img

Không chỉ đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo nhờ sản xuất những tàu chiến hiện đại, những siêu tàu khách ra đời bởi các nhà máy đóng tàu trong nước đang đưa ngành đóng tàu VN tiến thẳng vào bản đồ tàu biển thế giới.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 1.

Tàu Thăng Long được vận hành bởi Phú Quốc Express, đóng tại Hải Phòng, hạ thủy vào tháng 5.2022. Đây là tàu cao tốc 1 thân lớn nhất VN với sức chứa 1.017 khách. Nếu so sánh với máy bay Airbus A321 (dài 44,5 m, có 184 chỗ ngồi) thì tàu Thăng Long có sức chứa lớn gấp 5 lần. Còn so với Boeing 787 - dòng máy bay thân rộng hiện đại nhất thế giới - thì hãng tin Sputnik (Nga) mô tả con tàu cao tốc có sức chứa gấp 3 lần.

Đáng chú ý, tàu được lắp 3 động cơ hiện đại do Rolls - Royce MTU của Đức sản xuất với tổng công suất gần 12.000 mã lực, giúp đạt vận tốc lên đến 32 hải lý/giờ (hơn 57,6 km/giờ) khi chạy không tải. Con tàu được lựa chọn để thực hiện "sứ mệnh" kết nối TP.HCM và Côn Đảo bằng đường biển chỉ với 4,5 tiếng và khoảng 3,5 tiếng từ Vũng Tàu. Với thiết kế hiện đại cùng các tính năng tiên tiến, siêu tàu Thăng Long được Sputnik khen ngợi là một "tuyệt tác kỹ thuật". Sự choáng ngợp đã thôi thúc hãng tin hàng đầu của Nga phải làm hẳn 1 bài viết để giới thiệu về "cha đẻ" của con tàu này - Công ty TNHH MTV 189 (Nhà máy Z189). Bài viết này đã thu hút sự chú ý ở cả trong nước lẫn quốc tế.

Được thành lập vào năm 1989, tiền thân là Xưởng 10B thuộc Phòng Công binh, Bộ Tham mưu Quân khu 3, Công ty 189 (nay thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã trải qua 30 năm để chuyển mình từ đơn vị sẵn sàng phục vụ chiến đấu (sửa chữa, đóng mới các phương tiện thủy, bộ, dịch vụ vật tư kim khí phục vụ đóng tàu) trở thành một nhà máy đóng tàu uy tín, chất lượng cao của không chỉ VN mà còn của khu vực. Bởi trước tàu Thăng Long, Nhà máy Z189 đã chinh phục những thị trường cao cấp như châu Âu, Úc, châu Mỹ, châu Á… bằng hàng trăm con tàu và hàng ngàn xuồng các loại.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 2.

Nhìn lại lịch sử, năm 1996 đánh dấu mốc son lịch sử khi Công ty 189 chế tạo thành công tàu tuần tra cao cấp Hải Âu cùng tàu đổ bộ mang tên Hùng Vương 01 - sản phẩm được chế tạo thử lần đầu tiên ở VN và đóng mới. Sản phẩm tàu HQ 798 dài 38 m đã thực sự đạt trình độ nghệ thuật cao trong công nghiệp tàu cá được thiết kế trang nhã và hiện đại, trang trí nội thất cao cấp. Đây là tiền đề để 1 năm sau, nhà máy này tiếp tục ghi bước đột phá trong công nghệ đóng tàu cao tốc vỏ hợp kim nhôm ở VN khi chế tạo thành công tàu tuần tra cao tốc vỏ nhôm mang ký hiệu ST 112 cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Tiếp theo là các tàu chở quân, tàu quân y lớp K122/K123 thuộc biên chế Hải quân Nhân dân VN. Đây là loại tàu hiện đại và lớn nhất hiện nay của Quân chủng Hải quân do VN tự thiết kế và thi công. Biến thể tàu quân y của lớp này hiện được đánh giá là một trong những tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 3.

Tàu quân y 561 của Vùng 4 hải quân làm nhiệm vụ tại vùng biển đảo An Bang (Trường Sa)

Không chỉ là nơi khởi sinh những tàu chiến thuộc loại hàng đầu khu vực, Công ty 189 cũng đã thực hiện rất thành công và hiệu quả khi xuất xưởng hàng loạt tàu, xuồng du lịch - chở khách, tàu công vụ cao tốc vỏ hợp kim nhôm. Tháng 11.2003, tàu khách hai thân vỏ hợp kim nhôm mang ký hiệu thiết kế ST180 lao nhanh trên vùng biển Cát Bà - Long Châu với vận tốc 33 hải lý/giờ tiếp tục ghi một mốc son của công nghệ đóng tàu VN lần đầu tiên đã chế tạo thành công tàu hai thân - tàu ST180. Tàu đã đạt Huy chương vàng tại Triển lãm Quốc tế công nghiệp đóng tàu hàng hải và vận tải VN (năm 2004). Con tàu ra mắt chỉ sau gần 1 năm thi công không những gây ấn tượng mạnh mẽ với quốc tế về công nghệ đóng tàu của VN mà còn thể hiện rõ sự đi đầu và dám nghĩ, dám làm của 1 đơn vị thuộc lực lượng quân đội. Từ quý 4.2007, đơn vị này tiếp tục hoàn thiện 4 tàu hàng xuất khẩu 2.600 tấn cho Hà Lan; 2 du thuyền năm sao KT29 đóng mới cho Công ty Du thuyền BHAYA; thi công du thuyền vỏ nhôm hai thân cao cấp CT100 cho Pháp, 2 tàu FCS 3307 cho Hà Lan, xuồng cao tốc cho Singapore, 2 du thuyền vỏ nhôm hai thân RFF135 cho Thụy Điển...

