Bài: Linh Trần
Nhắc đến tên anh, người ta thường nghĩ ngay đến áo dài. Theo anh, đó có phải là thách thức?
Không thể phủ nhận rằng không có thách thức. Giữ nhiều cương vị quan trọng khác ngoài danh xưng nhà thiết kế, nhưng mọi người vẫn nhớ đến tôi là một trong những nhà thiết kế trang phục truyền thống, đến hôm nay, tôi luôn tin tưởng vào việc lựa chọn con đường đi của mình. Công việc sáng tạo ăn sâu vào tiềm thức nên tôi nghe theo như một bản năng, nhưng không có nghĩa là sẽ vững bền mãi ở đỉnh cao nhờ vào bản năng. Phải tiếp thu và đổi mới tư duy là cách đối mặt với thách thức đó.
Là một nhà thiết kế lâu năm và tham gia nhiều sự kiện thời trang khác nhau, có bao giờ anh muốn ngưng công việc mà mình đang làm và chuyển sang một công việc khác?
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi chỉ nghĩ làm sao để phát triển và để tốt hơn, bấy nhiêu điều tích cực đó thôi cũng quá nhiều điều để làm, vì vậy cũng không còn chỗ để nghĩ đến việc vì sao phải ngưng.
Nhiều nhà thiết kế thường hay khoe khoang nhà cửa, hàng hiệu, giải thưởng này kia… nhưng công việc chính của họ là sáng tạo nên các bộ quần áo dường như không thật nổi bật. Quan điểm của anh về chuyện này?
Có nhiều cách nhìn nhận vấn đề ở việc này. Tôi nhìn một cách thực tế rằng nếu như bạn tạo dựng được thì bạn có quyền hãnh diện với những gì bạn đang có. Nhưng nếu sống dựa vào bề nổi đó mà quên đi mình là ai, mình phải làm gì thì qua thời gian sẽ dần nhận ra quy luật của sự đào thải. Vẫn sẽ cố gắng vì những tiện ích nói trên nhưng đừng để nhất thời mà quên đi những gì đang chờ đợi phía trước.
Anh đã cho ra mắt nhiều bộ sưu tập, cho đến thời điểm này, bộ sưu tập nào làm anh phải trăn trở nhiều nhất?
Mỗi một bộ sưu tập, tôi luôn phải đầu tư tất cả tâm huyết. Là người cầu toàn nên tôi muốn mọi việc phải thật chỉn chu, và với người theo đuổi trang phục truyền thống lại càng phải hiểu biết và trân trọng nhiều hơn những giá trị của nó. Tôi vẫn rất tự hào về lãnh Mỹ A và mặc nưa mà mình đã khôi phục, từ đó mà bộ sưu tập “Cô ba xứ Việt” của tôi lại được công chúng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Tôi may mắn có những người phụ nữ như má và các chị truyền cảm hứng cho tôi đến với lãnh Mỹ A, sau đó là những tháng ngày xuống tận nơi xuất xứ của lãnh Mỹ A là tỉnh An Giang để tìm hiểu. Từ sự truyền cảm hứng đến thực tế có quá nhiều khó khăn không thể nào quên được, nhưng từ đó, mình mới biết quý và cố gắng.
Anh đã làm thời trang từ rất lâu, có bao giờ anh muốn làm một bộ trang phục như thế này nhưng cuối cùng nó lại ra thế khác?
Công việc sáng tạo thì làm sao ngăn nổi những ý tưởng mới đến bất chợt. Những lần như thế, tôi luôn cần thời gian để ngồi lại xem thật kỹ, quyết định cuối cùng cũng là sự lựa chọn mình cảm nhận được sự hoàn mỹ.
Tiêu chí của anh khi chọn người mẫu để trình làng bộ sưu tập?
