Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Thiếu tính thực tiễn và "chỏi" luật

24/07/2007 22:18 GMT+7

Ngày 24.7, Ủy ban Trung ương MTTQ cùng Hội Luật gia VN đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu luật, Dự thảo Luật Thuế TNCN được cho là thiếu tính thực tiễn và còn nhiều điểm "chỏi" với các đạo luật đã có từ trước...

5 triệu đồng sống chưa đủ, sao áp thuế?

Hai vấn đề cụ thể được các đại biểu góp ý nhiều nhất tại hội nghị là mức khởi điểm chịu thuế và mức khấu trừ gia cảnh. Theo đó, hầu hết các phát biểu đều cho rằng mức khởi điểm chịu thuế quy định trong dự thảo là không hợp lý. "Ngay tại thời điểm này, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tại các TP lớn người dân vẫn không đủ chi cho các khoản sinh hoạt phí và các chi phí khác như thuê nhà, mua nhà, y tế, giáo dục... Các khoản khấu trừ cũng chưa tính hết trường hợp gia đình chỉ có một người có thu nhập (vợ hoặc chồng). Nếu theo cách tính này, hỏi rằng không biết đến bao giờ người có thu nhập chính đáng mới mua nổi một căn nhà để ở" - luật sư Hoàng Minh Ngọc lo lắng.

Nhưng điều đáng lo hơn, theo luật sư Ngọc là: "Nền kinh tế nước ta còn ở trình độ kém phát triển, mức sống của dân cư và thu nhập bình quân đầu người còn quá thấp, trong khi đó đồng tiền của chúng ta đã và đang bị mất giá. 99,99% các sản phẩm, hàng hóa đều tăng giá với tốc độ chóng mặt. Mức tăng lương hằng năm không theo kịp chỉ số tăng giá. Nếu thực hiện thu thuế TNCN theo dự luật thì toàn xã hội sẽ bị ảnh hưởng, trong đó người làm công ăn lương là đối tượng sẽ chịu thiệåt đơn, thiệt kép...". Với lập luận như vậy, luật sư Ngọc đề xuất mức khởi điểm chịu thuế "Ít nhất cũng phải là 6 triệu đồng, còn không là 7 hoặc 8 triệu đồng"; đồng thời ông Ngọc đề nghị giảm mức thuế suất khởi điểm xuống 2% so với 5% theo dự thảo.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Phạm Văn Hải cho rằng mức khởi điểm chịu thuế 6 triệu đồng vẫn thấp. "Dự thảo là để cho tương lai, ít nhất đến đầu 2009 mới thực hiện. Mức 5 triệu đồng hiện nay ở TP sống đã khó khăn, 2 năm nữa sẽ ra sao? Rất nhiều người góp ý với chúng tôi là nên lấy mức khởi điểm chịu thuế 10 triệu đồng là vừa phải" - ông Hải nói.

Tương tự, mức khấu trừ gia cảnh quy định trong dự thảo là 1,6 triệu đồng/trường hợp cũng được xem là quá thấp. "Giảm trừ cho người phụ thuộc 1,6 triệu đồng đối với nhân dân sống ở miền Trung, Tây Nguyên thì được, đối với người sống ở các thành phố lớn thì quá phi lý" - tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận định. "Vừa rồi chúng ta thấy ở TP.HCM có hàng ngàn học sinh thi vào lớp 10 không đạt cả 2 nguyện vọng phải học các trường tư, trường quốc tế... với học phí vài triệu mỗi tháng cho lớp bán trú.

"Cả dự thảo không hề biết, hoặc không hề quan tâm đến thuế suất âm, một hình thức trợ cấp cho những bộ phận dân nghèo, những bộ phận dân cư cần hỗ trợ đặc biệt. Một thiếu sót quá thô thiển"

Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng

Mức khấu trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng liệu có đủ đóng học phí cho các em?" - luật sư Nguyễn Hữu Danh nói. Giải pháp cho vấn đề này, cả hai ông Danh đều cho rằng: "Ban soạn thảo cần có một cuộc khảo sát mức chi tiêu bình quân của một người trong tháng, đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy, rồi căn cứ vào đó để đưa ra mức khấu trừ gia cảnh". Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế, đề nghị trong phần giảm trừ cũng cần nghiên cứu để tính riêng từng đối tượng được giảm trừ...

Thiếu một điều tra có tính định lượng

Cũng trong phần giảm trừ gia cảnh, dự luật thuế khống chế "Tổng số giảm trừ đối với người phụ thuộc cho một đối tượng nộp thuế không quá 10 triệu đồng". Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Phạm Văn Hải cho rằng "Quy định như thế là không hợp lý, vì với một người có gánh nặng gia đình quá lớn thì lấy tiền đâu để trang trải?". Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn đề xuất: "Tổng số giảm trừ đối với người phụ thuộc cho mỗi cá nhân không nên ấn định mức cao nhất mà nên dựa vào các tiêu chí được quy định trong luật".

Còn luật sư Nguyễn Hữu Danh cho rằng việc khống chế này đã mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình: "Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: "Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa vợ và chồng theo quy định của luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác". Nay dự thảo hạn chế mức độ cấp dưỡng của người nộp thuế là trái với nghĩa vụ cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình. Quy định này cần phải được bãi bỏ".

Tiếp tục đối chiếu với các luật hiện hành, luật sư Danh còn chỉ ra một loạt các điểm mà theo ông, là dự thảo đang "chỏi” lại hoặc trùng lắp, đặc biệt là với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn tiến sĩ Lê Vinh Danh, sau khi phân tích sâu nhiều điều của dự thảo đã đi đến kết luận: "Dự thảo 4 chương 33 điều vừa thừa, vừa thiếu. Nhưng chỗ yếu nhất là không có một điều tra có tính định lượng tin cậy nào để đưa ra các chỉ số phân loại thu nhập và tính thuế, cho nên đa số nội dung là những suy nghĩ rất chủ quan. Cần phải làm lại vì nếu ban hành những nội dung kiểu này sẽ tác động rất tiêu cực đến nhân dân và tình hình phát triển kinh tế". Nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc phải làm lại dự thảo, đồng thời lùi thời hiệu áp dụng luật lại sau ngày 1.1.2009.

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.