Với tất cả những chiến tích trên, Nhà máy Z189 hiện được ví như "cái nôi" của những con tàu hiện đại và là niềm tự hào của ngành đóng tàu VN.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 4.

Những thành tựu của Công ty 189 thật sự khiến không ít người giật mình, bởi trong suốt 2 thập niên qua, đội tàu mỏng, yếu được cho là nguyên nhân không chỉ khiến các hãng tàu Việt để vuột mất nguồn lợi khổng lồ từ thị trường vận tải hàng hóa quốc tế mà còn khiến doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu VN khốn đốn vì sự thao túng của các hãng tàu ngoại.

Thế nhưng, thực tế về mặt sở hữu và làm chủ công nghệ, VN quy tụ rất nhiều "ông lớn" đủ sức đưa ngành đóng tàu vươn lên cạnh tranh với quốc tế, đều thuộc lực lượng Quân đội nhân dân VN.

Đầu tiên phải kể đến Tổng công ty Ba Son (Xí nghiệp Liên hợp Ba Son) thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Với bề dày lịch sử 160 năm hình thành và phát triển, đây là đơn vị tiên phong của ngành cơ khí đóng tàu VN và là đơn vị đầu tiên, cũng là duy nhất tại VN đóng tàu chiến đấu hiện đại, công nghệ cao. Tổng công ty Ba Son đã thành công trong đóng mới, cải hoán nhiều loại tàu chiến đấu và tàu chuyên dụng cho quân đội, đóng tàu cho khách hàng trong nước và quốc tế, như: đóng thành công cặp tàu pháo TP.01 và TP.01M đầu tiên của VN trong giai đoạn 1977 - 1980. Cặp tàu này đang nằm trong đội hình chiến đấu của Lữ đoàn 127 (Vùng 5 Hải quân) với số hiệu 251 và 253.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 5.
Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 6.
Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 7.

Đây cũng là DN đóng thành công tàu tên lửa PS500 đầu tiên của VN, mang số hiệu 381 và nhập biên chế Vùng 4 Hải quân ngày 12.10.2001. Đây là chiếc tàu tuần tra mang tên lửa diệt hạm đầu tiên được đóng mới trong nước theo chuyển giao công nghệ của Nga. Đặc biệt, từ cuối năm 2009, chương trình đóng tàu tên lửa lớp 12418 (Molniya) đã được triển khai tại Tổng công ty Ba Son và trong giai đoạn 2014 - 2017, đơn vị đã bàn giao 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya cho Quân chủng Hải quân, là các tàu 377, 378 (tháng 6.2014); 379, 380 (tháng 7.2015); 382, 383 (tháng 10.2017), hiện đang thuộc Vùng 2 Hải quân.

Cũng thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) từ năm 2012 đến 2015 đã đóng mới thành công và bàn giao 4 tàu pháo TT-400TP cho Quân chủng Hải quân. Đây là lớp tàu pháo tuần tra, có lượng chiếm nước 475 tấn (trang bị đầy đủ), tốc độ tối đa 59 km/giờ, hoạt động liên tục tới 30 ngày trên biển. Lớp tàu pháo TT-400TP được trang bị pháo hạm tự động 76 mm AK-176, pháo bắn nhanh tự động 6 nòng 30 mm AK-630 có ra đa dẫn bắn, súng máy phòng không 14,5 mm và hệ thống tên lửa phòng không vác vai 9K38 Igla với 2 giàn ống phóng. Một "người anh em" khác là Tổng công ty Sông Thu cũng đã thành công đóng mới 4 tàu vận tải đổ bộ đa năng Roro 5612. Đây là loại tàu vận tải đổ bộ thế hệ mới, đóng mới theo tiêu chuẩn quốc tế Damen của Hà Lan. Tàu được trang bị khí tài hiện đại; có thể đổ bộ, quay trở trong không gian hẹp, phù hợp với vận chuyển hải quân đánh bộ, xe tăng, cơ giới, hàng hóa và vũ khí...

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 8.

