Vượt qua tầng tầng lớp lớp khó khăn
Năm 1983, Tổng cục Cao su VN (nay là Tập đoàn Công nghiệp cao su VN - VRG) thực hiện chủ trương mở rộng, phát triển cao su trên địa bàn Tây nguyên; nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở Tây nguyên. Khi có chủ trương này, Công ty Cao su Đồng Nai là một trong những đơn vị tiên phong quyết tâm “găm” cây cao su xuống vùng rừng núi H.Ea H’leo (Đắk Lắk).
Công ty Cao su Ea H’leo đã đầu tư hàng trăm km đường cấp phối trong vườn cao su |
Đức Nhật |
Đầu năm 1984, 39 cán bộ, công nhân viên từ Công ty Cao su Đồng Nai khăn gói về huyện miền núi Ea H’leo làm nhiệm vụ. Cũng bắt đầu từ đây, Công ty Cao su Ea H’leo chính thức được thành lập.
Lúc bấy giờ, ông Trương Công Lực mới chỉ là chàng thanh niên 17 tuổi tràn đầy nhựa sống. “Gia đình tôi vốn quê ở Bình Định, sau đó thì chuyển vào vùng núi Ea H’leo sinh sống. Ngày công ty thành lập, phong trào bóng đá của công ty rất mạnh. Tôi xin vào làm công nhân cũng chỉ vì mê bóng đá”, ông Lực nhớ lại.
Vì là người địa phương, lại thường xuyên giao lưu với người đồng bào dân tộc thiểu số, nên ông Lực nói tiếng Ê đê như gió. Tài năng ấy cũng nhanh chóng được ban lãnh đạo phát hiện, và ông Lực trở thành phiên dịch viên của công ty.
Ông Lực bảo rằng thời gian đầu, nhiệm vụ của công ty là khai hoang, trồng mới, chăm sóc cây cao su. Trong đó nhiệm vụ chủ yếu nhất là giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn H.Ea H’leo, góp phần cùng với địa phương xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng.
Những ngày ấy, dân cư nơi vùng rừng núi Ea H’leo còn thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn với chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ không biết tiếng phổ thông nên giao tiếp rất khó khăn. Cuộc sống du canh du cư vẫn còn là phương thức canh tác chủ yếu của người dân.
Những ngày đầu xây dựng, Công ty Cao su Ea H’leo đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Giữa rừng thiêng nước độc, đời sống thiếu thốn khiến nhiều công nhân bị đau ốm, sốt rét liên miên. Cũng có những công nhân bị sốt rét rừng rồi nằm lại ở những cánh rừng cao su bạt ngàn nắng gió. Khí hậu khắc nghiệt khiến dịch bệnh hoành hành, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Trong khi đó an ninh, trật tự xã hội chưa ổn định khi các thế lực thù địch liên tục chống phá. Nhiệm vụ khai hoang, trồng mới và chăm sóc vườn cây cao su lúc bấy giờ vấp phải tầng tầng lớp lớp khó khăn.
Chú trọng chăm lo an sinh xã hội
Không hiểu tiếng phổ thông, người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn e dè khi tiếp xúc với công ty. Từ xa xưa, ông cha người Ê đê chỉ quen trồng cây ăn quả chứ chưa trồng cây lấy mủ bao giờ. Họ cho rằng trồng cây không ăn được thì lúc đói lấy cái gì bỏ vào bụng... Bởi vậy, khi các cán bộ công ty về vận động người dân tham gia khai hoang, trồng cao su thì đều nhận được những cái lắc đầu từ chối.
Công ty Cao su Ea H’leo có 1.390 công nhân, trong đó có hơn 45% là người đồng bào dân tộc thiểu số - Đức Nhật |
Đức Nhật |
Cũng bởi vậy, nhiệm vụ tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm trở thành nhiệm vụ chính của công ty. Là người biết tiếng Ê đê, ông Lực được công ty cử về các vùng sâu, vùng xa, ăn ngủ cùng người bản địa để vận động, tuyên truyền họ tham gia vào công ty cao su.
Để phục vụ canh tác, sản xuất, Công ty Cao su Ea H’leo đã kéo điện, mở những tuyến đường qua các làng bản. Đồng thời xây dựng trường học, trạm y tế để phục vụ con em của bà con người bản địa.