Cái đẹp thời nay không còn bó buộc trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh đó, trang phục cũng đa dạng, sáng tạo hơn, và như bạn biết đấy, sáng tạo là không có biên giới. Vì vậy, những gương mặt nào phù hợp và cảm nhận được thần thái thì tôi sẽ lựa chọn.
Ai là người mẫu anh muốn cộng tác lâu dài?
Nhiều nhà thiết kế luôn có một người mẫu đồng hành nhưng tôi lại không chọn lựa. Với tư duy mở, nên tôi luôn làm mới bản thân và cả những thiết kế. Chính vì vậy mà tôi không muốn mang một hình mẫu đã tạo dựng thật chỉn chu ở bộ sưu tập này lại mang cảm xúc, nét mặt vào bộ sưu tập khác.
Điều anh lấy làm tiếc về bản thân mình?
Cuộc sống đã cho tôi nhiều hơn là mất. Vì vậy, đến giờ phút này, tôi vẫn cảm thấy mình thật sự may mắn. Tất cả mọi việc dù đã xảy ra thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn chưa bao giờ lấy làm tiếc vì tôi đã làm được rất nhiều điều cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi yêu công việc của mình, không gì có thể tuyệt hơn được làm những điều mình thích.
Điều tồi tệ nhất mà ai đó đã nói với anh?
Tôi đã từng bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để giới thiệu về giá trị truyền thống văn hóa qua các mẫu áo dài. Đó còn là niềm tự hào không riêng gì của tôi mà còn của cả dân tộc. Thế nhưng, trước đây, cũng có vài nhà thiết kế từng nói với tôi rằng tôi sẽ không bao giờ thành công và tôi cũng đã sai khi chọn cho mình hướng đi là nhà thiết kế trang phục truyền thống. Và đến bây giờ, các nhà thiết kế từ trước đến nay chỉ luôn thiết kế trang phục ứng dụng, dạ hội… lại chuyển sang làm áo dài.
Một mẫu trang phục áo dài cách điệu của nhà thiết kế Võ Việt Chung
Bài học quan trọng nhất mà cuộc sống đã dạy anh?
Chúng ta sống cuộc đời này là của mình nên hãy nghe theo chính mình và lựa chọn thái độ sống cũng như kiên quyết với những quyết định. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa bao giờ hối tiếc khi trở thành một nhà thiết kế.
Điều đầu tiên anh thường nhìn người phụ nữ là gì?
Tôi rất ấn tượng với phụ nữ qua hình dáng bên ngoài. Có thể vì công việc của tôi luôn đem đến sự hoàn mỹ, cho nên điểm ấn tượng đầu tiên và theo tôi, cũng là quan trọng nhất để gây ấn tượng cho người đối diện là trang phục.
Tính cách nào quan trọng nhất đối với anh?
Uy tín và chân thành. Vì nếu muốn thành công thì không thể thiếu hai tính cách này.
Những thách thức anh đang phải đối mặt?
Tôi luôn phải cố gắng mỗi ngày, vì nếu ngủ quên trong chiến thắng thì đến một ngày nào đó, tôi sợ không còn là tôi và hơn ai hết tôi biết mình đang làm gì, đang ở đâu… Tôi sợ một ngày nào đó, khi thức dậy, bị mất phương hướng và không biết phải bắt đầu như thế nào.
Nếu có lời khuyên dành cho các nhà thiết kế trẻ, anh sẽ khuyên gì?
Hãy luôn tâm huyết với công việc. Sáng tạo không có giới hạn nhưng phải biết đi đúng hướng.
Ước mơ |
Tôi đã lao động chăm chỉ và đến thời điểm này tôi cảm thấy tạm ổn và ít nhiều cũng đã góp phần giới thiệu trang phục truyền thống Việt Nam ra thế giới thông qua các chương trình, tuần lễ thời trang. Tôi tạm hài lòng về điều đó. Nếu được ước mơ, tôi mong muốn mình có điều kiện mở trường đào tạo cho các em có mong ước trở thành nhà thiết kế thời trang. |