Tàu pháo 274 cơ động làm nhiệm vụ trên biển

Với những nền móng vững chắc mà các đơn vị quân đội đã gầy dựng, một thế hệ tàu mới đang được thiết kế và đóng mới tại VN nhờ sự tiếp bước của rất nhiều DN như Công ty CP kỹ thuật đóng tàu VN (VISEC); Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy SBIC; Công ty CP Vận tải biển Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát)…

Năm 2023, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong đó liệt kê tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng trong năm 2021 của các quốc gia. Đáng chú ý, VN đứng ở vị trí thứ 5, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng vào năm 2021 là 0,61%.

Mới nhất, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc diễn ra cuối tháng 6.2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, đề nghị Ba Lan hỗ trợ VN trong lĩnh vực đào tạo cơ bản và lĩnh vực đóng tàu. Đề nghị mới hứa hẹn giúp VN sớm thu hẹp khoảng cách và vươn lên vị trí thứ 5, hoặc thậm chí thứ 4 trong bảng xếp hạng, chỉ sau 3 "ông lớn" là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 9.

Tại Triển lãm Thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu VN 2023 (VIMOX 2023), ông Kenny Yong, Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media, nhận định ngành công nghiệp đóng tàu của VN đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể. Với đường bờ biển trải dài, lực lượng lao động lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, VN sở hữu lợi thế độc nhất trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu mang lại. "VN là quốc gia có vị trí địa lý hàng hải quan trọng, nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua và là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia. Vì vậy, tiềm năng cho thị trường đóng tàu là rất lớn. Do đó, việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, công nghệ đóng tàu có ý nghĩa vô cùng quan trọng", ông Kenny Yong nhấn mạnh.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 10.

Tàu kiểm ngư 290 tuần tra qua vùng biển Đá Lớn, Trường Sa

TS Phạm Hoài Chung, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, khẳng định thế kỷ XXI là "thế kỷ của đại dương". Việc xây dựng và phát triển kinh tế biển đã trở thành nhiệm vụ, chiến lược trọng tâm hàng đầu của mỗi quốc gia có biển. Chiến lược phát triển kinh tế biển VN nhằm vươn ra biển, khai thác tiềm năng của biển phục vụ phát triển đất nước là chiến lược đúng đắn, sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vĩ mô của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua. Mặt khác, ngành vận tải biển đang đối mặt với nhiều thách thức như biến động kinh tế toàn cầu, khủng hoảng logistics và sự chuyển đổi sang phương thức vận chuyển bền vững hơn. Các vấn đề địa chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể đến ngành đóng tàu thế giới do tác động đến các tuyến đường biển thương mại thay đổi, thúc đẩy nhu cầu về tàu quân sự và hợp đồng đóng tàu. Những căng thẳng đang diễn ra và lợi ích chiến lược ở các khu vực như Biển Đông và Bắc Cực thúc đẩy đầu tư vào tàu hải quân và tàu phá băng. Ngoài ra, các chính sách thương mại và quan hệ quốc tế đang định hình nhu cầu về tàu thương mại, tác động đến quỹ đạo tăng trưởng của ngành.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 11.

Tàu tên lửa 381 trực sẵn sàng chiến đấu tại căn cứ

Theo ông Phạm Hoài Chung, thị trường đóng tàu thế giới đang sẵn sàng tận dụng nhiều cơ hội khác nhau phát sinh từ xu hướng kinh tế toàn cầu, địa chính trị và các chính sách của nước lớn. Với VN, nhu cầu vận tải biển cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển đội tàu vận tải biển với nỗ lực các chủ tàu VN nhằm tăng thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu cũng như đảm nhận 100% nhu cầu vận tải nội địa. Vì vậy ngành đóng tàu VN có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng sản xuất, khả năng cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, bắt kịp xu thế của kỷ nguyên mới.

"Đóng tàu là một ngành công nghiệp lớn, liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, luyện kim, chế tạo, lắp ráp thiết bị, máy móc cơ khí thuỷ, điện, điện tử, tự động hóa, vật liệu mới. Để sản phẩm đóng tàu có tính cạnh tranh, cần có lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp tàu thủy. Đặc thù ngành đóng tàu cũng như ngành cơ khí có tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng có tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế, có thể thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển. Kinh nghiệm phát triển của các nước cho thấy để phát triển ngành đóng tàu, nhà nước cần tiếp tục có các gói vay với lãi suất ưu đãi cho các DN đóng tàu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng với chủ tàu nước ngoài đối với những sản phẩm được đánh giá là hiệu quả. Cần hình thành DN được nhà nước lớn, trụ cột, đóng vai trò dẫn dắt, quản lý toàn diện với ngành đóng tàu như Trung Quốc, Hàn Quốc. Đồng thời, ban hành đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp về thuế, điều kiện vay, lãi suất vay vốn ngân hàng... Lựa chọn đóng tàu với xu hướng áp dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường và sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch", TS Phạm Hoài Chung nêu ý kiến.

Đưa đội tàu Việt tiến ra biển lớn- Ảnh 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.