Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bác sĩ đều khuyến cáo rửa tay 20 giây với xà phòng sạch khuẩn mới là biện pháp phòng dịch Covid-19 hữu hiệu hơn cả, gel khô chỉ nên là biện pháp thay thế tiếp theo.
Ma trận dung dịch rửa tay khô
Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát cho tới nay, cơ quan chức năng trên cả nước đã liên tục “khui” ra hàng loạt các cơ sở kinh doanh gel rửa tay khô không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Những chai gel “diệt” khuẩn với cái tên rất “Tây” và lạ,… hoặc thậm chí mang hẳn “thương hiệu Corona”, cùng những lời quảng cáo “có cánh” của các cửa hàng online trên mạng xã hội như “bảo đảm tiêu diệt được virus Corona”,… đã khiến nhiều người tiêu dùng bị lầm tin, chọn mua, dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Đã có nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng, đỏ mẩn, bong tróc, ngứa... do sử dụng qua dung dịch sát khuẩn trôi nổi trên thị trường.
Theo các bác sĩ, việc sử dụng những dung dịch sát khuẩn kém chất lượng sẽ tiềm ẩn hai nguy cơ lớn. Thứ nhất, dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Thứ hai, dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng hoặc gây độc hại khi dung dịch vào mắt, mũi, miệng, thức ăn. Do đó, người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng, chỉ chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, uy tín và nguồn cung chính thống, rõ ràng.
Đâu mới thật sự là giải pháp an toàn để phòng chống dịch bệnh?
Năm 2009, sau khi thí điểm tại 10 quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phổ biến rộng rãi phương thức điều chế gel rửa tay khô trên website của mình. Theo đó, để có được 500 ml dung dịch sát khuẩn, chỉ cần có 415 ml cồn y tế 96% (cồn ethanol), 20 ml ô xy già 3%, 7,5 ml glyxerin 98%, 55 ml nước cất hoặc nước đun sôi để nguội không có cặn bẩn.
Dẫu vậy, WHO cũng khuyến cáo rằng dung dịch này chỉ nên pha chế trong trường hợp người dùng không có cơ hội sử dụng các loại xà phòng. Bởi chất lượng của dung dịch sát khuẩn “tự chế” vẫn tồn tại khuyết điểm như việc khó kiểm soát nồng độ cồn của thành phẩm cuối cùng, có thể dẫn đến viêm da nếu sử dụng lâu dài.
Mới đây, BS Ngô Đức Hùng - thuộc khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cảnh báo về thực trạng gel rửa tay khô kém chất lượng tràn lan trên thị trường và việc người tiêu dùng lạm dụng sản phẩm này.
“Vì tốc độ lây lan nhanh, Covid-19 đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Phòng hơn chống, rửa tay với xà phòng 20 giây vẫn là lựa chọn tốt nhất. Nhưng không phải lúc nào cũng sẵn nước với xà phòng nên nước rửa tay nhanh được khuyên dùng, hay còn gọi là gel rửa tay khô. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tràn ngập thị trường với lời quảng cáo không thể kêu hơn: diệt được Corona, diệt khuẩn tuyệt đối…
Nhưng đời luôn có kẻ này người nọ, mọi người có lo thì cũng cần hết sức cẩn thận với những nhãn hiệu chưa được kiểm chứng. Nước rửa tay vẫn chỉ là nước rửa tay, dùng đúng cách và đúng thời điểm mới có hiệu quả phòng bệnh. Nếu không, chính các thứ nước sát khuẩn này sẽ phá vỡ mối cân bằng vi sinh trên da, chưa kể gây kích ứng và làm hỏng da tay, đặc biệt là da các em bé”.
Bác sĩ Hùng cho biết, gel rửa tay tuy dễ pha chế nhưng nếu tỷ lệ thành phần không được đảm bảo sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo lựa chọn những thương hiệu lớn, có độ tin cậy cao.
|
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có khả năng diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm các vật dụng y tế như khẩu trang và các loại dung dịch sát khuẩn sẽ còn tiếp diễn.
|
Người tiêu dùng cần phải tự cập nhật thông tin, luôn tỉnh táo trước những lời quảng cáo “sai lệch” và chỉ sử dụng các sản phẩm xà phòng/nước rửa tay sạch khuẩn/gel khô có thương hiệu, có chứng nhận an toàn, không dùng khẩu trang lãng phí, chia sẻ cho người cần, không vì quá lắng lo mà vét sạch thực phẩm ở siêu thị để tích trữ. Cùng nhau tỉnh táo, chúng ta sẽ vượt qua mùa dịch an toàn.
|
Bình luận (0)