Đua ghe giải thưởng... bèo

29/11/2008 17:54 GMT+7

Có lẽ đây là một giải thưởng lạ lùng và... ít ỏi nhất nước. Chuyện xảy ra ở một làng quê nằm cạnh dòng sông Trường Giang thơ mộng thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Không biết tự bao giờ và ai “phát minh” ra giải đua ghe độc chiêu như thế, nhưng gần như mỗi năm, cái xã nghèo nhất nhì huyện Núi Thành này đều tổ chức các giải đua ghe với nhiều lý do, chẳng hạn: Hưởng ứng đại hội thể dục thể thao huyện nhà; Mừng xuân; Mừng ngày ra quân đánh bắt cá... Đua ghe vì muốn khuấy lên không khí vui tươi cống hiến cho bà con ở cái làng quê cực khổ, thiếu thốn các món ăn tinh thần. Vậy là giải đua ghe vì thế mà tồn tại và cuốn hút người dân. Mỗi khi có đua ghe, người dân cũng như những trai tráng của thôn làng lại nô nức.

Hầu hết các làng quê có sông nước ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ xa xưa đã có giải đua ghe truyền thống được tổ chức hằng năm vào dịp lễ Tết hoặc vào dịp nước... lụt. Giải được tổ chức trong làng hoặc liên làng. Giải thưởng nhiều khi chỉ là một lít rượu gạo nhưng tinh thần thể thao thì cao ngất trời. Do chiến tranh nhiều vùng quê đã quên đi giải đua ghe này. Sau khi hòa bình lập lại, nhiều nơi dần dần phục hồi giải đua này nhưng có lẽ không sôi nổi và đều khắp như ngày xưa. (N.C)

Thật ra đua ghe giải rượu là giải “ăn theo” của giải chính thức. Gần như một thông lệ, ngay trước khi giải đua ghe chính thức diễn ra, các đội ghe đua phải làm nóng lên cái không khí đua. Người dân địa phương gọi là bơi “cúng” để giành giải... rượu. Không những tên cái giải thưởng nghe rất lạ đời mà phần thưởng của giải đua ghe này có lẽ cũng “hẻo” nhất nước. Đội về nhất được giải rượu (quy ra tiền) khoảng 100.000 đồng. Có năm chỉ vỏn vẹn 50.000 đồng. Thậm chí vào dịp Tết, giải thưởng có thể là mấy... chai rượu gạo và vài đòn bánh tét quyên góp bà con hàng xóm. Nhưng không vì thế mà các đội đua xem thường khán giả. Họ bơi hết sức nhiệt tình và vô tư. Ngay cả giải chính, sau khi vắt kiệt sức để bơi quãng đường dài khoảng 5 - 7 km, đội vô địch cũng chỉ nhận được phần thưởng là lá cờ thêu chữ “Giải nhất” kèm khoảng 500.000 đồng, giải nhì khoảng 200.000 đồng và giải ba là 100.000 đồng. Nhưng không sao, bởi điều quan trọng nhất của họ là được trổ tài cao thấp, được cống hiến niềm vui cho bà con hàng xóm.

Thường thì một giải quy tụ từ 8 - 12 ghe đua của các thôn trong xã. Hầu hết các ghe đua đều phải thuê ở những nơi khác trong tỉnh. Giá thuê mỗi chiếc khoảng từ 5 triệu đồng trở lên. Để có một số tiền ngần đó thuê ghe đua, suốt cả tháng trời, trưởng thôn phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đi vận động bà con. Vì danh dự thôn nhà, ít ai từ chối đóng góp. Tuy nhiên, có người cố gắng lắm cũng ủng hộ được 5.000 đồng. Bởi vậy, nhiều khi trưởng thôn phải kêu gọi đồng hương đang làm ăn ở xa chiếu cố thêm. Các vận động viên đua ghe (con bơi) là những thanh niên trai tráng địa phương. Ngoại lệ có thôn khấm khá hơn chi tiền thuê một vài “ngoại binh” ở xã khác bơi ở những vị trí chủ chốt như: chèo lái, phách mũi. Tinh thần vì màu cờ sắc áo thể hiện rõ trong đội ngũ con bơi ở từng ghe đua. Họ tự nguyện bỏ công ăn việc làm ở nhà để tập dượt cả tuần mà không có bất cứ khoản tiền bồi dưỡng nào. Có những người sau khi dự giải bị chấn thương cũng không hề than vãn. Kết thúc giải đua là một bữa tiệc gọn nhẹ với vài con gà, tô mì Quảng làm mồi nhắm với mấy lít rượu gạo. Họ lại ngồi với nhau phân tích chuyện hay dở của mình cũng như đội bạn hoặc tính toán chuẩn bị cho mùa giải sau trong tinh thần cởi mở và đầm ấm tình làng nghĩa xóm. Có con bơi buồn vì không đoạt giải nên uống thật say rồi khóc như trẻ con.

Có thể nói, giải bơi đua độc đáo và phần thưởng “bèo” nhất nước này là một điển hình của tinh thần thể thao cống hiến tất cả vì “màu cờ sắc áo”.  

Quang Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.