến màu sắc men biến đổi. Trong một lò nung, các sản phẩm đặt ở vị trí đầu, giữa hay đáy lò đều màu sắc khác nhau, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, trên bề mặt xương gốm còn lưu lại dấu vết những vỏ sò tan chảy. Chính điều này khiến mỗi sản phẩm gốm Quảng Đức là độc bản.
“Tại Quảng Đức Xưa còn lưu lại bộ ba sản phẩm gốm có màu hồng – là màu có giá trị cao nhất trong dòng sản phẩm gốm tráng men. Sở dĩ màu hồng rất quý vì rất khó để tạo ra màu này, sản phẩm phải đặt ở lửa ngọn, nơi có nhiệt độ cao nhất mới hỏa biến ra gam màu này”, anh Quốc Bảo (cháu anh Cường, quản lý khu du lịch Quảng Đức Xưa) giải thích.
tin liên quan
Ngoài đào Đồng Đăng, Măng Đen cũng rực sắc hồng thắm
Một trong những chiếc bình tại Quảng Đức Xưa có khắc năm 1934, tại làng Quảng Đức, là dấu tích của việc người Pháp sử dụng những sản phẩm gốm này. Đây cũng là một trong những thời điểm cuối cùng mà kỹ thuật làm gốm Quảng Đức còn tồn tại.
“Hiện tại tại Quảng Đức Xưa còn lưu lại những chứng tích của các lò làm gốm đầu tiên, được xem như những cứ liệu mà tôi cũng như các nhà nghiên cứu về gốm cổ có cơ sở dữ liệu để nghiên cứu. Sắp tới chúng tôi có kế hoạch để khôi phục phần nào khâu chế tác, nhưng việc đó đến bây giờ vẫn rất khó khăn vì liên quan đến kỹ thuật, bí quyết, và quan trọng nhất là nguyên liệu. Thật khó để bây giờ có thể tìm hàng tấn sò huyết tươi như vậy để đổ vào lò gốm...", người quản lý Quảng Đức Xưa nói.
Người duy nhất muốn giữ nghề đến hết đời
Theo lời anh Cường, chúng tôi có ghé về đầu làng Quảng Đức để tìm về làng gốm xưa. Tên gọi “Lò Gốm” vẫn còn lưu lại trên chiếc cầu bắt qua sông Cái, nhưng cả làng hiện tại chỉ còn duy nhất ông Nguyễn Văn Ngân (50 tuổi) còn giữ nghề gốm cha truyền con nối. Thế nhưng những sản phẩm gốm bây giờ chỉ là vài loại chậu cảnh đất nung trang trí, còn kỹ thuật làm gốm men sò huyết thì đã thất truyền từ lâu.
tin liên quan
Người đàn ông miền Tây làm nghề 'độc' đóng xuồng mini cả triệu/chiếc
Chất lượng đất sét đã không còn như xưa, việc tìm hàng tấn sò huyết tươi để cho vào lò nung cũng không thể được, còn củi đun để tạo nhiệt độ cao trong lò càng khó khăn hơn nữa. Loại củi mằng lăng từ cánh rừng mằng lăng bạt ngàn ở khu vực này khi xưa, giờ chỉ còn lại trong tên gọi của nhà thờ Mằng Lăng. Đó là dấu tích duy nhất của một cánh rừng mằng lăng từng tồn tại.
Anh Cường tâm huyết: “Chính vì làng nghề độc đáo đã thất truyền nên tôi càng muốn lưu giữ và chia sẻ những giá trị đó đến cho nhiều người, cũng có thể vì duyên sưu tầm đến sau nghề làm báo. Nếu lưu giữ và phát huy được những giá trị tinh hoa của ông bà ngày xưa để giới thiệu đến các thế hệ sau, họ sẽ càng yêu quý và đồng hành cùng chúng ta".
Không chỉ có gốm, trong không gian rộng 2.000m2 gia đình anh còn sưu tầm cả căn nhà gỗ 3 gian và mang từ Huế về sửa chữa trong 3 tháng. Bên cạnh đó còn rất nhiều vật dụng trong đời sống sinh hoạt của người xưa được góp nhặt về đây như khung dệt lụa của làng lụa Ngân Sơn, ngư cụ đánh bắt cá, đồ trang sức, khuôn bánh, cối xay bột … Tất cả tạo nên một không gian kiến trúc làng nghề đậm chất làng mạc xưa.
Bình luận (0)