Dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường: Thuế suất cao nhất 6.000 đồng/lít xăng

20/11/2009 23:28 GMT+7

Dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính vừa hoàn thành đưa ra mức thuế cao nhất lên đến 6.000 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu.

Thuế chồng lên phí

Trao đổi với Thanh Niên, ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - đồng tình với việc đánh thuế các sản phẩm gây ra khí thải nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, ông Chung cho rằng mức thuế như đề xuất khá cao nên cần nghiên cứu sao cho hợp lý hơn, nhất là với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Theo ông Chung, trong giá xăng dầu hiện nay đã bao gồm rất nhiều loại phí. Cụ thể, một lít xăng A92 đang có giá 16.300đ đồng/lít đã phải gánh đến 6.200 đồng tiền phí và thuế, gồm: 1.800 đồng thuế nhập khẩu, 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, 1.200 đồng thuế giá trị gia tăng, 1.000 đồng trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, 1.000 đồng tiền phí giao thông và 200 đồng Quỹ Bình ổn xăng dầu. Như vậy, chỉ tiền thuế và phí đã chiếm 40% giá của một lít xăng. Nếu áp thêm thuế BVMT thì thuế và phí sẽ bị đẩy lên đến hơn 53% giá của một lít xăng.

Ông Chung lo ngại giá xăng dầu lên cao quá sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, vì hiện nay chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35 - 45% tổng chi phí của các doanh nghiệp vận tải. Khi giá thành vận tải hành khách và hàng hóa bị đẩy lên cao thì chính người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị nên xem xét giảm bớt phí và thuế đối với xăng dầu.

Dễ thu, dễ nộp 

Xem xét miễn thuế cho nông dân, ngư dân

Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, khi đánh thuế BVMT, cần xem xét miễn thuế cho một số đối tượng như nông dân, ngư dân... do sử dụng các loại máy móc chuyên dụng (đánh bắt cá, tuốt lúa...) không nhằm mục đích vận chuyển, không gây ô nhiễm môi trường. Việc thu phí qua xăng dầu có khuyết điểm là không phân biệt được đối tượng, do đó có thể áp dụng cách thoái thu - tức hoàn thuế - cho các đối tượng này.

Việc thu phí qua giá xăng dầu được đánh giá là phương pháp dễ thu, dễ nộp và chi phí xã hội thấp, do đó thời gian qua có rất nhiều loại phí được đề xuất thu theo cách này. Mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất thu phí phương tiện để lập quỹ bảo trì đường bộ, trong đó nhiều khả năng sẽ thu qua giá xăng dầu. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng, để tạo nguồn vốn cho quỹ bảo trì đường bộ, giá xăng dầu có thể sẽ được tăng thêm 200 - 300 đồng/lít hoặc 300 - 500 đồng/lít. Trước đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu quy định mức phí lưu hành cho xe cá nhân nhằm hạn chế kẹt xe và một trong những giải pháp được TP.HCM đề xuất là thu phí qua xăng dầu. Như vậy, nếu không có tính toán hợp lý, thì mức phí và thuế áp lên mặt hàng xăng dầu sẽ ngày càng nặng, đẩy giá xăng dầu lên... trời.

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM - cho rằng, việc đánh thuế được xem là công cụ kinh tế để điều tiết việc sử dụng mặt hàng xăng dầu, từ đó vừa hạn chế khí thải gây ô nhiễm vừa tạo nguồn thu đầu tư trở lại cho môi trường. Thông thường, để công cụ kinh tế đạt hiệu quả thì mức thuế suất phải cao. Tuy nhiên, theo ông Dương, hiện nay thị trường xăng dầu chưa mang tính cạnh tranh nên nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ đưa toàn bộ mức thuế BVMT vào giá thành và đẩy giá bán xăng dầu lên cao. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt nên việc tăng giá sẽ kéo theo nhiều biến động về giá thành của hàng loạt sản phẩm khác và ảnh hưởng đến cả cân đối kinh tế ở tầm vĩ mô.