Từ chỗ đường giao thông chỉ toàn là đường đất đỏ, mùa nắng đường đầy bụi, mùa mưa sình lầy; điện nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt thiếu thốn...; thì đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng 120 km đường cấp phối trong vườn cao su, 70 km đường giao thông liên thôn, liên xã vùng sâu và 40 km đường nhựa. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư xây dựng 3 ngôi trường, nhiều trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho công nhân và người dân trong vùng.
Không chỉ vậy, công ty còn chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội tại địa phương. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, Công ty Cao su Ea H’leo đã xây dựng và trao tặng 40 căn nhà tình nghĩa. Công ty còn hỗ trợ xây dựng các trường học trong huyện, đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt…
40 năm thay đổi những “con đường”
Khi những dòng nhựa trắng từ đường cạo đã ngưng chảy, nữ công nhân Adrơng H'cúc (18 tuổi, buôn Đung, xã Ea Khênh, H.Ea H’leo) hối hả trút mủ cao su vào xô, kết thúc ngày làm việc. Thời gian trước, nhà có ít đất sản xuất chẳng đủ để canh tác, H’Cúc vào TP.HCM tìm việc.
Đức Nhật |
Chẳng có việc làm, lại phải xa gia đình nên H’Cúc trở lại quê nhà. Vài tháng trước, H’Cúc xin vào làm công nhân cạo mủ ở Công ty Cao su Ea H’leo. Sau thời gian đào tạo và thi tuyển, H’Cúc được tuyển dụng vào công ty.
“Ở buôn có nhiều người vào làm công ty, có lương thưởng ổn định nên cuộc sống đỡ vất vả hơn so với đi làm thuê bên ngoài. Thấy vậy em cũng đăng ký vào làm công nhân. Sau thời gian đào tạo nghề, em được công ty tuyển vào làm. Được làm việc gần nhà thì rất tiện chăm sóc gia đình, công việc lại ổn định nên em mừng lắm”, H’Cúc hồ hởi.
Đến nay, sau gần 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cao su Ea H’leo đã xây dựng được 4 nông trường, 3 đội sản xuất, 2 xí nghiệp chế biến, 1 trung tâm y tế... Tổng số lao động 1.390 người, trong đó có hơn 45% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích quản lý trên 4.800 ha cao su.
Từ chỗ cơ sở vật chất không đáng kể, đến nay tổng giá trị tài sản của công ty là trên 750 tỉ đồng. Sản lượng khai thác hằng năm bình quân đạt 6.200 tấn. Tính gộp 5 năm trở lại đây, từ 2017 - 2021 sản lượng khai thác đạt 31.300 tấn. Tổng doanh thu đạt trên 1.200 tỉ đồng. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 7,2triệu đồng/người/tháng trong năm 2022; nộp ngân sách trên 92,6 tỉ đồng.
Ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo cho biết, trong chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển, từng giai đoạn đều có những khó khăn, thuận lợi khác nhau, nhưng thành quả mà công ty đã đạt được như ngày nay là to lớn và toàn diện. Trong chặng đường đó, công ty đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba, và Huân chương Lao động hạng nhì, ba…
Từ chỗ, cây cao su chỉ ở giai đoạn mới phát triển trên vùng đất mới, đầy khó khăn, đến nay công ty đã biến Ea H’leo trở thành vùng kinh tế cao su phát triển. Đặc biệt, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông nghiệp - nông thôn tại địa bàn chiến lược quan trọng tại huyện.
“Nhưng chiến công to lớn nhất của công ty là đã giúp người dân địa phương thay đổi “con đường” làm ăn. Từ canh tác lạc hậu du canh du cư, không áp dụng được khoa học kỹ thuật trong canh tác; đến nay người dân đã thực hiện định canh định cư, thay đổi nếp nghĩ cách làm và phát triển kinh tế bền vững”, ông Tuấn nói. (Còn tiếp)
‘Đóng góp rất nhiều cho địa phương’
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND H.Ea H’leo, cho biết Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo đã đóng góp rất nhiều cho địa phương trong việc tạo công ăn việc làm, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất. Đặc biệt, công ty luôn phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ an sinh xã hội đối với các hộ dân trên địa bàn.
“Có thể khẳng định, với mục tiêu ban đầu là quan tâm đến người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động, giải quyết an sinh xã hội, góp phần cùng với địa phương xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh quốc phòng, thì công ty đã hoàn thành rất tốt”, ông Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)