Ngăn khí thải từ gốc

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết, hiện nay ta mới chỉ đánh phí BVMT đối với nước thải (gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp) và chất thải rắn. Trong đó, mỗi năm thu được bình quân 70 - 80 tỉ đồng phí nước thải sinh hoạt và 6 - 9 tỉ đồng phí nước thải công nghiệp, dùng để đầu tư cho các dự án BVMT quốc gia và địa phương. Ông Tuấn đánh giá mức thu này còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của các dự án cải thiện môi trường.

Riêng phí BVMT với khí thải dù đã được dự thảo nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được thông qua và áp dụng. Trong khi trên thực tế, khí thải từ các phương tiện sử dụng xăng dầu nói riêng và nhiên liệu nói chung là nguồn gây ô nhiễm không khí rất lớn, với nhiều loại chất có hại cho sức khỏe con người. Theo ông Tuấn, ngoài việc đánh thuế BVMT, cần ngăn ngừa khí thải từ gốc bằng cách tăng cường kiểm định, kiểm soát khí thải các phương tiện tham gia lưu thông. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, có đến hơn 60% người sử dụng xe máy không đưa xe đi bảo dưỡng đúng chu kỳ 6 tháng/lần như khuyến cáo của các nhà sản xuất, điều này góp phần làm tăng nguồn khí thải vào không khí. Do đó, việc kiểm soát khí thải sẽ tạo thêm thói quen cho người tiêu dùng về việc phải đưa xe đi bảo dưỡng, sửa chữa trước khi kiểm tra. Đồng thời bảo dưỡng cũng giúp tiết kiệm được từ 10 - 15% xăng cho 100 km xe chạy, do vậy vừa đảm bảo tính kinh tế vừa giảm thiểu khí thải. Trong quá trình kiểm định, xe nào thải khí quá quy định, ngoài việc bị bắt buộc sửa chữa, còn phải nộp phạt để tăng nguồn thu cho quỹ BVMT. Trong tương lai, việc hướng tới sử dụng các loại nguyên liệu sạch hoặc nguyên liệu đã được giảm thành phần các chất gây ô nhiễm (chẳng hạn xăng dầu ít lưu huỳnh, không chì) là cần thiết.

Theo GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và công nghiệp - cách thu thuế BVMT qua xăng dầu tuy đơn giản nhưng chưa đảm bảo công bằng vì không kiểm soát được chất lượng phương tiện, máy móc nên rất có thể người thải khí nhiều, kẻ thải khí ít đều bị đánh đồng. Mặt khác, mức độ phát sinh khí thải do phương tiện sử dụng dầu gây ra lớn hơn phương tiện sử dụng xăng nên cần ấn định thuế BVMT cao hơn cho mặt hàng dầu. Đối với các cơ sở công nghiệp sử dụng các loại nhiên liệu khác có phát sinh khí thải thì mức phí nên được tính toán trên tổng lượng khí độc thải ra môi trường.

8 nhóm sản phẩm bị đánh thuế

Dự thảo luật đưa ra 8 nhóm đối tượng sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải chịu thuế. Gồm: nhiên liệu và sản phẩm từ hóa thạch (xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu, mỡ nhờn, than, khí thiên nhiên, khí than); dung dịch HCFC; thuốc lá; hạt và bột nhựa từ sản phẩm hóa dầu; nhựa màng mỏng, phế liệu nhựa nhập khẩu; pin, ắc-quy các loại; hóa chất tẩy rửa (trừ các loại chế biến từ thực vật); a-xít vô cơ, xút và nhóm sơn công nghiệp.

Trong đó, xăng và nhiên liệu bay nằm trong khung thuế suất từ 1.000 - 6.000 đồng/lít; dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn bị đánh thuế từ 300 - 2.000 đồng/lít (kg); dầu diesel chịu thuế 500 - 2.000 đồng/lít... Đặc biệt, mặt hàng thuốc lá cũng dự kiến bị đánh thuế 50 - 500 đồng/g. Mức thuế được xây dựng trên cơ sở mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm chịu thuế.

Thời điểm tính thuế đối với sản phẩm sản xuất trong nước là thời điểm cơ sở sản xuất bán ra; với sản phẩm nhập khẩu là thời điểm tính thuế nhập khẩu; với xăng dầu là thời điểm các doanh nghiệp đầu mối bán ra. Người nộp thuế môi trường là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế môi trường.

Nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.